Đẹp và đốt

Đám rước Voi chín ngà tại Lễ hội Quest. Ảnh: Jawa
Đám rước Voi chín ngà tại Lễ hội Quest. Ảnh: Jawa
TP - Nghe tên Conxeart bao gồm hai từ “con xe” và từ “art” (nghệ thuật) đã có thể hình dung đây không phải xưởng cơ khí thuần túy. Các thành viên là những nghệ sĩ điêu khắc sắt và mọi vật liệu mà họ thấy đẹp. Họ còn làm đủ thứ hay ho, nhưng trên tinh thần bị cho là phù phiếm.

Nghề độ xe càng ngày càng phát triển, xưởng độ xe máy Đông Âu thập kỷ 60-70 cũng tăng nhưng thợ cơ khí đã tay ngang lại say mê nghệ thuật thì duy nhất có Conxeart.

Trung thu vừa qua, tại Triển lãm Vân Hồ (Hà Nội), khách ghé thăm ai cũng trầm trồ và chụp selfie cạnh con cóc khổng lồ cao hơn 2m làm từ tre của câu lạc bộ (CLB) Conxeart. Lưng và chân cóc được làm từ hàng trăm chiếc rọ (bắt tôm) luồn dây. Bụng cóc là tấm vải trắng phồng căng nhờ quạt thổi từ bên trong.

Làm thật đẹp, để đốt

Tác phẩm “Cóc kiện trời” của câu lạc bộ (CLB) Conxeart phơi nắng một tháng tại Triển lãm xong được chuyển về khuôn viên nhà riêng của một người Pháp ở ngoại ô. Tại đây CLB tổ chức bán vé cho khán giả đến dự sự kiện trình diễn nghệ thuật và hóa cóc về trời. Trong tiếng nhạc sôi động, một nghệ sĩ dùng hộp sơn phun vẽ graffiti lên bụng cóc thành màn trang trí rực rỡ cuối cùng. Cóc được châm lửa cháy trong tiếng đàn bầu của một nhạc công người Pháp. Nhiều người theo dõi qua Facebook, thấy tiếc cho tác phẩm đẹp bị “hóa vàng” nhưng trưởng nhóm Conxeart Lê Đình Công cho biết, cóc được làm thật đẹp để đốt và muốn có hiệu ứng cho đến lúc ngọn lửa tắt lụi. “Lúc đó nhân có vụ cá chết ở Hồ Tây, chúng tôi muốn gửi con cóc lên thưa ông Trời về một sự kiện buồn của trần gian”.

Đẹp và đốt ảnh 1

Lê Đình Công trong xưởng hàn

Được tham dự sự kiện trên, Mark Harris giám đốc sáng tạo của Festival Âm nhạc dã ngoại Quest mừng hú nói với Công: “Đây đúng là điều tôi hình dung về những linh vật sẽ được đốt vào đêm cuối lễ hội sắp tới”. Ông đề nghị Công ký hợp đồng 10 năm làm quản lý nghệ thuật phần VN cho Quest nhưng Công chưa nhận lời.

Tại Lễ hội Quest 2016, Conxeart được đặt thiết kế hai linh vật là Voi chín ngà và Ngựa chín hồng mao cách điệu làm từ tre và cói, chu vi khoảng gần 2m. Mỗi linh vật được bốn người khiêng dẫn đầu đoàn rước cùng các khán giả tự hóa trang thành  gà chín cựa, chim phượng, muông thú …tượng trưng cho lễ vật đám ăn hỏi của Sơn tinh đến nhà Vua Hùng hỏi cưới con gái ngài. Hai linh vật cỡ khủng khiến đám rước trở nên linh đình, rực rỡ hơn hẳn những mùa Quest trước.

Thành viên của Conxeart hân hoan khi nhớ lại hồi đầu năm được mời dựng bối cảnh cho đoàn làm phim “Kong: Skull Island”  của Hollywood. Mới đầu họ chỉ định thuê nhóm dựng ba căn nhà tre nứa rồi dùng kỹ xảo nhân thành cả dãy nhà khi lên phim nhưng khi hỏi giá thấy có hơn 2 triệu một căn họ ký luôn 30 căn. Nhóm thực hiện báo giá dựng bối cảnh phiên chợ quê với  thịt, rau, hoa quả đầy đường hết có 20 triệu, đối tác giật mình “sao rẻ thế?”.

Có tí thương hiệu tây mọi việc của nhóm nghệ sĩ tự do khởi sắc hơn. Họ nhận thêm một số hợp đồng dựng bối cảnh clip quảng cáo cho hãng điện thoại nổi tiếng. “Hy vọng chúng tôi có duyên với nghề “bối cảnh””.

Mỗi lần ra mắt tác phẩm xe mới độ, CLB lại tổ chức sự kiện nhỏ. Tại đó các ông thợ nói về cách họ xử lý, thiết kế và giải thích lý do “vì sao?” cho từng chi tiết mới. Tất nhiên sự kiện “ngầu” như thế phải có nhạc. Ban nhạc HUB thường xuyên đồng hành với mọi sự kiện  Conxeart. Vòng tròn đám đông đôi khi bất ngờ phấn khích vì một con xe “ngầu gân” phi vào, vừa rú ga vừa phun khói từ xăng thơm (xăng chuyên dùng cho sự kiện đông người).

Độ xe cũng như thiền

Lê Đình Công tốt nghiệp Đại học sân khấu điện ảnh ngành Thiết kế phục trang nhưng không làm nghề ngày nào, anh xin về VTV2 làm chuyên mục “Xe và đời sống”,  sau thi tuyển vào làm phóng viên tạp chí “Ô tô xe máy”. Mấy năm vừa viết bài, vừa chụp hình, vừa lái thử (test) đánh giá chất lượng xe máy của các hãng trước khi ra mắt, lại sẵn có kinh nghiệm về phượt và motor từ hồi nhỏ cùng bố, Công chợt nghĩ sao mình không tự mở xưởng. Anh muốn tiếp tục đam mê với dòng xe tay côn sản xuất tại Đông Âu, biểu tượng “hầm hố” một thời như Simson, Jawa, Mins, MZ, Ural…”Bởi đây là những loại xe “có đất” để thay đổi thiết kế”.

Đẹp và đốt ảnh 2 Các nghệ sĩ ngắm xe độ để “bắt lỗi”
Nhóm sáng lập câu lạc bộ (CLB) độ xe có bốn người, trong đó có Mario Bels người Pháp đã gắn bó với VN nhiều năm, luôn nhiều ý tưởng. Sau 5 năm hoạt động , bốn người đứng đầu nay chỉ còn Công và Mario, tuy nhiên anh bạn thường xuyên phải về Pháp.

Đấm box là cách Conxeart tuyển thành viên. Người mới phải đeo găng mời một người bất kỳ lên đấu. Nếu thắng họ mới được trụ lại học nghề. Để độ một chiếc xe 100% công việc phải làm tay. Nhóm thợ đặt chiếc xe đã tháo hết cạnh nền phông vải trắng chụp ảnh rồi đưa ra bản vẽ. Người thiết kế cần can chỉnh cho hợp với dáng người chủ phương tiện. Thợ sẽ đưa ra gợi ý bản thiết kế tạo hình phần thay đổi bởi đa số khách không có ý tưởng gì.

Khách độ xe dễ theo tâm lý trào lưu. Họ bỏ một khoản tiền để có cái xe “ngầu”. Khi chán, họ vứt xó hoặc giao cho thợ khác tút lại, tung lên mạng rao bán. “Nhìn tác phẩm của mình bị đánh hỏng, trông ngớ ngẩn, thợ Conxeart buồn lắm. Có đợt anh em không nhận làm cho khách mà tụ vào độ xe cho nhau trước dịp đi chơi đâu đó”.

Nhận đặt hàng, trưởng nhóm trực tiếp vẽ thiết kế trước khi độ. Công việc về cơ khí như gò, hàn, Công và các thợ tự học qua mạng đến 80%. Anh em truyền nhau các thao tác kỹ thuật. Chỉ cần động cơ và hai bánh là chế được.

Triết lý của người thợ đôi khi nằm ở một chi tiết thay đổi của thiết kế. Trưởng nhóm chia sẻ, người làm thợ ít cơ hội có được cuộc sống tinh thần. Họ làm công việc tinh vi vất vả và tôi muốn cùng họ hiểu được giá trị và chia sẻ với cộng đồng về công việc không phổ thông này.

Conxeart có sức quyến rũ khiến không ít thanh niên bỏ học bỏ làm. Thành viên Nguyễn Quang Ngọc kể, anh từng bị gia đình cấm “đi theo đám xe cộ lông bông” nhưng Ngọc xin gia đình cho ở lại CLB để có hiểu biết thực tế về cơ khí trước khi sang Đức du học cùng ngành. Ngọc kể “Tôi tự tay độ chiếc xe  của mình. Ở đây tôi mới biết thế nào là trình diễn sắp đặt nghệ thuật. Toàn những thứ hay ho mà không bao giờ tôi có thể nhận được từ trường lớp”.

Trong khuôn viên của họ có một nhà xưởng, một phòng Xăm nghệ thuật, một quán café. Nơi này toàn thợ tay ngang, khi cần mỗi người làm những việc chẳng liên quan đến ngành mà họ học. Anh học truyền thông lại mê gò hàn, anh học quay phim cứ lao vào khuân vác, họa sĩ Mỹ thuật công nghiệp thành thợ xăm.

Đa phần mọi người học và làm nghề độ xe để kiếm sống thì CLB này lại làm cho sướng rồi tính. Họ như những thợ điêu khắc chờ đợi tác phẩm gần lộ diện. “Khi tập trung cao độ họ đạt trạng thái như thiền”. Các “thợ may sắt” có khi chẳng biết đó là thiền chỉ thấy vô cùng “xõa”.

Chúng tôi không có thu nhập đều đặn, sống khá vất vưởng. Có một quán café không đông khách lắm, chủ yếu làm địa điểm tụ tập. Tiền độ mỗi chiếc xe cho khách giá rất cao nhưng thỉnh thoảng mới có khách, Công chia sẻ.  Nhóm chưa định nâng cấp thành công ty, họ chọn cuộc sống của “thợ cơ khí mở rộng” hơi thiếu chắc chắn, có tí phù phiếm nhưng đúng với sở trường và sở thích của mình.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.