Gặp gỡ diva guitar châu Á

Gặp gỡ diva guitar châu Á
TP - Trong một chuyến lưu diễn ở Nepal, Lê Thu được báo chí gọi là diva guitar. Danh xưng này hợp lý với thời gian 17 năm khổ luyện và những thành tích quốc tế mà chị đạt được. PV gặp nữ trưởng khoa Guitar của Học viện Âm nhạc Dynamic (Ấn Độ) nhân dịp chị về nước biểu diễn.

> Diva Hồng Nhung múa váy như lên đồng
> Hồng Nhung 'bống' sẽ xuất hiện cùng The Voice

Lê Thu từng đoạt danh hiệu Nghệ sĩ Guitar xuất sắc nhất châu Á tại Liên hoan Guitar Quốc tế Calcutta- Ấn Độ tháng 11/2010. Sau đó đoạt hai giải Ba tại các cuộc thi guitar Quốc tế ở Thái Lan và Rumani vào giữa năm 2011.

Đã hai năm, chị mới có dịp trở lại Việt Nam biểu diễn cùng các đồng nghiệp Tuấn Khang, Hùng Phong tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội. Sau lần này, Lê Thu lại rong ruổi đến các festival guitar quốc tế ở Đức, Hà Lan, Séc để thi đấu, cọ xát. Trong đó cuộc ở Đức quy mô nhất nhì thế giới.

Có chuyến đi “lỗ”- tiền thưởng không đủ mua vé máy bay, cũng có chuyến “lãi” được cây đàn trị giá 5000EU. Cây đàn hơi quá khổ so với vóc dáng của nữ diva nên chị phải đến tận nhà tác giả- một nghệ nhân làm đàn ở Đức, để nhờ ông làm cho cây đàn tương tự nhưng bé hơn. Gần một năm rồi mà đàn vẫn chưa làm xong.

Mỗi chuyến đi với cây đàn, ngoài cái lãi được học hỏi, giao lưu để có thêm cơ hội được mời biểu diễn, Lê Thu còn phần nào giới thiệu được âm nhạc và con người Việt Nam. Cũng có khán giả lần đầu tiên nghe âm nhạc ngũ cung Việt Nam qua tiếng đàn Lê Thu. Sau buổi diễn, họ gặp chị bày tỏ sự thích thú và xin bản nhạc. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, chị được hâm mộ một phần vì hình ảnh phụ nữ chơi đàn guitar trong thế giới Hồi giáo là rất hiếm.

Phu quân người Ý của Lê Thu là đầu bếp quản lý 2 khách sạn quốc tế ở New Delhi nhưng ở nhà Thu vẫn là “bếp trưởng”. Từng ở Việt Nam 7 năm nên chồng Thu rất thích món Việt vợ nấu. Hai vợ chồng giao tiếp bằng tiếng Anh song Thu vẫn hay nói tiếng Việt với hai cô con gái. Vào dịp đặc biệt như Tết, Trung thu, chị tự tay làm những món ăn, đồ trang trí để giáo dục con về văn hóa Việt.

Những chuyến lưu diễn và thi thố nước ngoài là theo các mối quan hệ riêng của Thu. Còn riêng trong phạm vi Ấn Độ, chị có một ông bầu chuyên lo liệu móc sô, đưa đón... Việc sở hữu một ông bầu hàng đầu của Ấn giúp Thu nhiều trong phát triển sự nghiệp. Điều này chị không thể có nếu chơi guitar trong nước.

Nếu so sánh guitar Việt Nam với quốc tế, cụ thể là Ấn Độ thì công tác đào tạo, rồi tài năng của chúng ta không thua kém, nếu không nói là hơn. Bằng chứng là Lê Thu sang Ấn chưa đầy năm đã được mời làm trưởng khoa guitar một trường nhạc ở thủ đô. “Việt Nam mình có nhiều thầy giỏi, người học guitar nhiều, người yêu guitar cũng nhiều. Cái hạn chế là người học thường xuất thân gia đình bình thường. Nhà khá giả cho con học piano. Ai không có nhiều tiền thì học guitar vì cây đàn này rẻ hơn. Người ta quan niệm guitar là cây đàn chỉ ở mức nhàng nhàng. Từ đó người chơi guitar cũng ít khi được đãi ngộ xứng đáng. Đó là điều đáng buồn”. Thu nói. Theo chị, những cây đàn guitar tầm cỡ thế giới giá cũng phải đến 19.000EU.

Do đặc thù công việc, chồng Lê Thu cứ khoảng vài năm lại di chuyển đến một nước khác. Đó cũng là cơ hội để vợ con anh mở mang hội nhập, nhưng Lê Thu cho hay trong tương lai gần họ sẽ ổn định ở Việt Nam hoặc Ý để tập trung nuôi dạy con. Người như Lê Thu về nước biết đâu sẽ góp phần làm cho nghệ thuật guitar Việt Nam khởi sắc.

Lê Thu
Lê Thu.
 

Tốt nghiệp xuất sắc bộ môn Guitar Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2001, Lê Thu có thâm niên chục năm chơi trong ban nhạc flamenco của nhạc sĩ Lê Minh Sơn.

Năm 2009, Thu theo chồng sang Ấn Độ. Bảy tháng sau, chị được một học viện âm nhạc ở New Delhi mời làm trưởng Khoa Guitar. Lê Thu vừa ra mắt album riêng đầu tay mang tên Guitar Recital-

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG