Đào Mộng Long - Người diễn vai phụ cứ như không...

Đào Mộng Long - Người diễn vai phụ cứ như không...
TPCN - Chính ngọ 9/8, sân khấu Việt hiện đại đã mất NSND Đào Mộng Long, nghệ sĩ kịch chí thiết với vai phụ trên sân khấu suốt nửa cuối thế kỉ 20 và là nghệ sĩ có nhiều nhất những vai phụ để đời.
Đào Mộng Long - Người diễn vai phụ cứ như không... ảnh 1
Vai Siarơ trong Liu ba (kịch Liên Xô) của Đào Mộng Long

Ông đã giã biệt sân khấu cô độc, lặng lẽ vì tuổi già, ngay trong căn hộ của ngôi nhà danh tiếng, có đông đúc nghệ sĩ sân khấu từng sống, đang sống: số 50 phố Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội.

...Lập tức, trí nhớ tôi quay lại hơn hai mươi năm trước, khi tôi mới  qua tuổi hai mươi, bước chân vào Tạp chí Sân Khấu tập tành làm “kí giả kịch trường”.

Ông chủ bút( Tổng biên tập) thi sĩ Lưu Trọng Lư và thư kí toà soạn Xuân Trình (đều đã về cõi), bảo tôi đến phỏng vấn Đào Mộng Long, với lời dặn: Ông Đào Mộng Long chính là nghệ sĩ kịch số một về diễn vai phụ. Nhớ là số một, không ai bằng. Diễn rất hài hước, thông minh, tinh quái và tinh tế. Hình thể sân khấu bất lợi. Nhỏ người, nhưng duyên sân khấu khỏi chê. Cứ bước ra là sáng bừng sân khấu, có ngay cái để xem...

Nhân bảo như thần bảo, tôi đến gặp ông, được một cuộc xem ông diễn lại vài trường đoạn sân khấu của những vai kịch mà ông tâm đắc, nghe ông kể chuyện đời chuyện nghề, rồi có lúc vô thức rưng rưng cười khóc theo diễn xuất và cách kể chuyện vô cùng duyên dáng, cuốn hút của  ông.

Nhà văn Xuân Trình, người vùng đồng chiêm trũng huyện Ý Yên, Nam Định, vốn rất yêu mến các vai diễn của Đào Mộng Long, đặc biệt là cách diễn các vai phụ nông dân.

Đào Mộng Long bảo ông đã phải ăn dầm nằm dề với nông dân, quan sát họ kĩ lưỡng lắm mới diễn ra được 5 nhân vật lão nông, lại đều là nhân vật phụ, mà người xem không thấy vai nào giống vai nào, mỗi vai một sắc vẻ.

Xuân Trình từng nhận xét, cách dựng nhân vật trên sân khấu của Đào Mộng Long rất giống cách dựng nhân vật trên giấy trắng mực đen của nhà văn, đó là tạo hình nhân vật bằng một hệ thống chi tiết. Cả chi tiết về hình thể lẫn chi tiết về giọng nói sân khấu khi miêu tả nhân vật kịch.

Ở ngoài đời, Đào Mộng Long đã để tâm nhìn ngắm kĩ những đôi tay làm lụng đồng áng của nông dân, để nghiệm ra: khi nói chuyện, nông dân hay úp tay xuống, do cả đời họ một nắng hai sương, đi cấy, đi cày, làm cỏ, gặt hái, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”...

Ông cười nhẹ: Tôi không thể diễn bàn tay nông dân như trí thức, thường ngửa bàn tay khi đối thoại. Tôi nghe ra, khi xem kịch Bão biển, Quê Hương, mới thấy cách diễn Đào Mộng Long thật dụng công và có ý thức thẩm mỹ hẳn hoi trong việc thiết lập cách hóa thân riêng biệt của ông vào vai phụ, loại vai mà các diễn viên có đôi chút tiếng tăm thường rẻ rúng hoặc chẳng mấy để tâm.

Diễn xuất có chiều sâu tư tưởng và phương pháp xử lý riêng, nhưng vai kịch của Đào Mộng Long không cứng nhắc, mà thực sự sống động, lại xum xuê chi tiết. Xem ông diễn vai cụ già Ba Bơ say rượu trong Bão biển, thấy ông diễn nhẹ như không.

Diễn người say chỉ bằng đúng một động tác: bước hụt lên cái chõng tre. Ông nửa đùa nửa thật với tôi: Cái bước hụt này tôi rút ra từ hơn hai mươi năm làm sân khấu cải lương đấy.

Nhưng để diễn một chàng trai say, Đào Mộng Long thay màu ngay. Ông để nhân vật lẩm bẩm: Cháu không say, không say đâu ông. Nhưng ba lần cánh tay run rẩy của chàng đưa ra, đều tuột khỏi quai chiếc chén trên bàn rượu...

Đào Mộng Long có những trắc nghiệm riêng về diễn xuất sân khấu rất sâu sắc. Do một lần cao hứng nảy ra ý diễn chơi cho thích, ông đã diễn vai ông Lại trong vở Quê hương quá đà, lấn lướt cả vai chính, thu hút toàn bộ sự chú ý của người xem vào vai phụ của mình.

Thế mà Đào Mộng Long dám nhận đó là một sai lầm trong ứng xử với nhân vật phụ, đã vô tình phá vỡ tính đồng bộ của cộng đồng diễn viên và vở diễn...

Ông tự răn mình: Đúng là tôi có thể diễn cương hàng giờ cho người xem cười hết biết, nhưng nếu không nhằm phục vụ việc khơi sâu chủ đề vở diễn thì tôi nhất định không làm thế nữa.

Đặc biệt, ông rất sợ sự già héo trong diễn xuất. Cả đời nghệ sĩ, ông  chỉ băn khoăn sao cho vai kịch  luôn luôn có thanh xuân, đêm diễn nào nhân vật của ông cũng dạt dào sự sống, có hồn vía, có “ thần” (theo cách nói của sân khấu truyền thống).

Có vai kịch diễn đến lần thứ một trăm, ông mới tìm ra cách xử lý nhân vật ưng ý nhất, (vai cụ Thiện trong Lửa hậu phương). Vai Phaunhin vở Xâm lược, ông ghi trong sổ tay: ...“Có lẽ suốt đời chỉ đóng vai này thôi, tôi cũng chưa nghiên cứu và thể hiện được đầy đủ tính phức phức tạp và đa dạng của nó”...

Đào Mộng Long là một nghệ sĩ đa tình, đa tài. Ngoài diễn kịch, ông còn là tác giả, đạo diễn tài hoa. Nhưng trên hết, ông đích thực là một kịch sĩ tài năng của một loạt vai phụ xuất sắc, với nghệ thuật diễn độc đáo... cứ như không.

MỚI - NÓNG