Dũng Art: Tôi yêu sự nền nã, dịu dàng...

Ảnh: Dũng Art.
Ảnh: Dũng Art.
TP - Dũng Art là nhiếp ảnh gia hiếm hoi chụp áo dài có thương hiệu, dù anh chưa từng có giải thưởng nào về nhiếp ảnh. Xuất thân họa sĩ, anh đến với nhiếp ảnh khi đã ngoài 40. Khởi đầu là những bức ảnh chụp mẫu với yếm, với áo dài làm tư liệu để vẽ được bạn bè khen đẹp, xui mang ra triển lãm... Trong anh, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam không thể thiếu áo dài.

Chả lẽ anh chỉ chụp áo dài trắng? 

Cách đây hơn chục năm tôi có chụp áo dài màu nâu trầm mượn ở xưởng phim truyện. Người giữ trang phục của xưởng phim cho hay: “Có những cái ở đây không phải là áo, mà là đồ cổ”. Ðó là những bộ áo xưởng phim xin của những gia đình Hà Nội cũ làm mẫu may trang phục cho phim. Chúng đẹp kinh lên được. Nhưng người mẫu mặc vào giơ tay tạo dáng là… roẹt, nằm kho lâu ngày vải bị mục. Tôi phải lấy băng dính trong, chụp xong lại phải photoshop. Giờ không kiếm đâu ra làm kiểu vải như vậy, toàn pha nylon.

Áo dài trắng mà chụp các cô người hơi mỏng mảnh một tí, mà gió hơi nhẹ tí là nó đã bay rồi. Nó kín nhưng lại rất sexy. Tôi vào Hà Ðông, chọn loại lụa mỏng nhất, cho may đúng theo những mẫu mượn ở xưởng phim, độ 5-6 cái cỡ người khác nhau từ 1m56 đến 1m65. Mẫu của tôi toàn bạn bè, người quen. Tôi không thích chụp người cao quá. Nó không dung dị, không điển hình cho phụ nữ Việt Nam. Quan trọng dặn đi dặn lại khi đo bao giờ cũng phải rộng một chút, bó quá thành áo mới. Các cô bây giờ may toàn bó vào… nhìn nó nhục dục nhiều hơn là cái đẹp của người đàn bà mong manh tơ lụa.

Xu hướng bây giờ chuộng người mẫu cao mà anh…

Cao thì tất nhiên rất đẹp nhưng phù hợp với trình diễn, thi thố. Còn ảnh tôi giản dị lắm, người mẫu phải là con em, bạn bè quanh mình. Ðể khi đặt vào không gian xưa cũ, người xem có thể thấy trong đó hình ảnh các mẹ các chị mình ngày xưa. Gương mặt mẫu cũng phải hơi cổ điển, duyên hơn là xinh. Tôi không cần nét đẹp sắc sảo, không cần môi son, không cần mũi cao. Phải dịu, phải hiền.

Dũng Art: Tôi yêu sự nền nã, dịu dàng... ảnh 1 Ảnh: Dũng Art.

Rút cuộc vì sao anh lại chọn áo dài làm cứu cánh cho sự nghiệp nhiếp ảnh?

Ðàn ông nào cũng yêu đàn bà. Tôi không phải yêu cái hiện tại mà yêu cái cũ. Cái gì mất đi người ta cũng hay nhớ về. Tôi thích phim Trần Anh Hùng là vì thế. Nhiếp ảnh dựng lại quá khứ đơn giản hơn nhiều so với điện ảnh. Mình chỉ mất sức đi tìm cảnh. Chùa chiền có sẵn.

Tôi thiên về dân dân tộc nhiều hơn hiện đại. Ngày đầu mới vẽ, tôi còn phải kiếm đúng váy đụp là thứ mà lứa bọn tôi còn được thấy hồi đi sơ tán năm 1969 ở Hà Bắc. Nhìn các bà mặc váy đụp ấn tượng, ra trường cứ vẽ cái đó. Váy đụp chán chuyển sang áo dài. Quả thực áo dài quá đẹp, tinh khôi. Ngoài trang phục truyền thống, mình yêu cái ẩn chứa bên trong. Có thể tôi hơi lạc hậu một tí. Tam tòng tứ đức có thể nói ra nhiều người phản đối. Nhưng tôi yêu là yêu sự nền nã dịu dàng của nếp cũ, nhớ về tinh thần xưa không phải để áp đặt cho bây giờ.

Ðể ý sẽ thấy áo dài của tôi hay đi chân đất. Mẹ tôi bảo, phụ nữ Hà Nội trước 1954 ngày xưa chả ai đi guốc, toàn đi sandal bằng da mỏng mảnh. Áo dài ngày đấy không phải thứ để diện như bây giờ. Giờ lễ tết, hội hè, cưới xin mới mặc. Ngày xưa phụ nữ thành thị mặc áo dài đi học, đi làm, ra chợ. Áo dài khi đó là thường phục.

Anh nghĩ sao về trào lưu cách tân áo dài gần đây?

Mấy năm gần đây xuất hiện xu hướng mặc áo dài với quần bò, quần bó còn năm nay mặc với váy đụp bị một số nhà thiết kế phản đối ghê lắm, bảo vay mượn… Tôi tuy không thích nhưng rất mở trong chuyện này. Tôi thấy các cháu mặc đẹp chứ. Hãy coi nó là xu thế thời trang, năm sau có thể mất đi hoặc phát triển. Còn áo dài của mình trăm năm nay có thay đổi đâu… Gần đây có kiểu áo dài cách tân ngắn củn, hai vạt cứng đơ. Tôi không phản đối nhưng không nên gọi đó là áo dài.

Dũng Art: Tôi yêu sự nền nã, dịu dàng... ảnh 2

Áo dài hàm chứa tinh thần hòa hợp dân tộc. Dù ở thời kỳ nào, có thể bất đồng về điều này điều nọ nhưng người Việt ở đâu cũng công nhận áo dài là đẹp, là Việt Nam. Anh nghĩ sao về điều này?

Lần tôi đến Nam Phi, qua sứ quán thấy mấy chị mặc áo dài mà cảm động. Ði siêu thị giật mình giữa một xứ toàn người da đen lại thấy áo dài. Áo dài như thông điệp khẳng định đấy là Việt Nam, là quê hương mình, đúng như lời bài hát: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...”. Nhìn phụ nữ Việt từ người già cho đến các chị đậm người mặc áo dài vẫn thích. Ðúng là dân tộc mình.

Hình như anh hơi ưu ái áo dài Hà Nội hơn các vùng miền khác?

Ðúng là áo dài tôi chụp mang hơi hướng Bắc bộ, cụ thể Hà Nội cũ. Vì đó là nơi tôi sinh ra. Nhưng không thể nói áo dài đó là của riêng Hà Nội mà là của chung phụ nữ Việt Nam mình. Tôi chụp ra không gian địa phương thôi.

Tôi cũng từng chụp áo dài Sài Gòn, kiếm được người mẫu đẹp mà phải chụp ở studio. Vì không đào đâu ra không gian cũ đúng ý mình. Chùa ở đó cũng nhiều màu, nhiều tầng gác, kiến trúc cũng khác. Bạn bè gợi ý tôi phải làm bộ áo dài miền Tây. Sài Gòn thì pha trộn nhiều nhưng áo dài cũ miền Tây sẽ khác Hà Nội, khác những cái mình đã nhìn thấy. Nhưng thực ra mà nói có lẽ phải để những tay máy ở trong đó chụp mới ra được, cũng như tôi đã gắn bó máu thịt với áo dài Bắc bộ.

Lần tôi đến Nam Phi, qua sứ quán thấy mấy chị mặc áo dài mà cảm động. Đi siêu thị giật mình giữa một xứ toàn người da đen lại thấy áo dài. Áo dài như thông điệp khẳng định đấy là Việt Nam, là quê hương mình, đúng như lời bài hát: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...”.

Dũng Art (tên thật: Nguyễn Quốc Dũng) sinh năm 1959, tốt nghiệp ÐH Mỹ thuật Công nghiệp 1984, đã có 5 triển lãm tranh, 3 triển lãm ảnh cá nhân. Ảnh áo dài của anh từng trưng bày tại California- Mỹ trong Lễ hội áo dài do Việt kiều tổ chức và tại New Dehli, Calcutta- Ấn Ðộ dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt- Ấn. Dũng Art sẽ triển lãm ảnh áo dài tại Hội An giữa tháng 8 này và tại TPHCM đầu năm sau. Anh cũng đang thực hiện cuốn sách ảnh chuyên về áo dài.

MỚI - NÓNG