“Đời tư của diễn viên xiếc còn hiền chán”

“Đời tư của diễn viên xiếc còn hiền chán”
TP - Nghệ sĩ xiếc Kim Hạnh tâm sự, đời tư của diễn viên xiếc so với nghệ sĩ giới khác còn hiền lành chán, không phải Hạnh mà ngoài giới nói đấy”.

17 tuổi Kim Hạnh may mắn được đi học ở Liên Xô cường quốc xiếc. Các chàng nàng diễn viên tương lai phải chịu sự quản lý của đơn vị thể thao trong nước sang. Và chị đã gặp Dương Nghiệp Chí, nghiên cứu sinh của cái ngành cũng biểu tượng khỏe đẹp.

Anh Chí hơn chị trên chục tuổi, vợ mất sau sinh con trai nhỏ. Mặc cảm nặng gánh nên anh đành làm bạn. Hạnh lấy một nhạc công của đoàn, có hai con nhưng hạnh phúc ngày một xa, đồng nghiệp nói Hạnh “Dây dọc” phải chịu đựng sự ghen tuông thái quá, sau này thì là sự suy sụp của chồng.

“Đúng là ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh mới về được với nhau”- chị kể. Năm 1987 chị ly dị và gặp lại Dương Nghiệp Chí lúc ấy là Tổng cục phó Tổng cục TDTT, 1997 họ về một nhà. Trải bao biến thiên, cả hai vẫn trung thành với nghiệp dĩ: NSƯT Kim Hạnh là Phó phòng Nghệ thuật Liên đoàn xiếc VN, còn Dương Nghiệp Chí (anh ruột quan chức thể thao Dương Nghiệp Khôi) sau khi nghỉ quản lý- Viện trưởng Viện khoa học TDTT, vẫn làm chuyên môn.

Kim Hạnh tầm thước, thon lẳn, gương mặt dịu, ưa nhìn. “Dây dọc” thuộc nhóm tiết mục kinh điển của xiếc- hoặc diễn đơn, hoặc 4 người 4 dây. Hẳn yêu nghề lắm nên tuổi 50 hơn vẫn đi đánh “pắc”, dự liên hoan xiếc này nọ.

Như Cao Thắng 50 hơn vẫn “Cắn kiếm leo dây” vậy. Và nâng niu trìu mến những bộ quần áo đính kim sa mang từ nước bạn Liên Xô về từ đời nảo đời nào. Những chiếc áo lóng lánh vừa đẹp vừa bền, thợ may của bạn đã dày công nghiên cứu kể cả họa tiết, phù hợp với nghệ sĩ VN.

“Bây giờ, chị hài lòng chứ?”. “Hài lòng. Anh ấy giúp mình nhiều, không thì sao có thể bình yên sau chừng ấy sóng gió, không chỉ dạy mà còn diễn ở tuổi này, nghề xiếc đòi hỏi tâm lý vững”. “Con gái chị có theo nghề mẹ không?”. “Có nhưng amateur, bọn trẻ không mặn mà”.

“Ngoại hình diễn viên những lứa sau không bằng trước, vì sao?”. “Các cô chân dài làm người mẫu hết còn đâu. Đời sống học sinh và diễn viên xiếc khó khăn nên các em đẹp có năng khiếu ở Hà Nội và thành phố lớn không chịu đầu quân. Đành phải hạ tiêu chuẩn. Trang phục, ánh sáng, âm thanh đều tốt hơn trước nhưng ra diễn không lôi cuốn được khán giả là bởi người diễn thiếu cái hồn”...

Cuộc chuyện của chúng tôi đêm LĐX tổng duyệt đi Festival Huế chốc chốc gián đoạn vì thầy Hạnh bắt nét học trò: “Sao tập thì tốt mà duyệt lại thế; con bé kia sao cứ ném vòng vào giữa chân bạn diễn”...

Trên sàn duyệt, chàng Thạch Sanh Tống Toàn Thắng lừng lững đi ra, ôm vác một lúc ba “thằng” Trăn tinh (mỗi con gần trăm cân đấy - Hạnh nói). Trong khi cao trào của “Dây dọc” khá duy mỹ thì cao trào Thạch Sanh đánh Trăn tinh: đấu mỏ! Đưa hẳn miệng nó, lưỡi thè lè, vào miệng mình! Kể ra khỏe và bạo gan hơn người nhưng mà hãi.

Liên tưởng chi tiết truyện “Nero nhà thơ bạo chúa”- kể về Poppea lúc đang tìm cách lung lạc Nero: “Nàng mở ví lấy thuốc độc nhỏ vào mắt để mắt xanh hơn và quấn con rắn quanh cổ để máu lạnh của nó làm mát da thịt nàng”. 

“Sau diễn mà không sing-gum (kẹo cao su) ngay thì ai yêu nhỉ”. “Hai đời vợ cơ đấy, khối em theo. Nhưng đời tư của diễn viên xiếc so với nghệ sĩ giới khác còn hiền lành chán, không phải Hạnh mà ngoài giới nói đấy”.

“Hình tượng nam nữ”, “Tung hứng”, “Dây căng cao”... giữa đời thường

“Đời tư của diễn viên xiếc còn hiền chán” ảnh 1
Lý Vân - giai nhân xiếc ngày nào

Trong giới nghệ thuật, tính chất gia đình của ngành xiếc thuộc loại đậm đà. Người hâm mộ hẳn biết họ là những cặp vợ chồng nổi tiếng: Tài Thảo - Minh Trà, Tuấn Nhật- Tố Trinh, Lê Thể - Tâm Chính, Vũ Hợp - Bích Thảo...

Sức hấp dẫn từ sự tò mò cũng ở đó. Như Tố Trinh cao lớn mà Tuấn Nhật (hài) “khiêm tốn”, hợp lại thành cặp khó quên trên sân khấu. Lưu Phúc đàn ông mặt lại bầu bầu, “tương thích” với vợ - Lý Vân nom cũng bầu bĩnh phúc hậu như tiểu thư Trung Hoa Lâm Đại Ngọc. Duyên dáng, có tiếng là nhiều anh mê. Hai người họ kẻ thì mạnh mẽ “Đế trụ” người dẻo dai khéo léo “Tung hứng”, “ảo thuật”.

Nghệ sĩ xiếc, biểu tượng của vẻ đẹp hình thể, đêm đêm gặp khán giả dưới ánh đèn sân khấu lộng lẫy mà ăn vận như Tôn Trung Sơn thì... Thế nên màu sắc bắt mắt chất liệu đặc chủng, thường là co giãn 4 chiều, đa số chị em cầu kì tự đính lấy kim sa kim tuyến.

Bộ quần áo treo lên mắc trông đã “gợi”. Ngoài đời, đi lại trong khu tập thể, lúc tập tành thì như đã kể, cứ như thử thách thiên hạ. “Diễn chung, tập chung mà ông chẳng bà chuộc thì hay bị hỏng, dễ giải tán. Nên làm cùng tiết mục thì hay lấy nhau”- một nam nghệ sĩ thành đạt, “tình tích” cũng khá, cho hay.

 “Nếu khả năng rung động tiềm tàng, người ngoài ngành sao dám? Và tuy đồng nghiệp nhưng chéo tiết mục thì nguy cơ cao?”. “Người dễ người khó, ngoài ra còn tùy hoàn cảnh. Lắm lúc trên sân khấu tươi tỉnh ăn giơ, vào cánh gà mới bẻ hành bẻ tỏi. Và sống cùng từ 11, 12 tuổi trong trường, hiểu hết tính nết, mất thiêng”. Cuộc “ngó nghiêng” sang khu vực khác- đình đám nhất có vẻ là của “hề Lợi” (Tôn Thất Lợi) và ca sĩ Thanh Hoa.

Khen diễn viên xiếc khỏe “như khen nước biển mặn” song nghệ sĩ N.T từng kể chuyện nhờ có sức khỏe mà H.O vợ và đồng nghiệp của anh mới chống đỡ nổi một cuộc quấy rối của nam danh ca nọ. Chuyện lâu rồi, đó là một ca sĩ hát hay “khủng khiếp”, được hâm mộ “khủng khiếp”, đi đâu có đoàn vệ sĩ xếp hàng đi theo, đến chỗ diễn thì đứng tấn cách ly ca sĩ với khán giả. Theo N.T anh đã cho ca sĩ này một  bài học nhẹ nhàng không cần dùng đến “Sức mạnh đôi tay”...

Từ khóa 1, khóa trước 1, xiếc đã sáng giá, ngoại hình chuẩn do tuyển lựa kỹ lưỡng (như khóa 1 điện ảnh, có lẽ). Có người lập danh dễ dàng theo tên bộ phim Liên Xô nổi tiếng như “Nữ tài tử dạy hổ” Phương Hảo. Minh Trà (Tung hứng), Kim Thoa, Kim Oanh, Giang Kim Thanh (Uốn dẻo), Kim Chung (Nhào sào), Mỹ Kim (Hình tượng nam nữ), Thanh Nhàn (Patin)... đều từng được trầm trồ, người thì vì đẹp, người vì duyên sân khấu.

“Đời tư của diễn viên xiếc còn hiền chán” ảnh 2
“Uốn dẻo hoa sen” của Kiều Oanh và tốp nữ

Từng “thực mục” nhiều người bọn họ lúc đời thường,  thấy sự trầm trồ đó xứng đáng. Có những tiết mục mà người thực hiện chỉ cần “đẹp vừa” song “Hình tượng nam nữ”, “Uốn dẻo” chẳng hạn, phải như tượng tạc.

Kim Thoa, người luôn hiện ra với  bộ vàng óng ánh bó sát người- mỗi khi cuộn mình “Uốn dẻo hoa sen”, sự trầm trồ nổi lên từ các hàng ghế không chỉ vì thân hình sợi bún, mà cả dáng thon dài, gương mặt nào ra nét đấy. Cơ thể lộn tùng phèo miệng vẫn tươi như một cánh sen.

Cặp anh em- chị em trong làng xiếc cũng làm đậm thêm cảm nhận của người hâm mộ về những gen nghệ thuật, gen nhan sắc: Lưu An - Lưu Phúc, Thái Uy - Dũng Sỹ, Tiến Dũng - Tiến Mạnh, Nhất Lý - Nhất Lâm - ánh Minh..v.v. Riêng hậu duệ của cụ Tạ Duy Hiển đã hùng hậu, một huyền thoại trong các huyền thoại xiếc.

Trong gia đình Hải “Hon” (Thanh Hải- “Hình tượng nam nữ”), nhan sắc khá trội ngoài đời của cô chỉ là tầm tầm so với Hà “Điểm” tức cô út Thanh Hà, lừng lẫy phố Hàng Bông.

Nét thanh tú và quyến rũ lạ lùng. Nhớ lần đi chơi Bách hóa Tổng hợp, người qua lại đông đúc vậy mà tự dưng chủ nhân các quầy “Hàng mẫu không bán” cứ ngẩn tò te dõi theo chỉ trỏ một thiếu nữ đang kiêu hãnh sải bước.

Hà tìm đường ra nước ngoài sinh nhai sớm, nhưng các chị của cô lao vào xiếc đông: Thanh Hải, Thanh Nhàn, Mai Phương, hai người sau cũng hết sức xinh. Sau một lần lỡ dở, Hải Hon vừa “hợp nhất” cùng Nhất Lý vốn là diễn viên hề đẹp trai trong đoàn, sau bao năm sang Pháp sống, giờ anh về nước xây dựng cơ đồ.

Mặc thoáng ở khu tập thể, ra đường diện ngất, ít quan tâm môi trường “giáo điều” chung quanh, hành ngôn dạn dĩ- đó là dân xiếc, tất nhiên vẫn có ngoại lệ. Giải tỏa nặng nhọc và tâm lý căng thẳng? Lên sân khấu phải bảo hiểm chả nhẽ ngoài đời không được thả lỏng...

NSƯT Lê Kim Hạnh khai triển luận điểm về đời tư của đội nhà: “Dân xiếc bị coi là nhà quê đấy. Và thỉnh thoảng cũng tai tiếng nhưng không xì căng đan, ít đôi tan vỡ”. Nên chuyện Cao Thắng vượt biên, chuyện nam diễn viên trẻ lấy ca sĩ không còn trẻ mới đồn xa đồn gần khắp Hà Nội...

Chị Hạnh kể thêm: “Đi diễn bên ngoài, cát-sê xiếc được 300 ngàn, diễn rạp thì không quá 30.000đ/đêm. Mình có tiêu chuẩn NSƯT được cộng thêm 2000đ. Thế mà không hiểu sao vẫn ham đi, tuổi cao vẫn quay, vẫn đu, vẫn cắn răng leo dây. Sau lần ngã gẫy tay (đu trên cao, ngã cắm đầu xuống đất, chống tay nên bị gẫy) ông xã hết hồn nhưng mình chưa chừa”.

Theo Kim Hạnh và Tiến Mạnh, hai trong những trụ cột còn lại của ngành xiếc, thì cơ sở vật chất của ngành họ hiện không tồi, tuy vậy xiếc nằm trong cơ chế chung còn nặng cào bằng.

Cào bằng về thu nhập, cào bằng giữa người giỏi và kém hơn, chế độ lương thấp kiểu bao cấp mà đãi ngộ thanh sắc không như xưa... Có thể đến lúc những ngành không best-seller như xiếc, giao hưởng, nghệ thuật truyền thống sẽ được hợp lý hóa trong đãi ngộ cá nhân, đặng chăm lo và hứng thú làm nghề.

Nhớ lần hỏi chuyện nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống nhà ở Mai Dịch- hai vợ chồng cùng nghề thu nhập tổng cộng hơn triệu đồng/tháng, lại còn con cái. “Làm thế nào anh chị vẫn sống được?” “Thế mới tài chứ!”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.