Bàn về bản quyền tại Hội chợ Nhiếp ảnh 2016:

Đừng kêu gào, hãy đóng thuế!

TP - Tiếp nối thành công của VN Photo Fair 1 (VPF), năm nay ban tổ chức  mở Hội chợ Nhiếp Ảnh 2 kèm theo một số buổi tọa đàm về  bản quyền vốn nóng trong thời gian gần đây.

Ngoài lo ngại mất tác quyền, dân ảnh chuyên nghiệp tỏ ra bất lực  trước tình trạng mỗi công dân có điện thoại di động đều trở thành nhiếp ảnh gia. Nghệ thuật chụp ảnh có nguy cơ mất hút trong trào lưu chụp ảnh cúng “phây” (facebook) với cảnh đẹp đại trà, góc độ đại trà.

Nghệ thuật toàn bị lép vế

Tạ Quang Bảo, một trong mười hai tác giả trưng bày tại Hội chợ được quan tâm nhiều vì có lượng ảnh bán đáng kể trên thị trường ngoài ra nghệ sĩ này có cả một câu chuyện đình đám về đòi tác quyền. Cách đây vài năm, anh Bảo vô tình phát hiện ra hơn 100 bức ảnh của mình được treo trong một khách sạn 5 sao. 

Anh Bảo liên lạc để đòi tiền bản quyền, chủ khách sạn nhận sai và cảnh tỉnh tác giả : “Nếu anh đòi giá quá cao tôi sẽ mua sau đó hủy đống ảnh . Anh phải biết là nhiều hoạ sĩ nổi tiếng mong được treo tranh ở sảnh của khách sạn hạng sang này lắm đấy”. Tạ Quang Bảo đành đồng ý lấy giá đổ đồng 300 nghìn/1 bức tương đương nhuận treo tranh của các triển lãm ảnh nhà nước. Cả trăm bức thu lại có gần 30 triệu.

Đừng kêu gào, hãy đóng thuế! ảnh 1

Thu nhỏ, in dấu logo là cách Tạ Quang Bảo kiểm soát sản phẩm của mình.

Tay máy nghiệp dư Nam Long, đồng thời là MC của buổi tọa đàm cũng góp vui bằng câu chuyện anh thường xuyên bị báo chí dùng ảnh không xin phép. Khi anh gọi điện truy hỏi thì phóng viên cười xòa  “ảnh của anh được lên báo sướng thế còn gì!”. Đối với nhiều người VN, việc đòi tác quyền một bức ảnh bị xem như bất thường. “Thấy tôi tỏ ta quyết liệt chứng minh mình là chủ sở hữu, nhiều người còn ném đá”.

Hoạ sĩ Bùi Hoài Mai chọn thái độ bình tĩnh sống chung với  việc bị ăn trộm tác phấm. Ông không nhìn việc bát nháo tác quyền ở góc độ đạo đức mà coi đây là hệ quả  của thiếu hổng luật pháp và chế tài cho vấn đề bản quyền tác phẩm nghệ thuật. Pháp luật phản ứng nhanh, mạnh tay với tội cướp giật bánh mỳ hơn tội chôm ảnh, giả tranh và hơn cả tội rút ruột dự án  nghìn tỉ”.

Trưởng lão “tranh đấu bản quyền”, nhạc sĩ  Phó Đức Phương thì vẫn hừng hực nhiệt huyết: “Công ước Berne đã có được 130 năm rồi mà giờ chúng ta ngồi đây vẫn muốn nói chuyện nhẹ nhàng”. Nhạc sĩ  hô hào mỗi Hội ngành nghề nên có một Trung tâm bản quyền như bên Âm nhạc.  Ông nói , Nhật Bản, Hàn Quốc ít tài nguyên , họ phải trông vào trí tuệ. Nếu luật bảo vệ và sở hữu trí tuệ của họ không tốt,  họ sẽ không hùng mạnh như hiện nay. “Chúng ta không làm việc này vì một bài hát, một bức ảnh của bản thân mà vì đất nước”.

Nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu, thành viên ban tổ chức Hội chợ chia sẻ, dù coi nhiếp ảnh là cuộc dạo chơi nhưng anh muốn có một sân chơi sạch sẽ. Trào lưu chụp ảnh theo cảnh đẹp đại trà thậm chí góc độ đại trà đang nhấn nhìm nghệ thuật nhiếp ảnh. Vũ Hiếu tỏ ra thất vọng với năng lực sáng tác của một số người chuyên nghiệp “Họ mách nhau giờ nào,mùa nào, chỗ đứng nào ở địa điểm nào thì có được bức ảnh đẹp như  trào lưu ảnh facebook vậy”.

Bàn về  tình trạng nhái ý tưởng và ăn cắp góc độ, nhiếp ảnh gia Hồng Định, Chánh văn phòng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN (Hội NSNAVN) kể mỗi cuộc thi chúng tôi nhận cả ngàn bức ruộng bậc thang, đầm sen, cánh đồng hoa cải…ná ná góc độ nhưng chẳng có luật nào cấm được, quan trọng là giám khảo của các cuộc thi phải đủ kinh nghiệm để không trao nhầm giải thưởng cho những bức giống hệt góc độ chụp vào đúng triển lãm đó ở năm khác nhau.

Tự bảo vệ và đóng thuế đi đã!

Sau vụ suýt mất không cả kho ảnh, Tạ Quang Bảo đã bảo vệ tác phẩm của mình bằng cách mua máy in ảnh, tự làm khung, trước khi đưa lên trang cá nhân thu size nhỏ, đóng dấu nổi, ghi rõ tên tác giả, thời điểm, địa điểm chụp. Ảnh treo của 12 tác giả trong cả triển lãm lần này đích thân anh Bảo làm các công đoạn. 

Mặc dù ảnh size nhỏ và có dấu nổi, anh Bảo vẫn thấy chúng tràn ngập trên mạng. Tuy nhiên tác giả này chấp nhận mất ảnh ở dạng minh họa báo chí “ảnh lan truyền cùng cái logo tên tôi thì cũng được”.  Là người sống bằng nghề, Tạ Quang Bảo cho biết mỗi bức ảnh đẹp anh thường in ra khoảng 100 phiên bản. Những bức đầu bán giá rẻ, càng đến bức cuối đắt dần lên. Bức cuối cùng đắt nhất vì kèm theo mắt (file gốc) phim.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng kể cách đây nhiều năm ông từng bị tiếng oan đạo ảnh do không hiểu về luật tác quyền trong khi làm một cuốn sách  về Tây Nguyên. Theo ông thể loại ảnh khoa học (chụp tế bào, ấu trùng…), ảnh đối tượng nghiên cứu …thường bị lấy đi lấy lại, rất khó kiểm soát mà ở ta chưa có văn bản qui định cho những vấn đề như thế. Cách tốt nhất là người chụp nên tự quản lý.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng và Bùi Hoài Mai trùng ý kiến khi cho rằng “để ảnh không bị sao chép bạn phải đẩy tính chuyên nghiệp cao lên, trở thành tác giả tiên phong, có phong cách”. Họa  sĩ Bùi Hoài Mai đề cao câu chuyện đời sống đằng sau mỗi tác giả và tác phẩm của họ “ Bản thân tôi ít nhìn thấy tác giả khiến tôi muốn sở hữu tác phẩm của họ”.

 Trịnh Vũ Hiếu bảy tỏ anh không định biến thông điệp VPF năm nay thành cuộc tố khổ hay bắt mọi người đọc văn  bản về bản quyền. Mỗi nghệ sĩ bán ảnh nên trích ra 5% chẳng hạn để đóng thuế hoặc nộp cho Trung tâm bản quyền (cần lập ra trong tương lai), rồi sau đó hãy đòi quyền được bảo vệ.

Nhà nước không được gì khi một bức ảnh bị lấy trộm minh hoạ bài báo cũng như khi một bức khác bán được nghìn đô, “Nhiều người ích kỷ lắm, chỉ giỏi kêu gào cho mình chứ chẳng bao giờ nghĩ đến đóng góp gì cho xã hội”. Anh mong người chụp ảnh  làm việc nghiêm túc, sáng tác đàng hoàng, đừng chạy theo trào lưu ảnh dễ dãi. “Hơi viển vông nhưng tôi còn mơ hội đồng thẩm định của các cuộc thi ảnh hội tụ đủ phẩm chất để phân định được  thật- giả  trong chất lượng nghệ thuật”. 

Mẹo chụp ảnh quan trọng hơn bản quyền!?

Theo nhà nghiên cứu Cao Trung Vinh, thành viên Ban tổ chức  không khí hội chợ năm ngoái  nhộn nhịp hơn do có 3 talk show mời chuyên gia tư vấn về kỹ thuật và kỹ xảo chụp ảnh.  Người nghe phải đóng tiền mà vẫn đến dự đông. Năm nay các buổi tọa đàm tập trung vào vấn đề bàn quyền và thái độ nghệ sĩ, miễn phí vào cửa mà dân ảnh cũng không mặn mà cho lắm.

MỚI - NÓNG