Diva mì ăn liền

Diva mì ăn liền
TP - Diva thứ 5 của nhạc Việt vừa ra đời đêm hôm kia trên sân khấu Cặp đôi Hoàn hảo. Chị hát hay nhưng hình như mãi chưa được nhìn nhận xứng đáng cho đến khi chị chuyển sang ăn mì ăn liền hằng ngày, còn vỏ gói mì thì dùng để may trang phục biểu diễn...

> Mỹ Lệ phản ứng giám khảo Cặp Đôi Hoàn Hảo
> Cặp Đôi Hoàn Hảo: 'Đuối' với nhạc Jazz và R'nB

Mỹ Lệ - Khương Ngọc mở đầu liveshow 6 Cặp đôi Hoàn hảo với liên khúc Tình 2000 và 60 năm cuộc đời. Mỹ Lệ khoe được chất giọng nội lực với những nốt cao khá sung mãn. Tuy vậy, giám khảo Lưu Thiên Hương tỏ ra chưa hài lòng: “Em trông chờ ở chị một điều gì đó kỹ thuật hơn. Chị nên chọn một bài nào đó jazz hơn, thể hiện kỹ thuật nhiều hơn của một diva”.

Kết thúc màn trình diễn, Mỹ Lệ tỏ ra hơi cay cú vì điểm số của giám khảo dành cho đôi của chị có vẻ thấp.

“Hy vọng BGK cũng công tâm với các cặp đôi sau”, chị nói. Nhưng biết đâu chị thầm vui vì lần đầu tiên có người công khai gọi chị là diva trên sóng truyền hình quốc gia.

Chả hiểu tước diva ai phong vào lúc nào mà mãi Việt Nam vẫn chỉ có 4 chị. Bao nhiêu nữ ca sĩ khác hát cũng hay, thậm chí còn hay hơn diva mà vẫn chả đến lượt. Cũng có thể diva chỉ là một cách gọi theo mốt.

Giờ hết mốt nghĩa là chẳng còn đợt phong tặng nào. Các diva chẳng qua may mắn xuất hiện đúng thời điểm nên được gọi như vậy?! Nhưng đúng là diva có những đặc tính khác ca sĩ thường một chút.

Sản phẩm của họ thường mang dấu ấn cá nhân tương đối rõ so với đồng nghiệp. Chương trình biểu diễn của họ thường là xuyên Việt. Có người còn định xuyên quốc gia...

Cũng chưa thấy diva nào hăng hái đi thi các gameshow truyền hình. Thực ra, đi chơi với truyền hình thực tế, giải trí cho khán giả cũng rất đáng hoan nghênh. Nhưng nếu lên truyền hình mà mặc váy làm từ bao bì mì ăn liền thì đúng là chỉ có “diva” Mỹ Lệ.

Trong khi chờ đợi công chúng đồng tình với Lưu Thiên Hương, thì cứ tạm gọi Mỹ Lệ là “diva mì ăn liền” cho dễ phân biệt. Nghĩa là diva của một đêm, được tấn phong một cách... buột miệng, chẳng hạn.

Mỹ Lệ giải thích lý do mặc váy vỏ mì là vì “thời buổi kinh tế khó khăn”, hẳn là không đủ phụ liệu may váy nên tận dụng rác thải. Trước đó, đóng vai vợ của Khương Ngọc trong clip giới thiệu tiết mục, Mỹ Lệ liên tục cho chồng ăn mì cũng với lý do “thời buổi kinh tế” và đỉnh điểm là tương cả thùng mì thấy rõ nhãn mác lên bàn ăn - cũng là lên màn hình tivi.

Đương nhiên, chỉ có một loại mì được giới thiệu ở đây là nhãn hiệu của nhà tài trợ chương trình. Tất nhiên, lý do thật thì ai cũng hiểu là để quảng cáo. Và người ta đồ rằng Mỹ Lệ - Khương Ngọc được trả một khoản tiền phải lớn hơn cat-xê của người mẫu quảng cáo. Vì họ là những người mẫu quảng cáo trá hình. Có thế mới “lừa” được khán giả xem quảng cáo.

Thực tình mà nói khi nhãn hiệu sản phẩm chễm chệ trên phông nền sân khấu, ở những vị trí đập vào mắt khán giả truyền hình thì tất cả những nghệ sĩ tham gia chương trình đó cũng trở thành đại loại như gương mặt quảng cáo cho nhãn hiệu đó rồi.

Trong cơn sốt truyền hình thực tế, những người chơi vô danh cho đến các ngôi sao cùng chung số phận: bán hàng hộ nhà tài trợ. Trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt đang phát sóng, thí sinh nữ nào mà tóc dài rất dễ được BTC ưu ái cho xuất hiện cùng các chai dầu gội - sản phẩm của nhà tài trợ.

Trong công cuộc bán hàng kể trên, các bên liên quan hẳn đều có lợi, chỉ có sóng truyền hình quốc gia giờ vàng là bị “nhiễu” và khán giả là người “bị hại” khi trở thành nạn nhân của quảng cáo trá hình.

Pháp lệnh quảng cáo quy định thời lượng quảng cáo không vượt quá 5% thời lượng phát sóng của một chương trình truyền hình. Nhưng với cách dàn dựng lách luật bây giờ, nội dung quảng cáo đã nằm ngay trong chương trình rồi. Khán giả chạy đâu cho thoát!

MC: Trang phục rất là Hảo Hảo. Vì sao chị lại có ý tưởng này?

Mỹ Lệ: Vì thời buổi kinh tế khó khăn, cho nên mình phải ăn mì Hảo Hảo. Vừa là tiết kiệm lấy vỏ để trang trí cho cái áo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.