Dư luận quan tâm ở Đại hội Nhà văn VN những gì?

Dư luận quan tâm ở Đại hội Nhà văn VN những gì?
Tiêu chuẩn vào BCH là những người thực việc, có khả năng đoàn kết, tập hợp, liên tài... Có hay không việc “cò Hội”. 3 năm chỉ công bố một bài thơ hoặc một bài báo thì có gọi là “còn sáng tác” hay không ?

Trong buổi họp báo cuối cùng (11/4/2005) trước ngày khai mạc Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII tại trụ sở HNV, nhà thơ Hữu Thỉnh thông báo: ĐH lần này có 565 đại biểu chính thức (chiếm 67,9% tổng số hội viên). Hơn 60 nhà văn là đại biểu đặc cách (không phải qua bầu chọn tại 13 ĐH cơ sở và khu vực) bao gồm các UVBCH khoá VI, Tổng thư ký và Phó tổng thư ký, Bí thư Đảng đoàn các nhiệm kỳ, nhà văn đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, các nhà văn là lão thành cách mạng và hoạt động tiền khởi nghĩa... và một số trường hợp khác như nhà văn Lê Văn Thảo, Hồ Anh Thái, Nguyễn Văn Thọ...

ĐH sẽ bầu chức danh Chủ tịch HNVVN và các phó Chủ tịch thay cho chức danh TTK và các phó TTK. Tiêu chuẩn để bầu vào BCH sẽ là những người thực việc, có khả năng đoàn kết, tập hợp, liên tài, mạnh dạn trẻ hoá ; không bầu BCH có những người tượng trưng như trước đây đã từng có.

Đại hội sẽ chính thức diễn ra trong 3 ngày 23, 24, 25/4 (lùi lại một ngày so với kế hoạch ban đầu vì lý do kỹ thuật) tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Lịch làm việc : buổi tối 22/4, họp các nhà văn đảng viên. Ngày 23, các nhà văn làm việc nội bộ, thông qua Điều lệ, bầu Chủ tịch đoàn, Ban thư ký và một số công việc khác. Ngày 24 và 25 làm việc công khai với sự có mặt, tham dự của các phương tiện thông tin đại chúng và các vị khách mời.

Hầu hết các nhà báo tham dự buổi họp báo ngày đều là nhà văn, nên những câu hỏi và trả lời đưa ra đều “sát sàn sạt”.

Câu hỏi, đúng hơn là ý kiến của nhà văn Văn Chinh giống như đề tài một tham luận : Nếu cơ cấu thì không nên cơ cấu BCH mà nên cơ cấu các hội đồng chịu trách nhiệm kết nạp hội viên mới và giải thưởng. Các nhiệm kỳ vừa qua, nhiều ông Hội đồng tại vị khá lâu, có ông ngồi liền nhiều nhiệm kỳ, thành ra không còn bắt kịp với tình hình văn học. Bằng chứng là chất lượng kết nạp hội viên và chất lượng các giải thưởng văn học thường không cao, ai chịu trách nhiệm?

Cùng ý kiến này, nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng có hiện tượng các ông Hội đồng khi xét giải thậm chí không đọc tác phẩm, tiêu chí thẩm định cũ, chỉ chú ý đến người trong nhóm của mình v.v... và đề xuất thành lập những Hội đồng mở, hàng năm mời các nhà văn, nhà thơ khác nhau có uy tín tham gia thì mới đảm bảo khách quan, dân chủ và chính xác.

Nhà văn Hoà Vang đến với tư cách cá nhân, đưa ra câu hỏi thẳng thắn và trực diện: Lâu nay đã có tin đồn trong dư luận, nay xin hỏi ông Tổng thư ký, có hay không việc cò Hội? Câu hỏi mang tính chất vấn này hơi “lạc đề” nên nhà văn Hoàng Minh Tường (trợ lý báo chí của ĐH) muốn hẹn trả lời vào một dịp khác.

Thế nhưng, nhà thơ Hữu Thỉnh nói ngay : Tôi xin trả lời. Chúng ta hoan nghênh bất cứ ai đến và đóng góp ý kiến với Hội. Tôi khẳng định, trong nhiệm kỳ VI vừa qua của HNV: không có việc đó. Nhà văn Hoà Vang:  Xin hoan nghênh, và tôi cũng tin là như vậy.

Nhà thơ Hữu Thỉnh nói tiếp: Đề nghị đổi mới bộ máy các hội đồng là những ý kiến hay. Chúng ta không được để oan khi xét giải thưởng và để sót những tài năng không được kết nạp vào Hội. Chúng tôi đang cân nhắc, có  thể thành viên Hội đồng và các Ban mỗi năm nên thay đổi tới 1/3 để tiếp cận tốt hơn với tác giả, tác phẩm và đời sống văn học. 

Nội dung “đình chỉ sinh hoạt Hội” xem ra không đơn giản vì khái niệm “không sáng tác, không liên hệ với Hội trong vòng 3 năm” là quá chung chung. Bản thân nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho rằng cần phải định nghĩa cho rõ thế nào là không sáng tác. “Trong 3 năm nhà văn ấy chỉ công bố một bài thơ, hoặc một bài báo, dù chỉ ở mức trung bình hay thấp hơn thì có gọi là sáng tác hay không ?”

Nhà văn Võ Thị Hảo hỏi : TTK đánh giá thế nào về ĐH nhà văn TPHCM khi người đến dự không nhiều ? Có phải ở TPHCM, HNV đã kém hấp dẫn rồi không ? Và việc nhân sự ở ĐH VII được đặt ở vị trí nào trong chương trình nghị sự để đảm bảo khách quan và không gây ức chế cho các đại biểu.

Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định : phần nhân sự sẽ được tiến hành từ nửa cuối thời gian ĐH và sẽ do đại hội toàn quyền quyết định. Không có ai, không có bất cứ kỳ sự sắp xếp nào trước và “dù có muốn sắp xếp cũng chẳng được. Nhà văn của ta ghê lắm, ĐH nhà văn là một trong những ĐH dân chủ”. 

Về ĐH nhà văn TPHCM ông cho biết, có một điểm đặc biệt, được coi là thành công nhất trong các ĐH cơ sở là, ở TP HCM nhiều đại biểu vắng mặt thì lại được bầu với số phiếu khá cao, điều này trái ngược với kết quả các ĐH cơ sở khác là người vắng thường trượt.

Về vấn đề tài trợ xoay quanh chủ đề “nên hay không nên” đang được thảo luận trên một số tờ báo, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, công lao động của các nhà văn ta bây giờ còn quá thấp. Viết một cuốn tiểu thuyết mất 5 năm giời mà nhuật bút có khi chỉ được vài ba triệu. Vì vậy tại sao chúng ta lại không nhận tài trợ ? Nhưng phải khẳng định, tài trợ là nguồn đầu tư dài hạn cho nhà văn chứ không phải quỹ phúc lợi mà đem chia đều.

Với câu hỏi: tham luận của các nhà văn tại ĐH có phải “duyệt” trước không, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: ĐH nhà văn là nơi ưu tiên để bàn những vấn đề lớn có tầm văn hoá. Không có việc duyệt trước tham luận, nhưng ĐH cũng không khuyến khích những ý kiến vụn vặt, những chuyện cá nhân, đặc biệt là những phát biểu ảnh hưởng tới văn hoá đại hội. Phương châm của ĐH lần này là “Đoàn kết, Dân chủ, Đổi mới, Sáng tạo”.

Buổi họp báo đã diễn ra một cách sôi nổi ít thấy. Trời mưa, nhưng đã có PV nhiều tờ báo lớn của Trung ương và Hà Nội đến dự, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của công luận với Đại hội nhà văn Việt Nam và các nhà văn. Cảm nhận riêng của người viết bài này là cả người trả lời và người hỏi đều có vẻ hài lòng?

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.