Đến Hoàng thành xem triều phục

Hoàng (Long) bào Đại triều xuân-hạ của Hoàng đế. Ảnh: Toan Toan
Hoàng (Long) bào Đại triều xuân-hạ của Hoàng đế. Ảnh: Toan Toan
TP - Trong 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua triều Nguyễn có những bộ lần đầu trở về Việt Nam ra mắt công chúng. Triển lãm này là một trong số hoạt động tết ở Hoàng thành Thăng Long.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Trinh Family Foundation giới thiệu 15 bộ triều phục tại triển lãm Triều phục Việt Nam, bày tại Nhà con rồng phía sau thềm Rồng điện Kính Thiên. Trong số triều phục tái tạo có áo Cát phục Viên Long của hoàng thái tử thế kỷ 19-20, thường mặc trong lễ gia đình hoặc tiếp khách. Áo dành cho hoàng thái tử nên hoa văn có rồng năm móng nhưng vải màu da cam, không được mặc màu vàng của hoàng đế.

Triều phục tái tạo nổi bật có bộ Long bào đại triều mùa xuân-hạ của hoàng đế thế kỷ 19-20. Long bào thường được các hoàng đế mặc trong đại lễ Đăng quang, Vạn thọ, Đại triều ở điện Thái Hòa, lễ ban sóc vọng, lễ Nguyên đán. Mỗi triều vua chỉ được một cặp Long bào một xuân-hạ, một thu-đông, ngoài ra còn có một cặp phiên bản được thờ ở điện Càn Thành phòng khi tai nạn, chính biến. Nếu áo của hoàng đế đang mặc bị hư hại sẽ được làm lễ và đem ra thay thế. Long bào thêu trên vải sa nam tơ tằm màu vàng, họa tiết chín rồng năm móng. Nhà nghiên cứu Trịnh Bách nói thêm, long bào này thường dùng khi vua ngự trên ngai, rời khỏi ngai phải cởi bỏ. Long bào lưu truyền qua các đời vua. Trong quá trình tái tạo, các nhà phục dựng phải kỳ công đặt mua cườm tấm đính trên áo từ một ngôi làng ở Ấn Độ.

Trong loạt áo nguyên bản có hai chiếc áo của chúa Trịnh lần đầu đưa về Việt Nam. Áo Cát phục của chúa Trịnh thế kỷ 18 may bằng vải thượng hạng để Chúa mặc tiếp khách thường ngày hoặc dịp vui gia đình. Áo Ngự hàn Viên Long là một trong số rất ít triều phục được may từ loại vải cao cấp nhất còn lại đến nay. Áo này cùng với áo dài của chúa Trịnh nói trên, Long bào của vua Lê Dụ Tông bày tại Bảo tàng Quốc gia Việt Nam là những chiếc áo may bằng đoạn dệt theo kỹ thuật bát-ti (tám sợi dọc cho mỗi sợi ngang). Trên áo Ngự hàn Viên Long có hoa văn cặp rồng năm móng một thăng một giáng trong mỗi ổ, riêng hai ổ rồng ở trước ngực và sau lưng thì lại có hai con rồng thăng mỗi ổ. Áo này thuộc về một trong những vị chúa Trịnh cuối cùng và được người trong vương thất nhà Trịnh đem vào Thanh Hóa khi quân Tây Sơn chiếm Thăng Long. Sau này hậu duệ của chúa Trịnh chuyển áo sang Pháp rồi sang Mỹ lưu giữ.

Một số áo nguyên bản có Cổn bào của quan Chánh Nhất phẩm Võ ban thế kỷ 19-20 may bằng vải đoạn bát-ti, thuộc hàng trang phục cao quý nhất trong lễ phục của vua quan. Áo Cổn chỉ được vua và các quan từ tam phẩm trở lên mặc trong các lễ tế Giao, ít khi xuất lộ vì áo Cổn từ vua đến quan theo lệ cổ phải luôn được phủ bên ngoài bằng một áo Giao Lĩnh bằng vải sa nam, thêu họa tiết đặc biệt của lễ. Trong số áo nguyên bản còn có áo Cát phục Thiên thọ của Thánh cung Hoàng Thái Hậu (1917-1935), dệt bằng vải sa đoạn với hoa văn Thiên thọ. Áo được thêu nhiều chữ Thọ, có thể gọi là Thiên Thọ hay Bách Thọ tùy theo cấp bậc, chỉ thiên tử mới được mặc áo Vạn Thọ. Cát phục Thiên thọ được hoàng thái hậu mặc trong các buổi tiếp khách hay các buổi làm việc ở nội cung.

Một số hoạt động Tết tại Hoàng thành: Triển lãm tranh tết giới thiệu các dòng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng và Đông Hồ. Triển lãm BST của Bảo tàng gốm sứ Hà Nội. Triển lãm ảnh di sản Việt Nam. Mở cửa hố khảo cổ học mới phát lộ để du khách tham quan.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.