Đêm trắng sau 15 năm trở lại

Đêm trắng sau 15 năm trở lại
Sau 15 năm vắng bóng, Đêm trắng vừa ra mắt trong chương trình Nhà hát truyền hình, được truyền hình trực tiếp từ Nhà hát Hồng Hà (Hà Nội) ngày 27/8 và phát sóng lần 2 trên VTV1 vào 10h ngày 2/9/2005.
Đêm trắng sau 15 năm trở lại ảnh 1

Từng đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990, sau 15 năm Đêm trắng lại đến với khán giả, vẫn nóng hổi hơi thở cuộc sống hôm nay và đã gây xúc động mạnh trong lòng người xem…

Đêm trắng dàn dựng lại với một quy mô hoành tráng, gần 100 diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam và sinh viên của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh VN tham gia.

NSƯT Trần Thạch tiếp tục vào vai Bác Hồ trong vở diễn này mà 15 năm trước anh đã từng đóng. Không ít khán giả rưng rưng khi sân khấu xuất hiện hình ảnh Bác Hồ cùng giọng nói: Bác đây, Bác đã đến với các chú đây.

Vở kịch Đêm trắng kể chuyện Bác Hồ xem xét án tử hình một cán bộ có chức vụ cao trong quân đội - đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu. Đây là một câu chuyện có thật trong những năm toàn dân và toàn quân ta dồn hết sức người, sức của kháng chiến chống thực dân Pháp (những năm 50 của thế kỷ 20).

Trong lúc từ Chủ tịch đến người dân đều phải mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi ngày dành một vốc gạo vào hũ gạo tiết kiệm kháng chiến…thì Hoàng Trọng Vinh (tên nhân vật) chất gạo đầy kho để báo cáo thành tích nhưng không cấp cho bộ đội, bớt xén công quỹ tiêu xài phè phỡn, hoang phí…

Vinh đón ca sĩ trong nội thành ra vùng kháng chiến chơi bời, bắt chiến sĩ về tận làng hoa Ngọc Hà lấy hoa lên làm tiệc cưới, mua cốc pha lê Tiệp về đập phá…

Vinh luôn tìm cách luồn nịnh, đút lót các cấp trên có chức, có quyền để bao che, ô dù cho y thực hiện những mục đích cá nhân. Bên cạnh nhân vật tiêu cực chính Hoàng Trọng Vinh, còn có nhân vật “cấp trên” - nhân vật không có chức vụ, tên tuổi rõ ràng, nhưng người xem đều biết, đó là “ô dù”, là đầu mối của nạn quan liêu, tham nhũng.

Chính nhân vật “cấp trên” này là chỗ dựa cho Hoàng Trọng Vinh, nên khi bị bắt nhân vật này đã ngang nhiên công bố: “Nhà tù chỉ là chỗ tạm nghỉ cho đỡ mệt”.

Vinh từng dùng thủ đoạn tổ chức điều những cán bộ trung thực, từng tố giác y đi chiến trường xa, đến mặt trận ác liệt, dùng bàn tay địch sát hại. Không chỉ các chiến sĩ phải hy sinh xương máu mà ngay cả Hoàng Trọng Dũng - em ruột Vinh, là người chiến sĩ dũng cảm trung thực cũng phải hy sinh vì vụ án Hoàng Trọng Vinh - anh trai mình. Hành động của Hoàng Trọng Vinh như một thách thức công lý, với sinh hoạt của người dân ở thời kỳ đó.

Một đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu có hành động tham ô, bợ đỡ cấp trên, chèn ép cấp dưới, lợi dụng chức quyền sống đế vương như Hoàng Trọng Vinh làm mất lòng tin của chiến sĩ, nhân dân. Thật thấm là những lời Bác nói với Hoàng Trọng Vinh: “Mất tiền mất của còn tìm lại được, đánh mất lòng tin thì không thể lấy lại được nữa…Bác không đòi chú trả lại tiền bạc đã lấy cắp, chú hãy trả lại cho Đảng, cho Bác, cho nhân dân và Tổ quốc lòng tin”.

Đôi mắt của NSƯT Trần Thạch trong vai Bác đứng trước Hoàng Trọng Vinh lúc này như bốc lửa, bàn tay nắm lại cố nén giận…Khán giả lặng im, nghẹn ngào.

Đêm trắng là một đêm thể hiện tâm trạng ngổn ngang của Bác. Khán giả vừa xúc động vừa lo âu khi xem những hình ảnh Bác Hồ đầy suy tư, có lúc như quên cả thời gian.

Bác liên tục hỏi đồng chí giúp việc: Bây giờ là mấy giờ rồi? Bác thức trắng đêm cân nhắc, suy xét rồi đau lòng ra quyết định nghiêm khắc với vị Cục trưởng Cục Quân nhu mà 4 năm trước chính Người đã ký quyết định đề bạt.

Cả nhà hát không ngớt tiếng vỗ tay khi vở kịch kết thúc, được nghe Bác chỉ đạo đồng chí giúp việc: “Chú báo ngay cho đài phát thanh đưa tin vụ tử hình này vào bản tin đầu tiên, các báo đăng trên trang đầu, phải dành hai phần ba số báo phát vào vùng địch hậu để đồng bào ta trong ấy cùng biết”.

Thấy đồng chí giúp việc còn ngần ngại, Bác giải thích: “Ta cho kẻ địch biết sự chân chính của cách mạng, của Đảng, của Nhà nước ta. Một Đảng chân chính không che giấu khuyết điểm, chỉ có một Đảng tồi mới không dám công khai khuyết điểm của mình trước nhân dân”.

Tác giả Lưu Quang Hà - một người viết kịch không chuyên nhưng là tác giả của những vở kịch gây tiếng vang và cũng đầy sóng gió như: Đêm trắng, Đêm ức Trai (Nhà hát Cải lương VN chuyển thể cải lương - Lấp lánh Sao Khuê), Người anh hùng áo vải (Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần chuyển thể chèo).

Ở tuổi 80 ông cảm thấy tràn đầy hạnh phúc khi Đêm trắng sau hơn 15 năm được dàn dựng lại, nhất là được truyền hình trực tiếp trên VTV để nhân dân cả nước cùng thưởng thức đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày lập nước.

Ông cho biết, vở Đêm trắng ông viết sau khi Bác Hồ qua đời - năm 1969, nhưng cho đến tận năm 1980 mới hoàn thành kịch bản. Đêm trắng được coi là có số phận long đong, nhiều năm tác giả tìm đến một số đoàn nghệ thuật lớn nhưng đều bị từ chối, không dám dựng.

Mãi đến năm 1987 vở mới được đại tá - đoàn trưởng Hồ Ngọc - Đoàn kịch nói Quân khu II (Đoàn kịch này nay đã giải thể) nhận dàn dựng, Doãn Hoàng Giang đạo diễn (và sau này chính ông dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam).

Dù chỉ là một đoàn kịch của Quân khu nhưng Đêm trắng của Đoàn kịch nói Quân khu II đã được dư luận đánh giá là một điểm sáng của sân khấu những năm 1987-1988.

Cũng với vở diễn này, nghệ sĩ Tiến Hợi - Đoàn kịch Quân khu II, vào vai Bác (năm 28 tuổi) đã trở thành diễn viên nổi tiếng thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Đến nay, Đêm trắng đã có trên ba trăm xuất diễn của Nhà hát Kịch VN và Đoàn Cải lương Sài Gòn I (chuyển thể cải lương).

Tác giả Lưu Quang Hà cho biết: “Khi đạo diễn Doãn Hoàng Giang dựng Đêm trắng cho Đoàn kịch nói Quân khu II không khí chính trị chưa cởi mở như bây giờ. Đây lại là một đoàn kịch quân đội, chịu ràng buộc trong phạm vi nhất định.

Dù vậy, tính chiến đấu của vở diễn hồi đó vẫn rất mạnh mẽ. Dựng Đêm trắng cho Nhà hát Kịch VN 15 năm trước cũng như bây giờ, đạo diễn Doãn Hoàng Giang luôn chú ý khai thác mạnh tính chiến đấu.

Đạo diễn muốn làm bật lên thái độ công phẫn của Bác trước tệ tham nhũng, trước sự tha hóa của một số cán bộ, đảng viên. Sự công phẫn của Bác không chỉ với Hoàng Trọng Vinh, Cục trưởng Cục Quân lương khi ấy mà thái độ ấy còn hướng về tương lai, hướng về tệ nạn tham nhũng của không ít cán bộ, đảng viên bây giờ”.

Theo tác giả Lưu Quang Hà, ông đã cố gắng xây dựng hình tượng Bác Hồ trong Đêm trắng một cách hết sức chân thực. Viết vở kịch này ông đã cất công đi gặp, sưu tầm tư liệu của nhiều đồng chí được sống gần Bác.

Ông kể lại: “Sau đêm công diễn Đêm trắng do Đoàn kịch nói Quân khu II dựng, đồng chí Vũ Kỳ- nguyên là thư ký riêng của Bác có nói với tôi: Mình cảm động, mình lo cho các cậu, chỉ một sơ xuất nhỏ về Bác là thất bại, xem xong mình mới hết lo”… 

MỚI - NÓNG