Dập dìu câu hát chợ tình Pác Khuông

Dập dìu câu hát chợ tình Pác Khuông
TPCN - Có một phiên chợ tình được mở muộn hơn cả ở miền biên ải xứ Lạng là chợ tình Pác Khuông thuộc xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
Dập dìu câu hát chợ tình Pác Khuông ảnh 1
Dập dìu câu hát phiên chợ tình Pác Khuông. Ảnh: N.D.C

Chúng tôi chọn ngày nghỉ 30/4 (ngày 3 tháng 4 âm lịch) để tham dự. Chủ tịch UBND xã Thiện Thuật Lương Văn Kiểu, 46 tuổi, dân tộc Nùng đón chúng tôi rất hồ hởi. Chủ tịch Kiểu nói: “Xã chúng tôi thuộc xã vùng xa, cách xa thị trấn huyện trên 20 cây số mà các anh vẫn về dự lễ hội thì vui quá!”.

Tâm điểm là khu chợ Háng Pò rộng cỡ 6 ha nơi trai gái từ các bản làng 8 xã xung quanh đến dự, lại có trai làng, gái bản từ xã Hồng Phong (huyện Bình Gia), Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) kéo sang làm đông vui thêm ngày hội.

Cảnh mua bán, ăn uống tấp nập. Thịt quay pha mật quay giòn, óng mỡ làm nức lòng du khách. Rượu men lá đắm say những ánh nhìn…

Chủ tịch UBND xã Lương Văn Kiểu là dân bản địa, ông giới thiệu một người thấp đậm với chúng tôi: “Đây là Hoàng Minh Thiền, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Thuật.

Cái hay của phiên chợ là hát Sli, hát Lượn giao duyên để tìm hiểu lẫn nhau. Ông Thiền này ngày xưa Sli giỏi lắm, lấy được vợ xinh đấy!”. Năm 14 tuổi, Thiền được người anh ở bản Khuổi Cưởm, xã Thiện Thuật tên là Đàm Văn Tươi cho đi “hát phụ” ở phiên chợ tình Pác Khuông.

Thiền gọi Đàm Văn Tươi là “Lục Slay” nghĩa là thầy dạy. Thầy trò cùng cất tiếng hát, cùng Sli vang, hát bè nhuần nhuyễn, nhưng khi đã “ưng nhau” từ phía đối tác thì tách riêng.

Từng đôi lẩn vào lùm cây hoa, cây sim chờ màn đêm xuống…Ngày chợ tình năm ấy (năm 1974), bằng giọng Sli  ấm nồng và tài đối đáp, Hoàng Minh Thiền đã “đánh gục” được cô gái bản xinh đẹp làng bên tên là Hoàng Thị Thiểm, sinh năm 1962.

Bây giờ họ đã có với nhau mấy mặt con, đứa nào cũng ngoan, và được học hành tử tế…Phó Chủ tịch Hoàng Minh Thiền cho biết: Hội chợ Pác Khuông vẫn giữ được bản sắc của người dân tộc thiểu số miền núi. Hội được mở khi đã cấy xong vụ xuân.

Thực ra, phiên chợ được tổ chức trong 2 ngày. Hôm 29/4 (tức  mồng 2 tháng 4 âm lịch) đã có hội, phần nhiều là người dân tộc Dao đến dự và hẹn hò. Người Dao cũng hát Sli để tán nhau. Họ hát từ trên đồi, trên núi cho đến con suối Tà Vàng chảy xung quanh xã Thiện Thuật.

Họ Sli  trên đường để kiếm tìm bạn tình. Còn ngày 30/4 là phiên chợ chính, đông nhất. Ngày này trai, gái háo hức chờ đợi để đến giao duyên. Người già cũng đến chợ để tìm lại kỷ niệm xưa.

Có lẽ 629 hộ sống trên mảnh đất Thiện Thuật dù đến sớm, đến muộn, ai cũng muốn ghé qua phiên chợ hiếm có này.

Buổi sáng ở trung tâm chợ rất đông còn buổi chiều và tối, các đồi núi, khe suối len lỏi kín người. Tiếng Sli, tiếng Lượn réo rắt ven đồi làm rạo rực bước chân người.

Ông Thiền chỉ một người con gái dáng cao đang hát đôi cùng một người phụ nữ mặc quần áo dân tộc xúng xính bên đồi: “Đấy là Đàm Thị Dung, con gái của “Lục Slay” Đàm Văn Tươi ngày xưa dạy hát cho tôi đấy!”.

Còn bạn hát tên là Hoàng Thị Thở đang Sli đối đáp với hai chàng trai người dân tộc Tày làng bên. Họ có vẻ đã “kết nhau”.

Chiều tối. Chúng tôi làm quen với Triệu Văn Thượng, 25 tuổi ở bản Khuổi Khuy, xã Thiện Thuật- người được dân bản suy tôn là “con chim hoạ mi Phjia Món”.

Ngọn núi Phjia Món cao nhất vùng và là niềm tự hào của người Pác Khuông khi nói về sự hùng vĩ của thiên nhiên. Triệu Văn Thượng cười lộ chiếc răng vàng nói:

“Nhờ có Sli mà em lấy được hoa khôi của bản tên là Hoàng Thị Sáu đấy. Năm 1992, sau khi tan phiên chợ tình, bố mẹ mang lợn quay, gà thiến đi hỏi ngay”. Tôi hỏi: “Có vợ rồi, sao bây giờ vẫn đi hát ?”.

Thượng không giấu giếm bảo: “Đi làm Lục Slay cho đám trai bản mới lớn. Nhiều thằng khỏe mạnh, đẹp trai nhưng không biết hát nên chưa có bạn tình !”.

Chúng tôi vào một chiếc lều bán thịt lợn quay. Chủ quán người gầy tong teo nhưng ánh mắt rất sáng giới thiệu một người phụ nữ dân tộc mặt tròn như trăng rằm, nom còn nhiều nét xuân sắc rồi bảo: “Đây là vợ tao đấy. Nó rất mê lời Sli của tao”. Nói rồi chủ quán quên cả bán hàng Sli luôn một bài. Nhiều người đi hội kéo đến…

ở xã Thiện Thuật, dân tộc Nùng chiếm đến 95 % dân số. Đồng bào chủ yếu làm nghề nông nên đời sống còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên dân đã bớt nghèo.

Đáng nói là, đời sống văn hóa, bà con giữ gìn bản sắc dân tộc khá tốt. Chủ tịch xã Thiện Thuật Lương Văn Kiểu cho biết: Cái quý là nhờ có sự giao duyên, tìm hiểu nên tỷ lệ ly hôn trong xã đã giảm đáng kể, có năm chỉ có một vụ.

Thông qua phiên chợ tình Pác Khuông nhiều đôi nam nữ đã thành vợ thành chồng. Tuy chưa thống kê đầy đủ, nhưng ước tính có đến trên 80 % trai làng, gái bản tự tìm hiểu rồi cưới nhau chứ không bị cha mẹ cưới hỏi cho như ngày trước.

Chúng tôi rời Pác Khuông khi con đường vắng bước chân người. Trên đồi rung động những lùm cây. Tôi nghe tiếng Sli từ bụi cây bên sườn đồi: “Song lầu phúc sơ tọ lảy sì/ Sli san tàng cần niềm pủ sơ” (Hai chúng ta gặp nhau giao duyên ngần ấy thời gian/ Tạm chia tay giữ lời hứa của mình !).

Con đường đưa chúng tôi về thành phố Lạng Sơn chếnh choáng say vì men rượu và câu hát dập dìu bên sườn đồi, sườn núi…

MỚI - NÓNG