Đi hội diễn để làm gì?

" Bỉ vỏ"- tiết mục của Nhà hát kịch Hà Nội dự cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Kịch nói Chuyên nghiệp toàn quốc 2015.
" Bỉ vỏ"- tiết mục của Nhà hát kịch Hà Nội dự cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Kịch nói Chuyên nghiệp toàn quốc 2015.
TP - Đi hội diễn bây giờ chỉ cốt kiếm huy chương, kiếm huy chương đặng kiếm danh hiệu NSƯT, NSND mấy năm xét một lần. Câu chuyện buồn này của giới sân khấu được phóng viên trao đổi với NSƯT Thu Hà nhân đợt xét tặng danh hiệu đang ì xèo, và nhân cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 tổ chức ở Thanh Hóa đã vào cuối chầu.

Chị từng tham gia nhiều hội diễn, liên hoan sân khấu? Cảm giác thế nào?

Tôi đi nhiều. Trước kia, đi hội diễn cảm giác hân hoan, vui sướng vì được làm nghề, gặp gỡ, giao lưu đồng nghiệp và được xem vở của các đoàn bạn mà bình thường ít khi có dịp. 

Theo thời gian, có vẻ hội diễn ngày càng ít không khí nghề nghiệp. Chúng tôi vẫn đùa rằng, điểm lại, cứ cuộc trước lại tử tế hơn cuộc sau mới chết chứ. 

Trước, hội diễn hướng đến khám phá, sáng tạo; xem nhau để rồi cảm phục nhau, yêu và muốn gắn bó với nghề. Sau đó mới là huy chương vàng - bạc, là gặp gỡ, “đàn đúm”. Giờ khác rồi.

Bây giờ, nghe nói nghệ sĩ đi hội diễn  cốt  để kiếm huy chương, và  kiếm huy chương cốt để làm hồ sơ xét NSƯT, NSND chứ không có mục đích khác?

Công tâm thì hội diễn, liên hoan nào cũng có mục đích na ná nhau. Ngoài đưa tác phẩm hay, lạ, tính nghệ thuật cao, khó tiếp cận với công chúng, thì yếu tố huy chương được hướng đến là đương nhiên. 

Nhưng dường như đúng là bây giờ chuyện đi hội diễn cốt kiếm huy chương, kiếm danh hiệu ngày càng bao trùm không khí các hội diễn.

Nhiều vở đi hội diễn còn kém hơn khi diễn đại trà bởi những vai hay- do các diễn viên giỏi (đã có danh hiệu) đảm nhiệm đã được nhường cho những diễn viên yếu hơn nhưng chưa có danh hiệu hoặc chưa đủ huy chương. Có người tự nguyện nhường, có người được cơ quan đề nghị nhường. Thậm chí có vở dựng chỉ để đi hội diễn, sau đó đóng gói. Cứ thế cứ thế, hội diễn bị trượt đi theo tiêu chí “số 2” mà sao lãng tiêu chí vị nghệ thuật.

Đi hội diễn để làm gì? ảnh 1  NSƯT Thu Hà cho rằng danh hiệu NSƯT, NSND đang bị tầm thường hóa.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, một tiêu chí xét tặng danh hiệu là “được khán giả yêu mến”, giải thích là được phân nhiều vai. Theo chị, “nhiều vai” đã phải là một tiêu chí đích đáng chưa?


Nhiều vai chưa chắc là diễn viên giỏi. Có những nghệ sĩ một năm chỉ có một vai hoặc chẳng vai nào, có khi sự nghiệp chỉ đóng đinh trong vài vở nhưng thực sự là “đỉnh” - đồng nghiệp nể phục, công chúng yêu quý. 

Nhiều vai ở đây phải tính: Vai chính hay vai thứ? Vở này có diễn nhiều không? Bạn diễn và đồng nghiệp nhận xét thế nào... Tuy nhiên, cũng phải tính đến những trường hợp giống bên điện ảnh, rằng nhiều khi vở diễn thực sự hay, mang tính nghệ thuật cao đôi khi lại chịu thiệt thòi vì ít khán giả. Vì một nền sân khấu đích thực mà các nhà hát vẫn phải làm. 

Quả tình, khi làm những vở lớn như vậy - đa phần là kịch bản nước ngoài, nghệ sĩ thăng hoa ghê gớm lắm. Lại đẻ ra vấn đề khác liên quan đến tiêu chí hội diễn đó là, đa phần các vai diễn hay, vở kịch hay, nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo thì đều có kịch bản nước ngoài, trong khi đó tiêu chí đi thi lại là “tác phẩm trong nước, ca ngợi đất nước và con người Việt Nam XHCN”. Hoặc “phát huy, bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng một nền sân khấu đậm đà bản sắc dân tộc”... Vậy là nhiều nghệ sĩ thiệt thòi chả được đi hội diễn, chả có huy chương. “Tèo” đợt xét tặng năm đó là cái chắc. Năm sau, chị ấy, anh ấy lại đóng kịch nước ngoài, dù hay, dù thăng hoa hết mình, dù cháy bỏng tình yêu sân khấu, lại tiếp tục “tèo” đợt sau.

Chị có quan tâm danh sách đạt và trượt danh hiệu NSND đợt này?  Nhiều người bình phẩm kết quả, rằng đến Chí Trung, Minh Hằng, Thanh Ngoan còn trượt NSND, Hoài Linh trượt NSƯT. Họ bình phẩm như thể sự xét duyệt lần này khắt khe lắm? Mà quên mất chuyện một số cái tên chưa hề xuất sắc, chưa đủ uy tín nghề nghiệp đã dễ dàng “qua đẹp” vòng chuyên môn cấp Bộ để thẳng tiến tới danh hiệu NSND? Có người mấy chục năm chẳng đóng  góp  gì, vẫn lừ lừ lên NSND?

“Tôi hiểu tiêu chí xét tặng NSƯT, NSND lâu nay ta học theo Liên Xô, về Việt Nam đã uyển chuyển đi nhiều. Cứ đà ba năm một lần xét tặng thế này, đến lúc NSƯT & NSND đông hơn nghệ sĩ thường! Trong khi sân khấu những năm gần đây sa sút, mai một những tài năng cá nhân, vở diễn tầm cỡ”. 

NSƯT Thu Hà

Lúc đầu tôi không để ý gì, nhưng từ lúc báo chí, các đoàn rộ lên thông tin danh sách NSƯT, NSND đã được duyệt cấp Bộ thì suy gẫm thấy nhiều cái chưa hợp lý.

Người nghĩ ra chế độ khen thưởng đã không đưa ra được tiêu chí rõ ràng như: Có nhiều cách để tính toán quy đổi 1 hay nửa huy chương? Như thế nào là “giải thưởng quốc tế”? Thường đi hội diễn quốc tế hay có bằng khen chứ không phải là giải thưởng, vậy bằng khen có được tính là giải thưởng, để quy đổi thành huy chương vàng không? Cách quy đổi ra sao với bằng khen dành cho tập thể và chia chác thế nào để thành huy chương cho cá nhân? Và đã là thi thố sự sáng tạo nghệ thuật thì tại sao lại không có kịch bản nước ngoài? Vân vân...

Rồi đợt này, có hiện tượng người này, người kia có nhiều vai trên phim hoặc sân khấu, song khán giả chả nhớ đến, đồng nghiệp chả nhớ đến, chả có huy chương gì mà vẫn “trúng”? Trường hợp ấy thì xét tặng dựa trên tiêu chí nào? Hay chỉ vì anh chị ấy là sếp lớn? Hoặc ông bà ấy được xét tặng vì là bố, mẹ của sếp lớn? 

Con số cụ thể (huy chương, bằng khen) còn phức tạp thế, huống gì tình cảm cá nhân. Giả dụ tôi ở trong hội đồng xét tặng, lại có chút vai trò lãnh đạo, khả năng tôi bỏ phiếu hoặc vận động bỏ cho người thân âu cũng lẽ đời? Tuy nhiên, dù thân quen, cảm tình riêng nhưng phải làm sao cho người ta tâm phục khẩu phục.

Vậy cuối cùng, mục đích của những đợt phong tặng này là gì? Có đưa được sân khấu sang bước ngoặt hay đỉnh cao mới? Và những người được phong tặng có cảm thấy tự hào, công chúng có ngưỡng mộ trầm trồ? 

Với cá nhân tôi, danh hiệu NSND là cái gì đó thiêng liêng lắm, xa vời lắm mà tôi vốn là một nghệ sĩ chân trong chân ngoài chả thể mơ ước hay mon men nên cứ cảm giác chủ trương của Nhà nước đang tầm thường hóa danh hiệu này.

Trên báo Tiền Phong, NSND Thế Anh có ý cho rằng, những người thực sự nổi bật đã hết rồi, phong hết rồi. Có nghĩa càng về sau, chất lượng NSND, NSƯT càng đi xuống, chị có nghĩ như vậy?

Thời nay, nhiều người tài lắm chứ, nhất là bên ca nhạc. Điện ảnh cũng nhiều đổi thay. Nhưng sân khấu thì đúng là cũ quá, hầu như chẳng thay đổi gì, nhất là sân khấu phía Bắc. Trong khi chỉ đứng im thôi đã lạc hậu lắm rồi.

Cảm ơn chị.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.