Danh ca Bạch Yến lần đầu hát ở Hà Nội

Danh ca Bạch Yến. Ảnh: Nguyệt Vy
Danh ca Bạch Yến. Ảnh: Nguyệt Vy
TP - Ngày 15-10 tới, Bạch Yến lần đầu ra mắt khán giả Hà Nội tại phòng trà Maisons Sens. Đến nay, Bạch Yến vẫn là giọng hát Việt duy nhất ghi được dấu ấn với khán giả Âu Mỹ.
Danh ca Bạch Yến. Ảnh: Nguyệt Vy
Danh ca Bạch Yến. Ảnh: Nguyệt Vy.
 

Ý chí mạnh mẽ, quyết tâm đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, ở bà không thiếu mềm mại, nhu mì. Bà là phu nhân của nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Hải, con dâu GS Trần Văn Khê.

Trong một quán cà phê phố cổ Hà Nội, Bạch Yến tuổi 69 kể những vui buồn trong cuộc đời lạ lùng và phong phú của mình bằng giọng lạc quan.

Ca sĩ độc nhất đi mô-tô bay

Tiểu sử ghi có giai đoạn bà đi mô-tô bay?

Năm 1953, tôi thi ca được giải Nhất, HCV Nhi đồng do đài phát thanh Pháp Á tổ chức, thành ra đài cho hát mỗi tuần/lần. Năm 1954, đài đóng cửa cùng với sự ra đi của người Pháp. Lại thêm căn nhà lá của mẹ con tôi bị cháy. Ba mẹ tôi chia tay, nhưng bà cụ rất can đảm không nhận sự giúp đỡ của ông cụ, cứ ôm lấy 5 đứa con. Đứa em út của tôi chết cũng vì nghèo. Lúc đó túng thiếu lắm.

Có bao việc mưu sinh, sao bà chọn việc mạo hiểm đó?

Ông cậu dựng lên một đoàn mô tô bay, các anh chị họ làm, tôi coi thấy thích quá. Lúc bấy giờ khó khăn quá. Xin đi hát đài phát thanh Sài Gòn không cho, đài Quân đội cũng không cho. Tôi không quen ai, với lại cũng hơi bạo, tôi nghĩ mình sẽ là ca sĩ duy nhất đi mô tô bay. (cười)

Cũng như việc học nhảy thiết hài (cracket), mambo, chachacha, bebop… đủ thứ hết, là do thích, chứ không ai biểu hết trơn. Cách đây 2-3 năm, tôi có trình diễn nhảy thiết hài trong Paris By Night. Giờ vẫn nhảy được, nhưng đau mắt thành ra bác sĩ không cho động mạnh.

Cũng vì xưa đi mô tô bay té nặng quá. Lần chót (trước đó đã tai nạn một lần nhưng nhẹ), tôi hơi mệt, lỡ chân đạp thắng. Đâm luôn, rớt cái ầm từ độ cao 4 thước. Mô-tô nằm trên người, gẫy mấy xương sườn, mắt bị bầm. May không gãy cổ. Chắc “nhờ” tai nạn thì mới quay về với âm nhạc.

Hình như cũng mãi gần đây, nhiều khán giả mới biết bà nhảy thiết hài?

Tôi biết nhảy thiết hài từ hồi ở Việt Nam. Cho tới khi chen chân được vô Hollywood, mới thấy rằng ca sĩ lên sân khấu phải biết kể chuyện cười, biết nhảy múa. Sống bên Mỹ, tôi học lướt ván (cả trên tuyết và trên nước), rồi học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hebrơ…

Từ chối Frank Sinatra

Bà nói tính mình nhát?

Thời đó nhát lắm. Hẹn đi ăn cơm với Frank Sinatra, không đến…

Nhưng cuối cùng vẫn đến, mang cả mẹ theo…

Sự thật là vậy. Nghệ sĩ piano đi diễn cùng lúc đó là bạn của Frank Sinatra, có giới thiệu tôi. Nói Frank Sinatra mời đi ăn cơm. Tôi sợ quá nổi mề đay tùm lum (cười). Lúc đó 21-22 tuổi, đi hát toàn mẹ đi cùng. Chưa bao giờ biết một người đàn ông nào, dù là rủ đi chơi, ăn cơm.

Ăn cơm xong là… chia tay luôn?

Vừa quen, hôm sau điện thoại chào, thì ông ấy bảo ở lại thêm một ngày nữa thôi, ông ấy sẽ cho tàu bay riêng chở về Hollywood. Tôi nói: Không được, hôm nay tôi hứa về Los Angeles để tặng hoa các bác sĩ làm việc từ thiện giúp trẻ em Việt Nam. Đó là thời vàng son nhất của Frank Sinatra mà tôi dám nói không với ông ấy. (cười)

Bà nói chỉ yêu người Việt. Tại sao?

Khi mới qua Tây phương thì thấy cái gì của Tây cũng là hay nhất, thích nhất. Ở một thời gian, thèm được nói tiếng Việt. Khi nào còn thèm ăn cá kho là mình còn trở về nguồn. Hồi bà cụ chia tay để về Việt Nam có dặn ba chuyện. Thứ nhất, không lấy chồng ngoại quốc. Thứ hai, không được cắt tóc. Thứ ba, không được mặc bikini đi tắm.

Ông Hải biết bà trong vòng 24 giờ là cầu hôn luôn?

Chắc là duyên số. Lúc đó tôi đang sống bên Mỹ, qua Pháp nghỉ hè. Có bà chị với cậu em ở bển, về đó cũng như tìm lại chút không khí gia đình. Còn một bà chị ở Việt Nam, mẹ về thăm cũng kẹt luôn, mà lại không tin tức, thành ra có nỗi buồn rất lớn…

Ông Hải xuất hiện vào thời điểm rất thuận lợi cho ông ấy?!

Không phải. Nói cho đúng anh Hải tính hay giỡn. Anh ấy nói: Mình cưới nhau đi. Tưởng ông giỡn, mình cũng giỡn lại, nói OK. Ai ngờ ổng cho in thiệp đầy, mời 400 người. Đám cưới của mình đặc biệt. Anh lúc đó nghèo lắm, là một công chức rất nhỏ. Vậy mà sống với nhau 33 năm rồi.

Không tiếc nhớ

Thật đáng tiếc khi sự nghiệp tân nhạc của bà bẵng đi 2 thập kỷ khi bà quay về hát dân ca Việt Nam?

Tại có vợ có chồng, cùng làm tiện hơn. Cái này giống như là mình xuống tóc đi tu. Đang làm nhiều tiền, mà chấp nhận đi hát với anh Hải, chấp nhận đứng tên sau anh ấy. Nhưng hào quang mình có rồi… Thế mà đến lúc mình thâu đĩa Souvenir (Kỷ niệm) để tặng cho anh, anh mới biết mình hát tân nhạc tới cỡ nào. Đĩa do một hãng đĩa Mỹ làm năm 1996 để bán ở châu Á (Phương Nam Phim phát hành tại Việt Nam 2008- PV).

Tháng đầu tiên ra, bán 100 ngàn đĩa. Họ lấy vốn dư sức. Đĩa đó làm 100 ngàn đô-la, 39 nhạc sĩ đàn, trong đó có nhạc sĩ của Barbra Streisand, Frank Sinatra, Linda Ronstadt… Trong đĩa này họ phải đổi tên, tại đang đàn cho những tài tử lớn, đâu có thể đàn cho một người vô danh được. Vậy mà mấy người đó nói, chừng nào ra đĩa cho xin một cái. Tại mình hát tiếng nước nào ra tiếng nước đó, chứ không lơ lớ…

Bà ngưng hát tân nhạc khi sự nghiệp đang lên. Tiếc vì nếu lên hẳn, sẽ ghi đậm hơn dấu ấn của một ca sĩ người Việt nổi tiếng thế giới?

Không sao. Những hình ảnh cũ của mình vẫn còn đó, chứng minh rằng mình làm những chuyện mà ca sĩ Việt Nam chưa ai làm. Số mình, tại mình lấy anh Hải thì phải chấp nhận. Cái đó mình chọn, chứ không phải ảnh ép mình. Nhưng mình làm nhạc Việt Nam thấy hay.

Người Việt ở hải ngoại khát khao nghe nhạc đó, còn người Tây phương cũng muốn tìm hiểu về dân ca cổ truyền của mình. Thành ra xách đàn cho anh Hải đi làm việc đó, thấy có một ý nghĩa đẹp. Tuy không nhiều tiền nhưng mình lời nhiều lắm - những người bạn cho Việt Nam, cho văn hóa nước mình. Cái đó là quý, thành ra không thấy là hy sinh nữa. Không thấy nhớ hay tiếc nuối một cái gì hết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.