Đổi tên, vẫn lỡ hẹn

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc
TP - Kịch bản Thái Tổ Lý Công Uẩn sau nhiều trục trặc đã chuyển từ phim nhựa sang phim truyền hình dài tập. Song thông tin mới nhất từ tác giả Đinh Thiên Phúc: Phim vẫn chưa thể ra mắt khán giả đúng dịp đại lễ. Vì sao?
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc.

Tiến độ phim truyền hình “Thái Tổ Lý Công Uẩn” của anh đến đâu rồi?

Nếu làm để có những tập đầu tiên phát sóng đúng đại lễ, chúng tôi làm được. Nhưng sau khi chúng tôi công bố với báo chí, nhiều nhà sản xuất đua nhau làm phim về Lý Thái Tổ. Chúng tôi lại không muốn chạy đua.

Động cơ làm phim là một nén hương dâng lên ngày đại lễ. Mục đích của chúng tôi là làm sao khơi được dòng phim lịch sử. Đầu tiên kịch bản phải tốt. Phim làm ra phải thuần Việt. Chính vì thế không nên vội vã, không thể ăn sống nuốt tươi lịch sử.

Nếu không có gì thay đổi, phim truyền hình 60 tập Thuận Thiên Hoàng Đế (tên mới của phim) sẽ bấm máy cuối 2011. Sau đó đến một loạt phim về các nhân vật thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn…

Anh từng nói khi các nhà làm phim lịch sử sáng tạo, đề nghị các nhà sử học tránh ra xa- là ý thế nào?

Câu tôi nói lấy ý của một nhà sử học nổi tiếng. Ông ấy nói, đề nghị các nhà sử học đừng đem nhãn quan kinh viện vào tác phẩm nghệ thuật. Người sáng tạo có quyền bay bổng, đừng bóp méo xuyên tạc lịch sử là được.

Nhiều nhà sử học rất tôn trọng sáng tạo của nghệ sĩ. GS.TS Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm khoa Lịch Sử, ĐH KHXHNV Hà Nội nói: “Các nhà sử học phải cảm ơn các nhà văn vì đã lấp đầy khoảng trống của sử học bằng những hình tượng đẹp”. Làm xong phim, tôi sẽ viết tiểu thuyết khoảng 1.000 trang về cụ Lý Thái Tổ.

Viết về lịch sử nhiều sẽ có kinh nghiệm. Nhớ buổi chúng tôi đi chơi Yên Tử, mưa lất phất, đứng trên đỉnh, nhìn xung quanh bàng bạc trong màn sương, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tự nhiên thốt lên: “Em ạ, viết lịch sử, mình cứ tìm hiểu, viết theo ý mình. Lúc em dấn sâu vào lịch sử, tự nhiên có cái như kiểu mách bảo, mà lúc đó không cưỡng được. Đấy là linh giác lịch sử”.

Hồi đó tôi mới viết Hà Nội 12 ngày đêm- lịch sử hiện đại. Về sau, khi tôi đi sâu vào viết kịch bản lịch sử, thì đúng có lúc tự nhiên có cảm giác như ai dắt bút mình đi, chỉ cho mình viết thế này thế kia. Lúc ấy không phải anh điều khiển nhân vật mà nhân vật điều khiển anh.

Thậm chí, có lần tôi còn nằm mơ thấy cụ Lý Thái Tổ đưa tôi đến lăng mộ của cụ ấy. Lăng mộ uy nghi lắm, có điều xây bằng gạch, xi măng như bây giờ. Nhà Lý có xây lăng bằng đất. Vùng gò cao Từ Sơn, Bắc Ninh bây giờ tương truyền là lăng mộ của các vua Lý.

Anh đã nhắm đạo diễn nào cho phim truyền hình Thuận Thiên Hoàng Đế?

Chúng tôi chưa tính, nhưng ít ra phải có 2 người. Cũng có thể mời đạo diễn Việt Kiều. Hiện phim vẫn ở khâu chuẩn bị: Hoàn thiện kịch bản, lo trang phục, đạo cụ. Làm chậm cũng hay, rút kinh nghiệm người đi trước mình.

Dù sao thì cuộc chạy đua làm phim kỷ niệm nghìn năm Thăng Long cũng tạo đà đáng kể cho dòng phim lịch sử. Anh nghĩ sao?

Rất mừng kỷ niệm nghìn năm là cú hích để mọi người hướng tới làm phim lịch sử. TPHCM mạnh dạn hơn. Đài Truyền hình TPHCM đã có chủ trương khuyến khích làm phim lịch sử. Thường một tập họ trả 180-200 triệu cho đơn vị sản xuất, nhưng với phim lịch sử, HTV trả 400 triệu/tập.

Với chủ trương như thế, rất nhiều đơn vị đã làm phim lịch sử rồi. Như Cát Tiên Sa với 65 tập Hoa đào thắm sắc trời Nam, Sao Thế Giới- Huyền sử Thiên Đô, Nữ biệt động Sài Gòn

Khi truyền hình làm thành một dòng chảy, sẽ tác động đến điện ảnh. Đây có thể là bước khởi đầu của dòng phim lịch sử Việt Nam. Mình cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nếu không đi, làm sao thành đường?

Quan điểm của chúng tôi là làm sống lại nhân vật lịch sử, làm đẹp lịch sử chứ không phải biến lịch sử thành xác ướp. Cách đây 100 năm ông bà chúng ta còn đóng khố cởi trần, chân đất, răng đen. Nếu làm đúng như thế chưa chắc đã hay. Ngay trong chính sử của mình cũng đầy rẫy giai thoại, huyền thoại truyền khẩu. Chính cái đó làm đẹp lịch sử. Các cụ xưa quan niệm Văn Sử bất phân, có những bộ chính sử vẫn tuân theo nguyên tắc 7 thực 3 hư.

MỚI - NÓNG