Gã xe thồ yêu thơ đến 'phát cuồng'

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Vũ Trịnh, người thơ của vùng đất xứ Đoài đã ra đi vào một ngày mùa thu năm ngoái nhưng vẫn như còn đâu đây. Anh chẳng là hội viên của một Hội Văn nghệ nào, nhưng người yêu thơ, say đắm với thơ đến tận cùng.

Vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, Sơn Tây có một gã yêu thơ đến “phát cuồng” và được nhiều người chú ý. Cũng chỉ vì thơ mà gã không tránh khỏi những hệ lụy. Người thân, bạn bè cùng trang lứa đều tấm tắc những vần thơ mà gã “phát tiết” ra, nhưng không ai dám “ra mặt” lớn tiếng khen gã cả. Họ chỉ thì thào to nhỏ với nhau, thậm chí còn lảng tránh. Bởi thơ gã thật thà quá, gai góc quá. Có người còn công khai gọi gã là “chập cheng”. Thời điểm ấy, cả nước đang có chiến tranh.

Mọi sự đều “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”. Ngay cả những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như bát đũa, cốc chén, nồi niêu xoong chảo...Thôi thì tuốt tuột đều có các khẩu hiệu thiết thực. Vậy thì văn chương thơ phú càng không thể nằm ngoài mục đích ấy. Thế mà thơ gã sáng tác toàn là thơ tình, thơ thế sự. Cái đói, cái nghèo, cái khốn khổ khốn nạn, thất vọng vì yêu cứ ùa vào thơ gã. Đã thế, mỗi một tác phẩm ra đời gã cứ oang oang đọc cho mọi người nghe, làm người ta phát hoảng. Vậy là gã làm thơ sai mục đích, mất lập trường và bị “nâng quan điểm”.

Người ta cho gã là “nhân văn giai phẩm” còn rơi rớt lại. Và như thế cái đầu gã cần phải “tẩy rửa”. Gã được nhà chức trách gọi lên “quán triệt - giáo dục” cho “thấm nhuần tư tưởng”. Người gọi gã lên đâu phải ai xa lạ. Bây giờ người ấy lại là bạn và cùng “chiếu thơ” với gã. Họ vẫn thường gặp nhau đàm đạo về thơ, tặng cho nhau những vần thơ mới nhất. Nhưng không ai muốn nhắc lại chuyện cũ. Nhắc lại làm gì cho thêm phiền lòng. Đôi khi nghĩ lại, gã không hề oán trách ai. Gặng hỏi gã, gã chỉ cười trừ và tự nhận mình là thằng “vô tích sự”.

Thơ gã là thơ thế sự, thơ một thời. Người mà gã chịu ảnh hưởng nhiều là nhà thơ Xuân Diệu. Một lần Xuân Diệu nhận lời mời lên Sơn Tây nói chuyện thơ. Tháp tùng nhà thơ lớn là nhà báo Nguyễn Kế Nghiệp (là bạn học của gã). Hay tin, gã bỏ cả xe thồ, chẳng kịp thay bộ đồ sạch sẽ hơn, tất tả đến hội trường ủy ban để nghe.

Một người trong Ban tổ chức chặn lại, không cho gã vào bởi gã không thuộc đối tượng mời mà lại còn “Bô-lô-nhếch” nữa. Trong lúc đang “đôi co”, thật may Xuân Diệu và Nguyễn Kế Nghiệp có mặt. Thế là gã được gặp Xuân Diệu, được nghe Xuân Diệu nói về thơ mà gã coi đó là hạnh phúc và là một vinh dự lớn. Gã còn được Xuân Diệu khen gã có mái tóc “bồng bềnh như sóng biển Quy Nhơn” chẳng kém gì Xuân Diệu. Gã lấy làm hãnh diện và thích thú lắm.

Gã chăm chú nghe Xuân Diệu bình thơ và ghi chép rất đầy đủ vào quyển vở học trò, mà quyển vở đó gã thường để ghi số chuyến xe và tiền công đạt được sau một ngày “thở cả ra đằng tai”. Gã như “nuốt lấy từng lời” của nhà thơ lớn Xuân Diệu.

Trong số bạn bè cùng học khoá 1 cấp 3 Sơn Tây với gã nhiều người đã thành danh. Có người là nhà báo, nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ, tiến sỹ khoa học, có người trở thành tướng tá trong quân đội vv... Họ vẫn thường gặp nhau những lần hội trường, hội khoá, việc vui buồn của bạn bè... Gã được các bạn quý mến và gọi gã là “nhà thơ trong lòng bè bạn”.

Có thời gã làm công nhân Nông trường Nghĩa Lộ. Ngoài việc trồng cây theo định mức, một tuần hai buổi tối gã dạy bổ túc văn hoá. Cuộc sống chốn sơn lâm “đèo heo hút gió”, đơn điệu và buồn tẻ làm cho gã thấy “khó ở” nên gã quay về Nông trường Ba Vì.

Người ta giao cho gã một chiếc xe trâu (gã đặt tên là trâu “Sét”) để chở phân suốt ngày. Rồi gã đi xe thồ (có thể thế hệ 8X, 9X bây giờ không biết xe thồ nó như thế nào. Nhưng thôi, cũng chẳng cần phải giải thích làm gì). Rồi gã giở trò vẽ Quan Công, Trương Phi, Gia Cát lượng, Tào Tháo... Gã thuộc loại “có hoa tay”.

Gã vẽ đủ thứ miễn là bán ra tiền nuôi mấy đứa con nheo nhóc. Đến khi lỗi thời, gã quay ra làm hàng mã, toàn những tiền giả, bạc giả, những tượng xe pháo mã... Nhưng nhà chức trách không cho gã làm bởi như thế là “mê tín dị đoan”. Gã quay sang chân xã viên Hợp tác xã cán mỳ sợi. Rồi gã làm trưởng trại chăn nuôi thuộc Hợp tác xã Nam Tiến.

Gọi là trưởng trại cho oai, chứ chỉ có hai vợ chồng gã chăn nuôi gần 50 con lợn. Gã kiếm sống bằng đủ mọi thứ nghề. Túng thì tính. Tuyệt nhiên gã không làm nghề thuốc bắc gia truyền mà cụ cố để lại. Gã bảo gã không đủ tâm và tài để làm nghề cứu nhân độ thế. Cuối cùng chẳng nghề nào yên vị. Tất cả đều dang dở. Tất cả đều không đem lại hứng khởi và niềm hy vọng đối với gã.

Không phải lỗi tại đời. Lỗi do chính gã gây ra. Nhưng, mỗi lần như thế... gã lại có thơ. Mỗi bài thơ là một Giọt đắng bởi “thân làm tội đời” cứ thế tràn ra trang giấy. Gã chưa bao giờ có đủ nghị lực để vượt qua số phận...

Đời gã có nhiều chuyện để nói. Toàn những chuyện túng quẫn, khốn khổ, đau đời và cả những chuyện cười ra nước mắt. Duy nhất một lần hứng chí gã kể:

Dịp tết năm ấy, gã còng lưng hì hụi mấy ngày giời vẽ tranh hàng chợ (thì vẫn là anh hùng tương ngộ, Quan Công, Trương Phi, Gia Cát Lượng, Tào Tháo...) để “kiếm cái tết”. Đâu ngờ số tranh gã vẽ ra đã bị trộm cuỗm sạch. Mất cả vốn lẫn lãi, tay trắng lại hoàn trắng tay. Trong khi ấy hàng xóm láng giềng người ta bận rộn mua sắm, gói bánh chưng, đun nấu khói bay nghi ngút. Thấy vợ ngân ngấn nước mắt mà gã ngậm ngùi câm lặng.

Gã than thở: - Hàng xóm người ta thịt gà, nấu bánh chưng thì mình luộc nồi khoai vậy. Tưởng là nói thế thôi, ai ngờ gã ra chợ mua khoai thật. Một nồi khoai khá to đặt giữa sân. Cũng khói bay nghi ngút, cũng nén hương thơm cúng tất niên chiều ba mươi. Ngoài hoa quả còn có thêm đĩa khoai đặt lên bàn thờ. Gã chắp đôi tay gầy guộc vái lạy tổ tiên mà nước mắt lưng tròng, để rồi bật ra những vần thơ thật xa xót:

“Còn nốt đêm nay là hết năm

Ngoài trời gió rét mưa lăm tăm

Em ơi! chờ pháo giao thừa nhé

Vá nốt miếng quần mai đón xuân

Rủ rỉ bên nhau đến lửa tàn

Mắt buồn thăm thẳm ngó thời gian

Anh ơi! lửa đỏ hầm chi đó

Lửa đỏ hầm khoai mai tết ăn..."

                                                              (Tết nghèo)

Thực ra, thời ấy nhiều gia đình nghèo khó, túng bấn chứ đâu chỉ có gã. Những năm chiến tranh, cả nước dốc lòng dốc sức đánh giặc. Ngày hai bữa cơm độn ngô, khoai, sắn... là tốt rồi. Chỉ có điều nghèo khó đã đi một nhẽ, nhưng ngay cả cái tết ấm cúng, yên vui, đoàn tụ thì gã cũng không có được. Cũng mừng là gã thuộc loại người luôn lạc quan và thơ đã cứu gã. Nếu không, gã khó lòng chịu đựng nổi. Bởi là người lạc quan nên gã chấp nhận một cách bình thản:

“Đời ta dưa muối, cải canh

Vẫn vui giữa lúc tuổi xanh dâng trào

Bí ngô nấu với ngọt ngào

Vẫn cười vẫn hát ai nào hơn ta..."

                                                    (Cháo bí)

Gã có một tình yêu trong sáng và đẹp đẽ với một người đàn bà có thể gọi là “nghiêng nước nghiêng thành Sơn Tây” thời kỳ đó. Người ấy có đôi môi mọng đỏ rất khêu gợi. Có đôi mắt "buồn Tây phương’’ như nhà thơ Quang Dũng mô tả. Trớ trêu thay, họ không lấy được nhau. Mà biết đâu, nếu lấy được nhau thì gã làm gì có thơ. Những bài thơ như rứt da, rứt thịt, như muối xát, gai cào vào vết thương lòng của gã. Mối tình ấy theo gã suốt cuộc đời. Có lẽ thơ tình của gã ám ảnh người đọc chắc là từ mối tình nghiệt ngã này?

Ai hiểu lòng anh giữa lúc này

Nhìn em duyên dáng bốc men say

Trời ơi chân dẫm muôn tơ thảm

Mà quặn trong lòng mớ đắng cay.

                                         (Sương đêm)

Đắng cay là thế, đau đời là thế... nhưng rồi gã cũng cần có một mái ấm. Gã lấy bà vợ bây giờ thời điểm gã đi làm công nhân ở nông trường Ba Vì. Hai cuộc đời khốn khó gắn bó với nhau mà nên vợ nên chồng. Bà vợ đôi lúc bực mình với gã chỉ vì cái tội vẫn “hỏi thăm” người tình cũ, vẫn thơ phú gàn gàn dở dở. Làm thơ quên cả nấu cơm, quên cả đón cháu. Gã đáng thương hơn đáng giận. Suốt đời gã quẩn quanh trong cái thị xã trung du bé nhỏ nên gã cạn nghĩ. Tuy nhiên, gã cũng để lại nhiều vần thơ hay về con người và nỗi buồn nơi tỉnh lẻ.

Cả phố xá sõng soài nằm ngã ngửa

Giữa trưa hè trong nắng lửa cuồng điên

Cụ bán mận gục đầu tình chan chứa

Chú xích lô há miệng ngủ liên miên

                                                   (Trưa hè)

Đó là cảm nhận trực quan và tinh tế của gã về cái thị xã bé nhỏ nơi gã sinh ra và lớn lên. Thơ là vậy. Còn với đời sống thường nhật thì gã thuộc loại người dễ bị dao động. Cuộc đời gã trải qua biết bao thăng trầm của nhân tình thế thái nên gã rất yếu bóng vía.

Gã sợ bóng sợ gió, sợ “phạm huý”..., sợ mà không biết mình sợ nỗi gì. Đời gã động chạm với giả dối đã nhiều, bây giờ gã sợ tiếng chửi của người đời, sợ những tiếng cười đểu... Ấy thế gã vẫn “chứng nào tật ấy”, vẫn “cái mồm làm hại cái thân”, "Chẳng cái dại nào giống cái dại nào"... Gã già rồi “sửa” sao được nữa. Nhưng gì thì gì thơ vẫn đeo bám, hành hạ gã cho đến hết đời. 

Bây giờ tập thơ Giọt đắng của gã chưa đến với bạn đọc. Có thể sẽ có người không thích kiểu thơ đầy chất thế sự này. Đó là tiếng đời, một tiếng vọng, nhưng không bao giờ là tiếng thở dài.

Vũ Trịnh được bạn bè nhìn lại con đường thơ của mình với sự nâng niu và trân trọng.

Anh không bao giờ là “vô tích sự” dẫu chỉ là Giọt đắng cuối chiều.

Người Sơn Tây sẽ nhớ mãi một ông già mảnh mai, có mái tóc bồng bềnh như Xuân Diệu...

Ngày anh mất, hàng trăm vòng hoa, những bức điện chia buồn, những hàng người đưa tiễn...đủ biết bạn bè và người thân rất yêu quý Vũ Trịnh. Anh đã thanh thản, nhẹ gót thiên thu mà đi vào cõi khác,  nhưng thơ anh còn mãi.

Muối mặt vì thơ

Ảnh: Vũ Đình Tuệ
Ảnh: Vũ Đình Tuệ.
Gã được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ “Bóng cả” của phường. Gã rất phấn khởi và thích thú vì hợp với sở trường của gã. Thời buổi “cả nước làm thơ”, “ra ngõ gặp nhà thơ”, in ấn thoải mái nếu chỉ “lưu hành nội bộ”, mà lại là “thơ các cụ” thì còn gì phải bàn.

Gã hào hứng đi xin tài trợ và lần lượt cho ra mắt 4 tập thơ. Nhưng đến tập thứ năm thì gã thực sự khốn khổ khốn nạn vì thơ. Những nơi mà trước đây gã vẫn lóc cóc đi xin thì bây giờ họ làm ăn gặp đầy khó khăn, hàng họ ế ẩm nên người ta tài trợ quá ít. Có chỗ người ta đưa cho gã hai chục ngàn đồng.

Gã thấy muối mặt mà chẳng lẽ lại không nhận. Sách in ra chỉ hơn một trăm cuốn, chẳng đủ để biếu tặng. Các tác giả có mặt trong cuốn “Bóng cả” có người góp tiền, có người không. Vì vậy gã còn “nợ đọng” nơi in ấn hơn một triệu đồng. Số tiền ấy đối với gã đâu phải là nhỏ. Mỗi lần có việc ra phố, gã đều phải đi tránh, sợ người ta đòi. Trong tập thơ ấy, gã có đến 5 bài và thơ gã vẫn thuộc hàng số 1.

Nghe nói gã từng có ý định làm đơn xin rút khỏi cái chân chủ nhiệm CLB thơ “Bóng cả”(?). Thì ra làm lãnh đạo, dẫu chỉ là “hữu danh vô thực” mà cũng khó vô cùng. Bởi từ bé đến giờ gã chưa lãnh đạo ai, kể cả việc lãnh đạo đầy yếu kém bà vợ và mấy đứa con của gã.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.