Ghi chép về Xuân Diệu (Phần II)

Ghi chép về Xuân Diệu (Phần II)
Sinh thời Xuân Diệu hay đi nói chuyện thơ. Nhờ trò chuyện trực tiếp với độc giả, anh có những mối thân tình đặc biệt với họ.

Giá trị ngang một đoàn chèo

Anh khoe hồi bài thơ Ngói mới mới đăng báo, quãng đầu những năm 60, anh mang nó đi nói chuyện thơ. Một bữa anh đang xếp hàng ngoài chợ mua thực phẩm thì một bà đứng trước lui lại nhường chỗ, tươi cười:

- Mời ông ngói mới mua trước, rau mới, ngói mới.

Sau ngày giải phóng miền Nam, về thăm Quy Nhơn, nhà thơ được ông bán nước mía bên đường nhất định không chịu lấy tiền vì biết anh là Xuân Diệu, vì đã được nghe anh nói chuyện.

Tôi cũng đã nhiều lần nghe anh nói, khi ở trường cấp III Chu Văn An, khi ở thư viện, nhà văn hoá...Tôi cũng đã nghe Hoài Thanh, Trần Văn Giàu, Việt Phương ...Mỗi người một cách lôi cuốn. Xuân Diệu có nhiều sáng kiến tạo giao lưu với người nghe. Những hưởng ứng từ tâm lý người nghe làm anh phấn chấn, nói hay lên nhiều. Khi không nhận được những phản hồi hào hứng ấy, anh đứng thừ người, tắt gió trên sân khấu, rồi đột ngột kêu gọi: Thơ hay thế, bà con phải vỗ tay đi. Có vỗ tay thì thằng Xuân Diệu nó mới biết mà hầu chuyện bà con chứ. Chao ơi chúng ta là những người thưởng hoa không điếc mũi, khi nào thấy hương thì bà con phải    khích lệ chứ. Bà con nghe vậy thì vỗ tay ngay. Sau đó cứ mỗi lần nhà thơ cúi chào khi đọc xong bài thơ bà con lại vỗ tay.

Khi đã quen thân Xuân Diệu, có lần tôi đánh bạo hỏi:

- Em thấy khi anh bước ra bục nói chuyện , anh hay bắt ban tổ chức kê dẹp, khi thì đổi chỗ cái quạt, khi thì thay vị trí ngọn đèn. Nó ở bên phải   thì anh đòi chuyển sang trái, mà nếu nó đã ở trái thì anh lại đòi đưa sang phải.

- A, chú cũng tinh ý nhỉ. Mẹo của anh đấy, anh muốn gây chú ý cho người nghe. Thấy di chuyển thế, người nghe mới để ý: không biết nó định diễn trò gì thế này. Thế là họ tập trung theo dõi, anh mới bước ra.

Thấy Xuân Diệu cười khà khà đắc ý, tôi liều hỏi thêm:

- Em còn nghe người ta nói anh hay hỏi ban tổ chức định cho ăn gì, rồi anh ra thực đơn cho họ.

- Em hỏi thế là em rất thật thà thì anh cũng trả lời thật thà với em. Anh luôn luôn duy trì chế độ ăn cho đủ chất để làm việc. Hôm nọ viết không  được, anh ra chợ hàng Bè mua ba lạng thịt chó về. Ăn xong, lại viết        được , thì ra không phải mình bí thơ mà bí protit. Lương anh, có phải nuôi ai nữa đâu, lại còn nhuận bút, anh chỉ chia cho các bữa ăn. Đi đâu anh cũng phải duy trì, ít nhất, như ở nhà. Anh phải hỏi chứ, họ không có tiền thì anh đưa cho họ. Đi nói chuyện thơ nhưng đừng để mình tổn thọ.

Nghe anh Diệu nói hôm ấy, không hiểu sao tôi rất thương anh. Anh sống độc thân, tự lo cho mình lúc ốm đau. Anh rất sợ ốm. Ốm là cô đơn lắm.   Sáng nào anh cũng chạy bộ lên bể bơi Ba Đình, tập bơi rồi đi bộ về. Anh coi sự ăn như việc nạp năng lượng cho cơ thể, sao cho đủ chất. Ngon hay không ngon là việc phụ. Không biết ai khuyên mà anh tin rằng trứng sống thì bổ hơn trứng chín, ngày nào anh cũng hút trứng sống. Nói chuyện thơ xong lại hút trứng, anh bảo: nó bổ phổi. Anh rất chịu uống thuốc. Thuốc viên, thuốc ống lủng củng gói theo các cuộc đi bình thơ.

Anh vui sướng kể lại có đêm đi bình thơ ở vùng trung du, từ trên đồi nhìn xuống thấy người nghe thơ ra về, đuốc cầm tay, vẽ thành hình con rồng lửa  trườn đi trong bóng đêm. Lúc ấy thấy mình giá trị ngang một đoàn  chèo. Bà con đi xem chèo cũng chỉ đông vui đến thế.

Đi bình thơ, nói trên đài, đăng báo... là sự sống của Xuân Diệu. Anh rất sợ câu nói của bất cứ ai: dạo này ít thấy giọng anh trên đài! Nghe mà tưởng như mình chết rồi. Có lẽ nghĩ thế nên Xuân Diệu không từ chối một “com măng” nào. Anh còn khuyên người ta nên gọi điện giục bài luôn thì anh mới có sức viết. Không giục, nghĩ là họ không cần lắm, thế là ngại viết ngay. Trường học bên Bắc Ninh mời đi nói bằng đèo xe đạp. Cũng đi! Có vùng lầy thụt, nhà thơ phải ngồi trên tấm ván, để họ kéo đi. Cũng đến! Xuân Diệu và cả Hoài Thanh, theo chỗ tôi biết, cả hai ông     đều coi việc trực tiếp nói chuyện thơ với công chúng là hạnh phúc.

Sau ngày Xuân Diệu tạ thế, một lần ngồi trên ghế đá hồ Thiền Quang,    nhà thơ Chế Lan Viên, mới từ thành phố Hồ Chí Minh ra ngậm ngùi:

-Lẽ ra lúc cuối đời anh Diệu không nên đi nói chuyện thơ nhiều, mà nên   viết. Tập hồi ký anh ấy định đã lâu mà không viết kịp, bây giờ không ai    làm thay được. Nói chuyện thơ thì biết thế nào là đủ. Anh ấy cũng nên có một tập thi thoại, anh Diệu có nhiều suy nghĩ về thơ tản mát trong các bài, kể cả khi nói, nhưng chính anh ấy phải gói nó lại. Phí quá!

Chấp nhận

Mỗi lần tôi đến thăm, anh Xuân Diệu hay đưa tôi đọc những bài thơ chưa đăng. Lần ấy  tôi đọc một bài có tên là Chấp nhận. Bài thơ có 5 đoạn, 20 câu, xin trích ra đây 3 đoạn:

Tôi đợi cái này đã từ lâu

Dẫu khi nó đến có hơi mau

Đã không tránh được thì tôi tiếp

Một cách đau thương nhưng ngẩng đầu

Nào có thích gì đi mãi mãi

Vào trong cái cõi chẳng mô tê

Một khi cập bến vào vô tận

Thì đến vô biên chẳng trở về

(...)

Hãy để cho tôi được giã từ

Vẫy chào cõi thực để vào hư

Trong hơi thở chót dâng trời đất

Cũng vẫn si tình đến ngất ngư

Thấy tôi đọc xong, ngồi im lặng, xa vắng. Anh Xuân Diệu bước tới gấp cuốn sổ lại:

-Thôi không đọc bài này nữa, viết xong mình cũng thấy ghê ghê. Khi nào mình chết thì các cậu hãy đăng. Nói xong anh ngồi thừ trên chiếc ghế      trúc. Bỗng anh ngả đầu ra phía sau, thở dài, vuốt mái tóc bềnh bồng:

-Nhiều lúc mình thấy mình cũng ê chề. Viết thêm một bài hay không thì Xuân Diệu vẫn là Xuân Diệu, nhưng rồi người ta đặt mình vẫn cứ viết.   Viết, đạp xe đến Đài đọc thì cũng chỉ thêm được ba lạng thịt lợn nạc chứ bao nhiêu (Nhuận bút quy ra thịt!).

Tôi lặng nghe, không nói, hai chữ ê chề nghe lạ tai quá. Nhưng tôi biết Xuân Diệu đang nghĩ đến thân phận làm người của mình. Tôi kính trọng những giây phút ấy của bất cứ ai. Những giây phút làm lòng người trong lại. Xuân Diệu bỗng ngồi thẳng lên, anh nhìn tôi và bảo:

-Em hãy đọc anh như anh đọc Nguyễn Khuyến. Cứ coi như anh chết rồi mà đọc. Rồi anh nói như khẩn khoản: Đọc kỹ cho anh. Anh làm thơ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà cũng dở như Huy Cận, như Chế Lan Viên, nhưng anh còn có đặc sản là thơ tình. Làm thơ như thả cánh hoa hồng vào mặt biển thời gian. Mong manh lắm! Biết thế nào? Nổi được bao lâu thì tan tác, thì chìm.

Anh xách ra một cái túi vải to, nói: Tất cả bản thảo anh bỏ cả vào đây, Phương đến xem dần.

Tôi lấy ra một cuốn vở cũ. Trường ca Mỵ Châu Trọng Thủy, hồi đó trường ca này chưa đăng. Xuân Diệu chỉ mới trích mấy câu giới thiệu trong một bài tiểu luận. Tôi mê mải đọc. Có cả những câu chữa đè lên. Thấy hay nhưng tôi không dám mượn về. Nó là bản duy nhất. Tôi thích,  hơi cảm xúc của trường ca rất liền mạch. Tôi giục:

- Anh nên đưa đăng trường ca này đi.

Xuân Diệu:

- Chưa đăng được. Bây giờ đang kháng chiến, trường ca này lại chống chiến  tranh, dù là chiến tranh phong kiến, Bây giờ cần rõ rệt bạn thù, trường ca này thương cả Mỵ Châu lẫn Trọng Thủy. Nhưng đây là vấn đề muôn thuở của con người, sẽ có lúc đăng. Trời mà bắt chết thời thôi/ Nếu còn sống tôi sẽ no xôi chán chè. Lúc đó sẽ in lại cả Thơ thơ cả Gửi hương cho gió...Tôi tin lắm, rồi em xem.

Xuân Diệu đau thắt ngực, phải đưa vào bệnh viện Hữu nghị cấp cứu. Cơn co thắt mạch vành đầu tiên. Người ta giữ lại điều trị. Tôi vào thăm anh. Anh trầm ngâm nói, giọng rất buồn: Thế là nó đã đến gõ vào tim     mình rồi. Nói thế rồi anh im lặng như nghiền ngẫm lại câu nói của mình.  Nó đấy là cái chết. Tôi hiểu thế và cũng chỉ biết lặng im chia sẻ. Bất ngờ anh cười: Kỳ này về, anh sẽ mang cái bệnh tim này đi đấu tranh in sách. Tôi bị tim rồi, ông không in cho tôi, đợi tôi chết à. Anh sẽ đòi tái bản Phấn thông vàng, Thơ thơ...Giọng nói anh hồn nhiên trở lại, đúng giọng Xuân Diệu của thường ngày. Tôi vui vì thấy anh đã trở lại công việc, nhưng cũng thoáng một chút gì tội nghiệp cho thân phận người văn chương. Lấy cái bất hạnh của tật bệnh hiểm nghèo làm vũ khí để đấu tranh! Đến như Xuân Diệu mà còn thế...

Từ khi có quốc sách Đổi Mới, thơ Xuân Diệu tồn kho đã được đem in tất cả và các cuốn đã xuất bản thì được tái bản, nhiều lần, ở nhiều nhà xuất bản.. Đúng như Xuân Diệu dự đoán no xôi chán chè, nhưng buồn quá, anh không được chứng kiến, không được hưởng thành quả lao động của chính mình..

Anh tạ thế ngày 18 tháng 12 năm 1985

MỚI - NÓNG