Đi lễ - Thú chơi hay tín ngưỡng?

Sân đền Trần chật kín du khách trước giờ phát ấn.
Sân đền Trần chật kín du khách trước giờ phát ấn.
TP - Mọi tôn giáo khi vào Việt Nam đều có những biến đổi chẳng ít thì nhiều. Thậm chí các tôn giáo đôi khi còn bị/được người Việt hoán cải thành ra một tôn giáo pha trộn khác chưa từng có trên đời. Chẳng biết nên buồn hay vui?

Đã có nhiều chùa chiền Việt thờ cả Phật lẫn Tam tòa Thánh Mẫu, Khổng Nho và Đạo sĩ. Điều này được bắt đầu từ khoảng thế kỉ II sau công nguyên trong thời Bắc thuộc. Tất nhiên thời ấy mới chỉ du nhập tư tưởng là chính. Các hình thức chùa chiền, miếu, phủ còn sơ sài và rất ít chứng tích còn lại cho đến ngày nay.

Dù muốn hay không ta cũng buộc phải công nhận rằng người Việt không coi việc đi lễ chùa chiền đền phủ vào ngày tết là một thú vui nhàn tản. Đi lễ với người Việt đơn giản chỉ có mục đích kêu cầu là chính. Trong lúc chờ hết hương có thể quanh quẩn nơi hành lễ mà ngắm nhìn chiêm nghiệm phong cảnh xung quanh. Cũng chính vì thế mà người Việt luôn chăm lo cho chốn lễ bái của mình một quang cảnh muôn phần tươi đẹp theo thẩm mĩ của họ. Ở đây phải hiểu là theo thẩm mĩ của một số không đông lắm trong xã hội hiện đại bao gồm các nhà sư, quản thủ và các tín chủ quyên góp tiền bạc xây dựng đền chùa.

Hà Nội trong khoảng hơn chục năm trở lại đây là thời kì sửa chữa tu bổ và xây mới đền phủ, chùa chiền, miếu mạo khá mạnh. Nó phù hợp với nhu cầu cúng bái lễ lạt cầu xin của người dân ngày đầu năm. Nhu cầu cúng bái xin xỏ này không chỉ phát triển ở Hà Nội mà còn trên khắp miền Bắc với lễ hội Phủ Tây Hồ-Hà Nội, Đền Đông Cuông-Yên Bái, Phủ Dày-Nam Định, Đền Lảnh Giang-Hà Nam, Đền Sòng-Thanh Hóa… Đó là những địa chỉ hành lễ hầu đồng theo Đạo Mẫu gồm có Tam Tòa Thánh Mẫu và hàng chục vị thánh qua các triều đại khác.

Cùng với tục thờ Mẫu là lễ Phật ở các chùa chiền. Những ngôi chùa quanh Hà Nội và Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định vài chục năm nay đã cải tạo tu sửa đủ sức chứa hàng nghìn khách thập phương đến cúng bái cùng một lúc. Hiện tượng ùn tắc đường, chen lấn xô đẩy giờ hành lễ cũng theo đám đông cuồng tín ấy len lỏi vào các lễ hội nhiều khi đến mất kiểm soát.

Quãng hơn hai chục năm trước Hà Nội rộ lên phong trào đi vay tiền và xin lộc rơi lộc vãi ở đền Bà Chúa Kho trên Bắc Ninh. Lần đầu tiên kể từ hòa bình 1954 mới có những sinh hoạt tín ngưỡng rầm rộ đến thế. Trong đoàn người đến hành lễ kéo dài cả cây số trước cổng đền bao gồm đủ các thành phần từ chị bán cá chợ Hàng Bè cho đến ông vụ trưởng ở cơ quan bộ. Từ anh xích lô cho đến các nghệ sĩ tên tuổi. Tùy theo công việc cụ thể của mình mà vay hay xin, số lượng nhiều hay ít.

Cùng thời gian này là phong trào đi lễ ở Phủ Tây Hồ. Mục đích cũng không khác gì khi đến Bà Chúa Kho. Cũng nườm nượp tắc đường và người đến sau chủ yếu vái lạy cái lưng người đến trước. Cả Phủ Tây Hồ và đền Bà Chúa Kho đều hình thành đội ngũ bưng lễ thuê. Thậm chí muốn thuê người lễ cũng có. Và một số không ít kẻ gian trà trộn vào gây nên những vụ việc trộm cắp lừa đảo rất táo bạo.

Thú du ngoạn ngày xuân ở những nơi trong lành tĩnh mịch như chùa chiền miếu mạo bỗng chốc bị vẩn đục bởi những chen lấn thực dụng một cách dị đoan là thế.

                2/2017

MỚI - NÓNG