Điều ít biết về gia đình nhạc sĩ bạo gan 'cắt, xẻ' vầng trăng

Lớn lên từ trong nghèo khó nhưng tâm hồn nhạc sĩ An Thuyên luôn được sưởi ấm bằng những làn điệu dân ca quê nhà.
Lớn lên từ trong nghèo khó nhưng tâm hồn nhạc sĩ An Thuyên luôn được sưởi ấm bằng những làn điệu dân ca quê nhà.
TPO - Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết “Vầng trăng ai xẻ làm đôi”. Nhạc sĩ An Thuyên cũng bạo gan “cắt, xẻ” vầng trăng để “Làm con thuyền nhỏ”. Con thuyền nhỏ nghệ thuật mà ông chèo lái đã vượt qua nhiều sóng gió!  

Gia đình nhạc sĩ An Thuyên là một gia đình cả nhà làm nghệ thuật, cả nhà đều là tướng tá theo đúng nghĩa của từ này: Bố, nhạc sĩ, thiếu tướng An Thuyên; mẹ, đạo diễn, trung tá Huyền Lâm; con trai, nhạc sĩ, thiếu tá An Hiếu; con gái, đạo diễn các chương trình sân khấu nhạc kịch, đại úy Bông Mai (bây giờ Bông Mai chuyển sang làm ở Đài truyền hình Việt Nam).

Trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn An Thuyên tôi mới biết, bố ông, Nguyễn Như Tùng là một nhà nho xứ Nghệ, thông thạo tiếng Hán  từng làm thư ký cho một hãng buôn gỗ ở Quảng Ninh thời thuộc Pháp.

Năm 1945, ông Như Tùng theo cách mạng, về quê làm chủ tịch liên việt xã, rồi những sai lầm của cuộc cải cách điền địa làm ông trắng tay, cả gia đình khốn khổ…

Sau cải cách, được trả lại thành phần, cả nhà ông Tùng thành lập một gánh hát. Nhạc sĩ An Thuyên kể, bố ông hát hay, đàn giỏi; anh trai ông, Nguyễn Anh Cấp, cũng hát hay, biết chơi đàn, kéo nhị, làm họa sỹ vẽ phông cho các buổi biểu diễn. Thời trẻ, Nguyễn An Cấp thường đóng vai nữ, má phấn, môi son y như con gái thật.

Nhạc sĩ An Thuyên là con thứ sáu trong gia đình có 7 người con. “Đoàn văn công” gia đình An Thuyên thường biểu diễn các vở như “Thạch Sanh”, “Tống Trân-Cúc Hoa”, “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”… An Thuyên được phân công làm “nhạc trưởng”. Gánh hát gia đình nhạc sĩ An Thuyên thời đó thường đi biểu diễn cho cả làng, cả xã và được hợp tác xã trả công điểm…

Được nuôi dưỡng trong gia đình cả nhà đều làm văn nghệ, đều yêu nghệ thuật, ở một vùng quê nghèo xứ Nghệ, khi lớn lên, An Thuyên lại được tiếp xúc với những văn nghệ sỹ quê nhà. Năm 15 tuổi, chính nhà thơ Trần Hữu Thung là người đã phát hiện ra những năng khiếu nghệ thuật của An Thuyên.

Nhạc sĩ An Thuyên nói rằng, thời gian ba bốn năm được phân công đi sưu tầm dân ca ở vùng đất miền Trung đã nuôi dướng tâm hồn ông, nuôi dưỡng những làn điệu dân ca trong ông. Thế nên khi ông sáng tác, những làn điệu dân ca xứ Nghệ đã thấm vào máu thịt, thấm vào từng câu, từng chữ, từng nốt nhạc mà tự nhiên cất lên thành lời, thành điệu, thành âm thanh…

Cũng dễ hiểu vì sao gia đình ông hiện nay, vợ, các con ông cũng yêu nghệ thuật, làm nghệ thuật, cũng say mê sáng tạo như ông.

Nhạc sĩ An Thuyên nói rằng, ông dạy con trước hết là dạy làm người . Làm người trước hết phải có lòng trắc ẩn, phải biết rơi nước mắt trước nỗi đau của con người. Làm người phải luôn nhớ về nguồn cội từ gia đình, từ quê hương, mà cụ thể ở đây là quê hương xứ nghệ, từ củ khoai, củ sắn, từ con ốc, con cua, từ những gì làm nên truyền thống gia đình, quê hương …

“Tôi thường nói với các con rằng bố mẹ ra đi với hai bàn tay trắng , những gì mà gia đình mình có được như hôm nay đều bắt nguồn từ củ khoai, củ sắn, từ điệu dân ca, từ hồn vía quê hương xứ Nghệ …và điều quan trọng nhất của người làm nghệ thuật là cái tâm. Tôi thường dặn con trai An Hiếu, khi con ra đường gặp hoàn cảnh thương tâm phải biết rơi nước mắt thì nốt nhạc của con mới có ý nghĩa. Tôi cũng dạy con rằng mọi sáng tạo đều phải bắt nguồn từ cuộc sống, nếu không, những bản nhạc sáng tác ra cũng như là một thứ thời trang …”, nhạc sĩ An Thuyên từng tâm sự .

Vợ nhạc sĩ An Thuyên, đạo diễn Huyền Lâm, người từng đóng phim “Chuyến xe bão táp”, thì luôn nhớ đến lời dặn của bố, một nhà nho, một người chuyên bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Bố bà thường bảo: “Trong gói thuốc ta bỏ gì vào chỉ ta biết, nhưng đừng tưởng không ai biết, trời biết đấy... bố chỉ dặn các con làm gì cũng phải ngay thẳng, đàng hoàng, những gì ta không muốn thì đừng mang đến cho người khác …” .

Đạo diễn Huyên Lâm nói bây giờ bà cũng dạy con như vậy, dạy bằng chính tấm gương của ông cha và của chính bản thân mình: “Tôi thường tâm sự với các con, khuyên các con phải thuyết phục người khác bằng chính công việc của mình chứ không chỉ bằng lời nói” .

Qua điện thoại, đạo diễn trẻ Bông Mai kể: Lên 5 tuổi, bố đã dạy Mai chơi đàn ghi ta. Khi chuyển ra Hà Nội vì nhà không có điều kiện mua đàn, bố đã vẽ ra giấy những phím đàn Piano cho Mai tập. Thi vào trường cao đẳng nghệ thuật, Mai đỗ thủ khoa về múa nhưng bố mẹ muốn Bông Mai học toàn diện các môn nghệ thuật. Bông Mai đã được bố mẹ tạo điều kiện học đủ các bộ môn như thanh nhạc, đàn Piano … “ Bây giờ, khi làm đạo diễn các chương trình nhạc kịch Mai mới thấy việc học toàn diện các môn nghệ thuật là rất cần thiết. "Mai cảm ơn bố mẹ vô cùng”,Bông Mai thổ lộ .

Nhạc sĩ Anh Thuyên sinh năm 1949, tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1967, ông vào công tác ở ty văn hóa Nghệ An. Năm 1975, ông nhập ngũ. Năm 1977, ông về công tác ở đoàn văn công quân khu 4…

Ông không chỉ “bạo gan” cắt, xẻ vầng trăng, ông còn bạo gan đem cả gia đình ra Hà Nội với hai bàn tay trắng vào thời điểm như ông nói với tôi “Người xứ Nghệ đói … mắt vàng như nghệ …”.

Gia đình phải ăn nhờ, ở đậu, chuyển chổ ở đến 20 lần, phải ở trên gác xép để làm nghệ thuật. Năm 1992, nhạc sĩ An Thuyên “bạo gan” đảm nhận vai trò hiệu trưởng một trường nghệ thuật sắp giải thể và ông đã thành công. Trường cao đẳng Nghệ thuật Quân đội (nay là trường đại học) trở thành một trung tâm đào tạo những người làm nghệ thuật danh tiếng với phương châm: mình dạy những gì xã hội cần chứ không phải dạy những gì mình có.

Bây giờ ở tuổi ngoài sáu mươi, nhạc sĩ An Thuyên lại “bạo gan” đảm nhận vai trò trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Hôm đài truyền hình Hà Tĩnh mời một số nhà thơ, nhạc sĩ giao lưu, tôi cũng được mời. Thật bất ngờ, chúng tôi gặp nhau ở một khu nhà tuyệt đẹp ven hồ Tây và nhạc sĩ An Thuyên giới thiệu “đây là trụ sở của Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do ông làm giám đốc.

Ấy vậy mà An Thuyên đã ra đi về cõi vĩnh hằng để lại tiếc thương cho bao người yêu mên ông.

Dù đảm nhận vai trò gì, thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên vẫn say mê sáng tác. Ông viết đều và những ca khúc như “Em chọn lối này”, “Đêm đò đưa nhớ Bác”, “Thơ tình của núi”, “Chín bậc tình yêu”, “Huế thương” “Ca dao em và tôi”.., luôn thấm đượm chất dân ca, luôn sống trong lòng những người yêu nhạc.  Cho đến nay, ông đã nhận được nhiều giải thưởng về sáng tác của Hội nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa …

Tôi nhớ lần ông lái xe ô tô đón tôi qua XÓM NÚI (Sóc Sơn ) nơi có ngồi nhà nghỉ ngoại thành của vợ chồng ông. Tôi thấy vợ ông đang xắn tay dọn dẹp nhà cửa, hai cháu ngoại chạy ra chạy vào ríu rít… Thế rồi tôi bỗng nhớ câu nói của con gái ông: “Bố mẹ luôn dạy chúng cháu coi trọng gia đình, gia đình là số một”.

      Nhà vườn Sóc Sơn 2014  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.