Đọc lại truyện của Lê Văn Nghĩa nhân ngày khai giảng

TP - Trang bìa cuốn truyện có cái tên dài ngoẵng “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn ngày ấy” (in lần đầu năm 2014) của Lê Văn Nghĩa ghi lời phi lộ cũng dài nghêu: “Truyện dài dành cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc hổng sao mà người già đọc càng khoái”. Hóa ra không hề quá lời.

Cuốn sách thú vị vì sao? Vì nó mở ra một thế giới tuổi thơ trong trẻo vô tư đáng yêu đã đành, mà còn cho thấy sự lớn dần về nhận thức của những đứa trẻ thông qua môi trường sống, thông qua các quan hệ của chúng với nhau và với người lớn- cha mẹ, thầy cô, hàng xóm, người quen người lạ. Còn truyện dài “Mùa hè năm Petrus”(in lần đầu năm 2013) cũng của Lê Văn Nghĩa lại cho thấy một môi trường giáo dục thầy ra thầy trò ra trò, trường ra trường lớp ra lớp, đời sống tinh thần cực kỳ phong phú của những đứa trẻ Sài Gòn ngày ấy- thập niên 1960-1970 của thế kỷ trước.

Một ngày của những đứa trẻ- tiểu học trong “Chú chiếu bóng...”, trung học trong “Mùa hè...” được lấp đầy bởi thú vui uống ăn- những món ăn dân dã giàu bản sắc địa phương, rồi chơi nghịch, bạn bầu, xem chiếu bóng thùng, giúp bạn khó khăn, bám theo gánh xiếc, đánh bài, bán hàng giúp bố mẹ, chơi với người lớn, vân vân. Cho nên chúng sinh động từ suy nghĩ, nói năng trở đi. Mỗi đứa một tính cách một cuộc đời, sướng khổ chưa nói nhưng là một tuổi thơ đúng nghĩa, đủ màu sắc cung bậc, một chặng đời không thể có lần hai, không phải thế giới người lớn. Chúng nghịch ngợm, láu cá “tàn chi quái đao” nhưng cũng đầy tình tương thân tương ái và quan tâm rất nhiều thứ, quan sát mọi vật. Tóm lại, thấy tuổi thơ của chúng mà thèm. 

Đọc lại truyện của Lê Văn Nghĩa nhân ngày khai giảng ảnh 1

Lê Văn Nghĩa là nhà văn và cũng là nhà báo nổi tiếng, cho nên truyện của anh đầy chi tiết, hình ảnh, thông tin về cảnh vật, nếp sống, không khí văn nghệ Sài Gòn một thuở. Trẻ con- người lớn ngày ấy xem phim, tuồng gì, hâm mộ ai? Vậy nên “truyện cho thiếu nhi mà người lớn đọc hổng sao”.

Đọc Lê Văn Nghĩa, còn nhớ ra: Nhiều nhà văn không biết viết thoại, nhất là thoại trẻ em. Cũng như phim Việt Nam, rất yếu về thoại dù làm cho đối tượng nào. Còn bọn trẻ trong hai truyện dài trên kia, nói năng, biểu đạt kiểu Sài Gòn buồn cười, hay  ho. Khen món ăn ngon “quỷ kiến sầu”, ngon “lạnh lùng sương gió”; lộ vở, lộ xảo thuật thì bảo “bể cội lương”... Rồi cái triết lý học được của người lớn “dẫu hèn cũng thể” thốt vào những cảnh huống phù hợp, nghe dễ thương mà đầy tính giáo dục...

2/Đọc Lê Văn Nghĩa, lại nhớ mấy cuốn sách hồi bé đứa nào cũng đọc và thích: “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”, “Đội du kích thiếu niên thành Huế”, “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt”... Truyện nước ngoài nhiều nhưng không hiểu sao cứ nhớ truyện “Những dấu vết còn lại” của Bulgari, về những đứa trẻ thông minh nhanh trí chống gián điệp trên đường phố thủ đô Sofia. Những thằng Pê-sô, Bê-tô, rồi đại tá an ninh Phi-lip-pôp...theo mãi cho đến khi trưởng thành.

Đọc lại truyện của Lê Văn Nghĩa nhân ngày khai giảng ảnh 2

Bây giờ, không biết còn đọc lại được nếu có sách trong tay. Còn sách Việt Nam hay của thiếu nhi lâu nay vẫn hiếm như phim hay cho chúng. Vì thiếu cây bút đã đành, và có phải cũng vì bọn trẻ - nhất là trẻ thành phố bây giờ đời sống nghèo nàn y như mình ở Hà Nội hồi bé. Thằng cháu tôi, 9 tuổi không biết sang đường nên nhà cách trường có hơn 200m cũng phải đưa đón. Tôi nói với nó: “9 tuổi ở nông thôn các bạn biết làm đủ việc giúp cha mẹ rồi đấy”. Trẻ thành phố, ba năm mẫu giáo cả ngày loay hoay ăn ngủ chơi trong căn phòng vài chục mét vuông. Lớn lên trường sở rộng hơn nhưng vẫn chủ yếu loanh quanh ngày hai buổi từ trường về nhà. Ngày nghỉ nghĩ nát óc không biết chơi đâu. Có lúc muốn nuôi con chó nhỏ bầu bạn và cho trẻ mềm tính nhưng đành chịu - nào thiếu không gian, nào ảnh hưởng hàng xóm...Thời khó lo không đủ dưỡng chất, giờ ngày ba bữa lèn chặt, thừa dinh dưỡng thì lo tiêu hóa làm sao khi cứ loanh quanh thúc thủ trong mấy bức tường.

Hôm nay, ngày “cả nước đồng loạt khai trường” khi mà cả nước đã học ngày học tối được hơn nửa tháng rồi. Bước vào năm học, lại dậy lên bài ca về lạm thu, về đồng phục đã xấu lại đắt... Khai giảng giờ chỉ có ý nghĩa là cái mốc để bước vào năm học mới một cách quyết liệt, đặng giải quyết năm học này sao cho hiệu quả. Vào ngày này, đọc lại những cuốn sách viết cho đủ loại đối tượng như của Lê Văn Nghĩa vừa điểm trên kia- đã tái bản nhiều lần, mà nghĩ rằng ngay cả việc hướng cho con trẻ đọc những loại sách phù hợp tuổi thơ của chúng e cũng khó khả thi, vì chúng bận lắm.

MỚI - NÓNG