Đi té nước tết Lào

Đi té nước tết Lào
TP - Từ Viên Chăn tôi đến Luang Prabang đúng ngày giao thừa của người Lào. Càng đến gần cố đô xưa càng thấy rộn ràng không khí tết.
Đi té nước tết Lào ảnh 1

Thỉnh thoảng lại có một xô nước lã tạt vào xe do những chàng trai, cô gái đứng bên đường chúc phúc du khách đến với xứ sở của họ trong dịp năm mới.

Tôi chọn thời điểm giao mùa mưa-nắng để thực hiện một chuyến viễn hành đến đất nước Triệu Voi với mong muốn chứng kiến tết Té nước mà người Lào gọi là bun Pi mai. Qua khỏi cửa khẩu Lao Bảo, hai bên Quốc lộ 9 vẫn bạt ngàn đồi núi và rừng già.

Sòng phẳng mà nói cũng có những đoạn quốc lộ đã được “phố hoá”, nhưng không thấm tháp gì bởi mật độ dân số trung bình ở Lào chỉ có 12 người/km2. Nhưng hai bên cửa khẩu thì đẹp và nhộn nhịp hơn. Tôi đi trúng ngày thứ bảy nên du khách qua - về đều đông hơn ngày thường.

Đất nước Triệu Voi có hơn 70% diện tích là núi rừng trùng điệp. Đồi núi vẫn còn y nguyên nhưng rừng già che phủ thì tỷ lệ cứ giảm dần. Khăn Keo, hướng dẫn viên người Lào cho biết, năm 1975 diện tích rừng còn 70%, năm 1980 còn 55%, năm 1985 còn 45%, nay chỉ khoảng 37%.

Đồng bằng ven sông, ở các thung lũng có nước để có thể trồng trọt cung cấp lương thực, rau màu cho cả nước diện tích chỉ hơn 10%. lúa nước. Nền nông nghiệp lúa nước của Lào từ xưa đến nay chỉ làm được một vụ, nhờ cậy vào chu kỳ nước dâng của các dòng sông.

Ở Lào, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Tết Té nước mà người Lào gọi là bun Pi mai vào thời điểm giao mùa. Bun tiếng Lào là lễ hội đồng thời còn có nghĩa khác là phúc đức, là ngày lành, ngày thờ cúng. Pi là năm, mai là mới.

Trong những ngày bun Pi mai người Lào vẫn còn nhiều tập tục, lễ hội giống nhau. Buổi sáng con cái dâng cơm ngon, biếu quà ông bà cha mẹ. Người lớn mừng lại con cháu bằng những gáo nước thơm. Từng vùng miền thì có những trò vui chơi đặc trưng. Những cặp trai gái rủ nhau vào rừng hái hoa.

Ở Viên Chăn có thú chơi ném mạc bạ. Những quả dẹt, hình tròn, màu đen được treo thành từng hàng, người chơi đứng xa thi nhau phóng vào đó những mũi lao nhỏ bằng tre.

Dọc đường, dọc phố chúng tôi thấy thanh niên bây giờ đã thay quả mạc bạ bằng bong bóng, có vẻ như vui hơn bởi vừa có sắc màu rực rỡ vừa có âm thanh của quả bóng nổ khi trúng lao. Nhiều vùng vẫn còn trò chơi ném còn, đá cầu.

Quanh các ngôi chùa và ở các điểm tham quan chỗ nào cũng bán đầy chim, cá, rùa cho du khách phóng sinh, làm việc thiện ngày đầu năm với mong muốn hạnh phúc, tài lộc sẽ đến với mình và gia đình quanh năm.

Với người Lào nước là quan trọng nhất, nước là yếu tố đem lại sự sống, đem lại sức sống mãnh liệt cho vạn vật. Cho nên ngày tết của Lào ai được té nhiều nước vào người sẽ được gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Hơn 90% người Lào theo Phật giáo, mọi người quan niệm rằng đây là ngày hội, là dịp để con người và vạn vật được tẩy rửa mọi lỗi lầm và đón nhận không khí mát mẻ, cuộc sống an lành.

Trong ba ngày tết ở Lào thế nào cũng có một ngày trời đổ mưa, cây cối tươi xanh trở lại sau một mùa nắng nóng, khô hạn. Người Thái cũng đón tết vào ngày này với tập tục té nước cầu phúc lành, gọi là tết Song Kran.

Người Campuchia cũng đón năm mới vào dịp này nhưng khác với hai nước láng giềng ở chỗ đó là tháng nóng nhất. Đặc điểm chung nhất là trong ngày này người dân của cả ba nước đều đến chùa nấu nước thơm tắm cho các bức tượng Phật và dùng nước thơm để chúc phúc lành.

Luang Prabang là cái nôi văn hoá của đất nước Lào nên tết năm mới khách từ các tỉnh, từ vùng đông bắc Thái Lan, kể cả từ thủ đô Viên Chăn, nườm nượp đổ về đây.

Tôi gặp khá nhiều du khách, kể cả du khách nước ngoài, phải ngủ ngoài công viên, ngủ dưới hiên chùa do không biết mà đặt trước phòng nghỉ. Ngay cả tài xế và hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi cũng không kiếm ra phòng nghỉ đành phải ngủ chung với khách cả hai đêm.

Tết năm mới của Lào, vào các ngày 13,14,15/4, ở cố đô Luang Prabang và ở thủ đô Viên Chăn đều tổ chức thi hoa hậu để tuyển chọn bảy cô gái xinh đẹp nhất tham gia lễ tưới nước Phật cầu mưa, phong tục theo một truyền thuyết cổ xưa.

Sáng hôm sau chúng tôi chọn đường thủy, du thuyền 2 giờ đồng hồ ngược Mekong tham quan động Pak Ou, ở đối diện cửa sông Nậm U huyền bí và linh thiêng với 2.000 bức tượng Phật đủ các kích cỡ, đủ các loại chất liệu. Những bức tượng này chủ yếu do các đoàn thủy hành, các chủ thuyền bè trên dòng Mekong dâng cúng, cầu mong đức Phật toả bóng từ bi che chở, độ trì cho cuộc sống của họ bình yên trên sông nước.

Từ động Pak Ou lối về dẫn đến Wat Xieng Thong trên bến dưới thuyền tấp nập dòng người đi lễ chùa, vui tết năm mới. Cuối chiều du thuyền trả khách trở lại trung tâm cố đô tiếp tục thăm Wat Tham Phousi và leo hơn ba trăm bậc cấp để lên đỉnh đồi Phousi ngắm toàn cảnh Luang Prabang vang bóng một thời, ngắm hoàng hôn dần buông trên Mekong rồi thong thả xuống thăm Wat Mai.

Wat Mai có nghĩa là chùa mới, ngôi chùa tháp mạ vàng, một trong những kiến trúc tiêu biểu của Luang Prabang với chiếc mái đỏ 5 tầng được chạm trổ phù điêu cầu kỳ, đặc sắc, mà theo các thư tịch thì phải mất đến 70 năm xây dựng mới hoàn thiện.

Ở động Pak Ou, ở Wat Xiêng Thong, phật tử và du khách mang theo bên mình những chai nước có mùi thơm của hoa chăm pa (hoa sứ), hoa ngọc lan để tưới lên tượng Phật khi vào điện thờ đảnh lễ.

Ở Wat Mai, các nhà sư chuẩn bị sẵn từng thùng phuy nước thơm. Nước được dẫn theo hai chiếc máng dài hình con rồng chạm trổ sơn son thếp vàng để từ đó tưới xuống tượng Phật bằng vàng đặt giữa sân chùa. Thỉnh thoảng các nhà sư lại tưới nước tắm tượng Phật một lần.

Theo chương trình, buổi tối khách tự do dạo phố đêm nhưng tôi phải quay về khách sạn tắm rửa, nghỉ ngơi, vì cả ngày không biết đã bao nhiêu lần được các chàng trai, cô gái Lào đáng yêu tạt nước vào người, áo quần chưa kịp khô lại ướt. Một số thành viên trong đoàn đã bị cảm lạnh. Người Lào không ăn tết trong nhà mà chủ yếu đi lễ, sinh hoạt văn hoá văn nghệ, múa hát trong sân chùa.

Dọc đường phố và quốc lộ, các chàng trai, cô gái tổ chức thành từng nhóm cạnh những thùng phuy lớn, hễ có người, hoặc xe, đi ngang qua là tạt. Họ còn tổ chức té nước từ trên xe xuống đầu khách bộ hành và té giao lưu với các nhóm đứng dưới đường.

Sau những xô nước tạt lên xe, đổ ào xuống đường là những trận cười sảng khoái. Trẻ em thì dùng súng bắn nước bắn vào khách qua lại với nụ cười rạng rỡ, ánh mắt long lanh.

Tết năm mới của Lào, vào các ngày 13,14,15/4, ở cố đô Luang Prabang và ở thủ đô Viên Chăn đều tổ chức thi hoa hậu để tuyển chọn bảy cô gái xinh đẹp nhất tham gia lễ tưới nước Phật cầu mưa, phong tục theo một truyền thuyết cổ xưa.

Từ xa xưa trong bun Pi mai khắp nơi trên đất Lào người dân đã tổ chức lễ rước nàng Xuân. Trước tiên là mỗi địa phương phải chọn cho được một nàng Xăng Khan (nàng Xuân) trẻ đẹp, có tư cách tốt, được dân làng tín nhiệm và được một hội đồng bình chọn.

Nàng Xăng Khan được mọi người cùng lo cho việc trang điểm và chuẩn bị mô hình con vật biểu tượng của năm mới để nàng tựa mình cho dân làng làm lễ rước. Năm nay ở Luang Prabang người ta chọn con trâu, và trong hai ngày đầu năm mới đều  lắc rắc mưa nhỏ, thời tiết rất lý tưởng cho mọi người vui xuân đón tết.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.