Nhạc sĩ Quốc Trung:

Đấu giá ban nhạc như chơi xì tố

Đấu giá ban nhạc như chơi xì tố
TP - Trong lúc người hâm hộ đếm ngược từng ngày đợi đêm diễn của Rock band đẳng cấp Scorpion vào tháng 10 tới, dường như thương hiệu Festival âm nhạc quốc tế Monsoon (Gió Mùa) một lần nữa thêm long lanh. Đằng sau, “ông bầu” Quốc Trung vẫn đang hồi hộp.

Trong ba năm liền tổ chức, nhạc sĩ Quốc Trung đã lôi kéo được nhiều nghệ sĩ quốc tế tên tuổi đến với khán giả Việt Nam. Nhìn qua thấy tài trợ rầm rộ, khán giả đông nghịt nhiều người nghĩ Quốc Trung hẳn giàu lắm nhưng thực tế hai năm đầu toàn âm, năm 2015 có nhóm tứ tấu Bond đình đám nên lỗ nặng hơn 2014. Năm nay còn nhiều thử thách nữa.

Nghề mạo hiểm

Năm 2008, trong lần tiếp xúc với Quĩ Văn hóa Đan Mạch, Quốc Trung bày tỏ nguyện vọng của nghệ sĩ Việt Nam muốn được học về quản lý, sản xuất chương trình âm nhạc.  

Anh cùng một vài người nữa được mời đi dự Festival ở Đan Mạch, sau đó ở Anh để trải nghiệm học hỏi. “Từ một đồng cỏ hoang vu họ biến thành không gian lễ hội tưng bừng với 7 sân khấu, 260 ban nhạc, 120 ngàn khán giả”, điều đó thôi thúc Quốc Trung mầy mò từ cách viết dự án, xin tài trợ, tiếp cận nghệ sĩ nước ngoài, tổ chức lễ hội chứ không phải đặt một show diễn cho ban nhạc quốc tế đến Việt Nam như trước đó.

Trong  hai mùa trước và cả Monsoon 2016 này, nhà tổ chức luôn trong tình trạng mời hết nghệ sĩ rồi vẫn tiếp tục chạy tiền cho đến phút cuối. Nhiều nhà tài trợ đưa ra điều kiện không phù hợp.

Đấu giá ban nhạc như chơi xì tố ảnh 1 Sau hai lần mời hụt, Scorpion sẽ đến Hà Nội vào tháng 10 tới.
Họ đàm phán xong đến phút cuối xù là chuyện hết sức bình thường. Hiện lúc này, ngân sách cho lễ hội mới có 6/10, nhà tổ chức như mọi lần vẫn ở thế “cưỡi lưng hổ”. Trông chờ vào việc bán vé  nhưng đa số khán giả mình chỉ rảnh họ mới đi xem, trời mưa thì bỏ luôn “lựa chọn âm nhạc là lựa chọn cuối”. Quốc Trung không phủ nhận mình điên khi kiếm tiền cả năm chỉ để đốt vào bù lỗ Monsoon “tổ chức Festival âm nhạc là nghề mạo hiểm mà”. Động cơ làm lễ hội thường niên ở Hoàng Thành không vì tiền. Với anh, thành công của lễ hội “không chỉ âm nhạc mà là không khí hưng phấn, vui vẻ của người tham dự”. Khán giả không lăm lăm nghe nhạc mà hòa trộn vào không gian đó thôi.

Lôi kéo tên tuổi “khủng”

“Tổ chức Festival âm nhạc là nghề mạo hiểm”.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Theo Quốc Trung cách hiệu quả nhất để mời nghệ sĩ “khủng” là làm việc chuyên nghiệp mọi khâu. Dự cảm về hiệu ứng của ban nhạc sẽ hát hay ở Việt Nam cũng là yếu tố quan trọng. Năm 2014, khi nhạc sĩ quyết định mời ban nhạc rock Carpark North (Đan Mạch) nhiều người kêu “họ chẳng có tên tuổi”. Đêm diễn của họ tại Hoàng Thành hay bất ngờ. “Năm nay nếu mời lại, giá cao gấp năm có lẽ họ chẳng sang vì họ đang rất nổi và cháy vé các tour diễn thế giới”. Nhiều ban nhạc đắt khách như Carlos Santana chẳng hạn sẽ giao đấu giá một buổi diễn duy nhất. Ba nước gần nhau trong khu vực đưa mức giá đề nghị cho người quản lý. Mình trả cao quá có thể hớ, trả thấp họ không trả lời. Nước này không biết nước kia trả bao nhiêu, lẳng lặng như chơi xì tố. Nơi trả cao nhất sẽ được chọn.

Tuy vậy có những nghệ sĩ tên tuổi tưởng rất khó và đắt thì họ lại nhanh chóng nhận lời như Dominic Miller hay DJ Matt Robertson, giám đốc âm nhạc của Bjork. Một bí quyết khác để dụ nghệ sĩ tên tuổi là xem hành trình diễn châu Á của họ. Nếu họ đi một vệt Hàn Quốc, Đài Loan, Băng Cốc... mình có thể ké vào để có giá rẻ hơn.

Bảy Mercedes S500 tháp tùng Scorpion

Đấu giá ban nhạc như chơi xì tố ảnh 2

Nhạc sĩ Quốc Trung.

Được phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp, nghệ sĩ sẽ trình diễn thăng hoa hơn. Hầu hết mỗi nghệ sĩ hát đơn hay trong ban nhạc đều gửi yêu cầu riêng theo hợp đồng. Ví dụ Joss Stone  yêu cầu rõ loại trà cụ thể và nhất thiết phải là mẫu cốc sứ cô ấy muốn.

“Yêu sách” của Scorpion cũng hoành tráng như đẳng cấp của họ.

Sau 2 lần mời hụt Scorpion, mùa này ban tổ chức liên hệ trước cả năm trời. Họ đưa ra “yêu sách” tại Monsoon 2016 là ngoài sự có mặt đầy đủ của 5 thành viên trong ban nhạc còn đi kèm là ê-kíp 20 người, cùng với các thiết bị về âm thanh. Đặc biệt, họ yêu cầu được diễn riêng “một mình một đêm” trong lễ hội.

Ban nhạc phải có vệ sĩ bảo vệ 24/24. Bảy thành viên chủ chốt di chuyển với bảy Mercedes S500 (đời 2015 trở đi). Trong hợp đồng ghi tỉ mỉ thức uống theo thói quen từng người, khoảng cách từ nhà vệ sinh tới sân khấu bao nhiêu mét, chìa khóa WC giao cho quản lý ban nhạc giữ…Việc họ có ở lại chơi tại Hà Nội sau đêm diễn hay không, ban tổ chức không được phép tiết lộ cho truyền thông. Để người hâm mộ thưởng thức “Still loving you” một cách trọn vẹn nhất, từng chi tiết nhỏ trong bảng “yêu sách” sẽ được đáp ứng 100%. 

MỚI - NÓNG