Di sản tươi vui của cuộc chiến tranh

Di sản tươi vui của cuộc chiến tranh
TP - Thăm triển lãm tranh của họa sỹ Đoàn Thanh ở thành phố Nuernberg, Bernd Zachow – Phóng viên kỳ cựu của tờ Nuernberger Nachrichten không khỏi ngạc nhiên trước những bức tranh tươi vui về cuộc sống ở Việt Nam.
Di sản tươi vui của cuộc chiến tranh ảnh 1
Bức tranh lụa sáng tác năm 1972 “Sơn nữ với mùa xuân” của Đoàn Thanh

Là người tương đối am hiểu về đất nước ta, ông đã có phát hiện rất tinh tế về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt qua tranh của một hoạ sỹ Việt Nam ở Đức.

Tiền Phong giới thiệu bài viết của ông qua bản dịch của TS Nguyễn Bình – Tổng biên tập Tuần tin tức, tờ báo của người Việt tại Đức.

Việt Nam là một mảnh đất mà lịch sử hàng nghìn năm gắn liền với những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước. Một thời gian dài hễ nói đến Việt Nam là người ta liên tưởng tới chiến tranh và cho đến nay vẫn còn nhiều người chưa thể hình dung ra được hình ảnh một Việt Nam hòa bình.

Có một người phụ nữ Việt ở Nuernberg từ nhiều năm nay vẫn mong mỏi giới thiệu quê hương hoà bình của mình với người Đức chúng ta, đó là hoạ sỹ Đoàn Thanh.

Chị đã sống cả tuổi thơ và lớn lên trong những năm tháng chiến tranh dài đằng đẵng. Sinh ra ở gần thủ đô của nước Việt Nam, Đoàn Thanh đã sớm bộc lộ khả năng hội họa của mình.

Khi những cuộc oanh tạc của không quân Mỹ xuống miền Bắc Việt Nam bắt đầu vào năm 1964 thì Đoàn Thanh cũng bắt đầu phải làm quen với cuộc sống mới của mình: đi sơ tán.

Điều kỳ lạ là mặc dù phải sơ tán nhưng tất cả mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường và việc Đoàn Thanh trở thành hoạ sỹ trong thời gian này chính là một trong hàng nghìn, hàng triệu những điều bình thường trong xã hội Việt Nam thời ấy.

Di sản tươi vui của cuộc chiến tranh ảnh 2
Họa sỹ Đoàn Thanh và nhà báo Bernd Zachow

Năm 12 tuổi, với năng khiếu hội hoạ của mình, chị được cử đi học lớp đào tạo năng khiếu của Đại học Mỹ thuật Việt Nam, một trường đào tạo nghệ thuật có truyền thống lâu đời.

Sau đó Đoàn Thanh trở thành sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Chị nhớ lại, quá trình học đại học của mình thường bị ngắt quãng bởi những khó khăn của thời chiến: Khi thì đi giúp bộ đội, khi xuống nhà máy và lúc thì đi thu hoạch mùa màng giúp dân…

Tuy nhiên, ngay từ khi còn là sinh viên Đoàn Thanh đã cố gắng thâm nhập thực tế và sau khi tốt nghiệp đại học chị là hoạ sỹ chuyên vẽ tranh và chịu trách nhiệm thiết kế mỹ thuật cho báo Thiếu niên Tiền phong và báo Đại đoàn kết.

Khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam năm 1975 thì cuộc đấu tranh chống nghèo đói và công cuộc phục dựng đất nước cũng bắt đầu. Đoàn Thanh cũng bắt nhịp với thực tế khi cố gắng mô tả sự nghiệp xây dựng lại đất nước hòa bình trong các bức tranh của mình.

Để thể hiện thật ấn tượng viễn cảnh của một tương lai hòa bình tươi sáng, chị đã trau dồi thêm kiến thức hội họa dân gian và trở thành học trò của một hoạ sỹ bậc thầy của Việt Nam về tranh lụa.

Khi ra nước ngoài, Đoàn Thanh luôn ấp ủ mong ước: được tiếp tục lao động nghệ thuật và giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương đất nước của mình với các nước.

Bằng sức lao động bền bỉ, từ nhiều năm nay chị đã vẽ nên những bức tranh tuyệt vời và tranh của chị đã nhiều lần được trưng bày trong các cuộc triển lãm. Chị cũng đã tổ chức riêng nhiều triển lãm như cuộc triển lãm ở Nuernberg hồi đầu tháng Ba năm nay.

Càng ngày càng có nhiều người Đức biết và tìm đến chị để chiêm ngưỡng và mua những bức tranh của người phụ nữ Việt Nam đang sống cạnh họ và đang cố gắng giới thiệu Việt Nam với họ.

Cùng với sự từng trải thời chiến của bản thân tác giả, các bức tranh của hoạ sỹ Đoàn Thanh đúng  là những di sản tươi vui của một cuộc chiến tranh khốc liệt.

MỚI - NÓNG