Đưa tuồng xuống trường học

Đưa tuồng xuống trường học
TP - Thành công với việc đưa tuồng xuống phố, nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) tiếp tục “phủ sóng” loại hình nghệ thuật truyền thống này trong các trường học, với hy vọng giúp lớp trẻ sẽ hiểu biết, gần gũi hơn với tuồng.

Lần đầu tiên được các nghệ sĩ tuồng về biểu diễn, thầy trò trường THSC Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) không khỏi háo hức. Trước khi tiết mục bắt đầu, đại diện nhà hát tuồng giới thiệu với các học sinh về hóa trang, cách di chuyển, lời thoại, nhân vật…trong từng vở diễn. Bên dưới sân trường, hàng trăm cô cậu học trò lâu nay bật ti vi thấy tuồng là chuyển kênh nay chăm chú ngồi nghe. Mở đầu trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân, nhân vật Trần Quốc Toản vừa bước lên sân khấu, các em học sinh không khỏi bất ngờ khi thấy nhân vật là nữ, tiếng vỗ tay tán thưởng liên tục vang lên. Em Kim Chu Diễm Phước, lớp 8/1, nói: “Chưa bao giờ em xem tuồng đến 5 phút, vì thấy dở và chẳng hiểu gì, bây giờ được các cô chú giới thiệu kỹ về tuồng, được xem trực tiếp nên thấy thích, dễ hiểu hơn nhiều”.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho hay từ đầu năm đến nay đã đưa tuồng về 8 trường tiểu học, THCS, theo kế hoạch sẽ đưa đến 12 trường trên địa bàn. “Nhà hát tuồng sẽ trình diễn chủ yếu hai trích đoạn Trần Quốc Toản ra quânLê Lai liều mình cứu chúa. Với hai trích đoạn tuồng lịch sử này, chúng tôi hy vọng các em sẽ cảm thấy gần gũi với tuồng, đồng thời hun đúc tình yêu quê hương, đất nước. Để học sinh cảm nhận được loại hình nghệ thuật truyền thống này không phải là chuyện dễ, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, chắc chắn khi được xem tuồng trực tiếp, thường xuyên, nghe giới thiệu kỹ về tuồng, các em sẽ đón nhận tuồng một cách cởi mở, gần gũi như những loại hình nghệ thuật khác”, ông Tuấn nói.

Thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Lương Bằng, chia sẻ: “Đưa tuồng về trường là hoạt động chính đáng, giúp học sinh và kể cả giáo viên có cơ hội tiếp cận với tuồng. Nhìn các học trò ngồi xem say sưa, tôi chắc chắn đã khơi gợi được trí tò mò của các em, từ đó các em tự tìm hiểu để nhìn nhận tuồng kĩ hơn, sâu sắc hơn. Sau buổi biểu diễn này, nhà trường sẽ bàn bạc phối hợp với nhà hát  để đưa tuồng về biểu diễn thường xuyên hơn nữa”.

Trong kế hoạch đưa tuồng đến trường học, sắp tới đây, nhà hát sẽ mang sân khấu tuồng đến với trường ĐH Duy Tân. Thông qua môn văn học dân gian, các nghệ sĩ sẽ nói chuyện, giao lưu với sinh viên về tuồng, cho các bạn thử làm nghệ sĩ tuồng để cảm nhận được tuồng một cách trực quan, sinh động. “Tất nhiên, câu chuyện tuồng với sinh viên đại học sẽ rộng hơn, đi sâu hơn chứ không cơ bản như với các em học sinh”, ông Tuấn khẳng định.

MỚI - NÓNG