“Gặp nhau nhé”: Các tài năng trẻ tái ngộ

"Trò mới" của Lương Trung (trái), "Hay là trôi mãi 4" của Nguyễn Xuân Hoàng (phải)
"Trò mới" của Lương Trung (trái), "Hay là trôi mãi 4" của Nguyễn Xuân Hoàng (phải)
TP - Triển lãm “Gặp nhau nhé” là cuộc hội ngộ của 7 trong số 8 họa sĩ đoạt giải Tài năng trẻ hội họa 2010 do Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch - Việt Nam (CDEF) tài trợ: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Hồng Phương, Phạm Tuấn Tú, Lê Trần Anh Tuấn, Lương Văn Trung, Đào Anh Việt. Bốn năm sau ngày vinh danh, cuộc hội ngộ này có gì bất ngờ và thú vị?

Nếu đã xem những tác phẩm đoạt giải thưởng Tài năng trẻ hội họa 2010 thì bước vào không gian triển lãm ”Gặp nhau nhé”, lược phần chú thích, không khó để gọi tên chính xác cha đẻ khi gặp những đứa con tinh thần. Không phải tất cả nhưng nhiều tranh trưng bày là sự phát triển nối dài các tác phẩm đoạt giải trước đó.

Quen mà không cũ

Nguyễn Hồng Phương tiếp tục biện giải tâm hồn mình trong cuộc thử nghiệm chữ viết nguệch ngoạc và chữ theo kiểu graffiti. “Những gì còn trong sổ nợ, Xin đừng nói nữa” làm giàu thêm series tranh tiêu đề “Những cái bảng” - chuỗi tác phẩm trước đó đưa anh đến giải thưởng được CDEF tài trợ. Đào sâu vào mảng tranh này, cái mới mẻ của Phương sau giải thưởng, như anh khẳng định là sự gia tăng yếu tố hài hước, tính giễu nhại trong tác phẩm.

Tại triển lãm, Nguyễn Xuân Hoàng vẫn nguyên bản trong phối màu, đối chọi sáng tối, những mô típ hình ảnh từ 4 năm trước. Diện mạo mới của anh là sự thuần nhất hội họa, thay vì kết hợp giữa hội họa và sắp đặt. Nói đúng hơn, các tác phẩm sắp đặt đã di chuyển vào trong tranh tạo thành một chỉnh thể. Cả 4 bức đều tên “Hay là trôi mãi”, phân định với nhau bởi con số 1, 2, 3, 4 đi kèm. Tính phân mảnh trong bố cục tranh mang đến cảm giác "2 trong 1": sắp đặt và hội họa cùng hiện diện trong bức tranh. Đây là chủ ý của họa sĩ. Nguyễn Xuân Hoàng cho biết sự thay đổi này là do anh muốn thu nhỏ các tác phẩm nhằm thuận tiện hơn trong bảo quản. Quan trọng là anh muốn thể nghiệm một hướng mới tổng quát hơn. 

Đến với “Gặp nhau nhé”, Phạm Tuấn Tú dù không còn trăn trở về xu hướng tính dục và nhận dạng bản giới của thế giới thứ ba nhưng khán giả vẫn nhận ra anh qua việc duy trì lối tạo hình cũ ở “Ngày vui của con”, “Quên nó đi”, “Giấy xác nhận bản thân”. Anh bật mí những điều mới lạ hơn được tập trung thể hiện trong triển lãm cá nhân vào tháng 10 sắp tới. Trong những bức tranh đoạt giải năm 2010, Đào Anh Việt đau đáu với thân phận cầu Long Biên trước biến thiên lịch sử, ở triển lãm này, khán giả gặp lại mạch suy tư về biểu tượng văn hóa cộng đồng qua hai tác phẩm “Cổng thành Sơn Tây 1”, “Cổng thành Sơn Tây 2”. 

Lương Trung, Lê Trần Anh Tuấn, Nguyễn Thế Hùng đều mang đến triển lãm những tác phẩm mới nhất (được sáng tác năm 2014). Độ lùi thời gian xa hơn so với các tác phẩm nêu trên là cơ hội cho những biến chuyển trong đề tài, chủ đề và hình thức thể hiện. Nếu 4 năm trước, Tuấn tái hiện chân dung thế hệ mới, ở triển lãm này những trạng thái vô thức của con người trở thành mối quan tâm được anh thể hiện trong “Mộng 1”, “Mộng 2”. Nguyễn Thế Hùng, thay vì những hình khối, mảng màu tạo cảm giác cắt dán của 4 năm trước, anh chọn phong cách pin up để thể hiện “Quý cô trong vườn”, “Chim bay”.

Đối thoại từ tác phẩm   

Các tác phẩm tại triển lãm đều phản chiếu cảm quan hiện thực của từng tác giả. Nó cũng đa sắc màu như sự muôn vẻ trong biểu đạt tác phẩm của các họa sĩ.

Nguyễn Thế Hùng kể về sự ra đời của “Quý cô trong vườn” và “Chim bay”. Anh tìm kiếm hình người mẫu ở các áp phích, tạp chí thời trang, internet. Trong tranh, họa sĩ kết hợp hình người mẫu với mô típ hoa văn cổ phổ biến ở kiến trúc cổ Việt Nam. Qua sự kết hợp này anh muốn phản ánh những điều đang xảy ra trong xã hội đương đại Việt Nam: "Đó là sự hòa nhập và xung đột liên tục giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại; đồng thời sự ảnh hưởng tương hỗ này cũng làm biến đổi những giá trị và thái độ cốt lõi. Quá trình này gợi lên những trăn trở về các giá trị văn hóa, xã hội, đạo đức và nghệ thuật, khiến tôi liên tục đặt câu hỏi về sự định hướng và cảm xúc của mình".

Lương Trung cho biết, anh đang sống tại một khu chung cư giãn dân. Sự phân cấp trong sinh hoạt, ứng xử ở khu tái định cư tạo cảm hứng nghệ thuật cho anh. Với tác phẩm “Trò mới” tham gia triển lãm, anh cho biết: "Tôi thể hiện các nhân vật với những nét châm biếm đặc trưng, hóm hỉnh hài hước đến lố bịch để cá nhân hóa một cuộc sống điển hình của bất kì người Việt Nam nào trong xã hội hiện tại".

Tác phẩm của Nguyễn Hồng Phương ra đời từ nỗi ám ảnh các hóa đơn, chứng từ mà anh trải nghiệm. Tranh của anh kéo người xem về thế giới hiện sinh trần trụi, nơi vô vàn áp lực sống bủa vây con người. Ở đó, qua tranh mình, anh phơi bày não trạng của một xã hội vật chất.

Trong một kết cấu động, cảm tưởng không gian tranh của Nguyễn Xuân Hoàng sóng sánh nước và mọi thứ đang trôi bất định trong dòng chảy ấy. Họa sĩ tâm sự từ triển lãm sắp đặt tranh 2010 đến triển lãm “Gặp nhau nhé”, chỉ có sự thay đổi về không gian tác phẩm, còn bản chất vẫn là cảm giác về một hiện thực trôi. Trong suy nghĩ của anh, cuộc sống và mọi thứ không bao giờ dừng lại mà đều lướt qua chúng ta. Vẽ tranh là cách anh nắm bắt những khoảng khắc hiện thực đang trôi. Và anh muốn khán giả xem tranh mình sẽ nán lại để chiêm nghiệm về tính bất định của cuộc đời. 

Triển lãm “Gặp nhau nhé” diễn ra từ 31/8 đến 30/9 tại Cuci Fine Art, 22A Hai Bà Trưng, trưng bày 15 tác phẩm của 7 họa sĩ lọt vào vòng chung khảo Tài năng trẻ hội họa 2010. Các tác phẩm được đưa đến Cuci Fine Art chưa từng được trưng bày ở đâu hoặc mới sáng tác.

MỚI - NÓNG