Gáo nước lạnh dội vào tim

Gáo nước lạnh dội vào tim
TP - Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn dân. Dường như ai cũng thuộc lòng câu khẩu hiệu này. Thế nhưng, những gì đang diễn ra tại huyện Con Cuông (Nghệ An) lại khiến dư luận nghi ngại, vì thái độ của một số người có trách nhiệm tại đây.  

Không chỉ vì ở đây đang xảy ra nghi án bạo hành trẻ em. Câu chuyện đáng buồn tương tự còn xảy ra ở nhiều nơi. Vấn đề lại là, sau khi đưa hình ảnh học sinh mầm non bị bạo hành lên trang Facebook, cô giáo Cao Thị Kiều Nhi đã bị trường mầm non Thạch Ngàn họp kỷ luật với lý do “hành động của cô... ảnh hưởng đến ngành và chính quyền xã”.

Bản Kẻ Tre, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An), một bản nghèo. Người mẹ - chị Lương Thị Việt là mẹ của bé Thúy Hiền (5 tuổi) cho hay, chị chung sống với Lô Văn Kết ít lâu nay. Bé Hiền là con riêng của chị. Tối 22/8, chị Việt đi soi ếch, bé Hiền cùng với bố dượng ở nhà. Cháu đã bị bố dượng đánh sưng tím mặt. Người chồng vũ phu này đã công nhận hành vi bạo hành. Đây là lần thứ hai.

Vụ việc như vậy là khá rõ. Việc xử lý, giải quyết chưa đâu vào đâu, thì lại phải băn khoăn thêm vì cuộc họp tiến hành hình thức kỷ luật cô Nhi với sự có mặt của Phòng GD & ĐT huyện Con Cuông, lãnh đạo xã Thạch Ngàn, Trường mầm non Thạch Ngàn vẫn được tổ chức vào sáng 27/8 (!)

Ở đây xuất hiện một câu hỏi rất chính đáng, rằng cô giáo Cao Thị Kiều Nhi đã phạm lỗi gì? Cô không được tố cáo kẻ bạo hành trên mạng xã hội, vì cô không phải “người phát ngôn” của trường mầm non chăng? Và khi cô đưa lên như vậy, thì ai sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi? Người cha dượng vũ phu kia thì rõ rồi, nhưng còn ai?

Trong khi đó, cô giáo Nhi xót xa chia sẻ, khi đưa hình ảnh cháu Thúy Hiền lên trang cá nhân trên mạng xã hội cô chỉ nghĩ thương học trò; cô lo sợ tình trạng này tiếp tục xảy ra và mong muốn mọi người góp tiếng nói lên án hành vi bạo hành trẻ em, bảo vệ bé gái học sinh của cô.

Một động cơ trong sáng như thế, một hành vi bình thường như thế, đã bị xử lý rất nhanh nhẹn. Còn kẻ bạo hành với trẻ nhỏ thì trong thực tế lại chưa hề hấn gì. Vậy công lý ở đâu? Lương tâm xã hội ở đâu?

Sự việc bề ngoài có vẻ nhỏ, rất nhỏ. Nhưng phía sau nó là cả một câu chuyện lớn. Câu chuyện của một lối tư duy cũ kỹ, áp đặt, lo sợ vu vơ cho cái gọi là “uy tín của đơn vị”. Câu chuyện của sự vô cảm trước nỗi đau con trẻ. Và câu chuyện của gáo nước lạnh dội lên một trái tim nhân ái.

MỚI - NÓNG