Già A Lưu và 500 băng cát - xét

Già A Lưu và 500 băng cát - xét
TP - Cầm tấm bằng công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian, do Hội văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng mới đây, già A Lưu - làng Kon Klo 2, xã Đăk Rơ Wa, thị xã Kon Tum vẫn chưa hết ngỡ ngàng, ông vui sướng và tự hào lắm!...

Nghệ nhân biết hát kể sử thi ở Tây Nguyên bây giờ nhiều như “lá mùa thu”, họ đều ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, gần đất-xa trời!

Trong ngày trọng đại mà UBND tỉnh Kon Tum cùng Hội văn nghệ dân gian Việt Nam trao bằng công nhận nghệ nhân, chỉ có 3 người đại diện cho hai dân tộc lớn ở Kon Tum là Xê-Đăng và Ba Na có mặt.

Hiện đã có 2 tác phẩm sử thi của nghệ nhân A Lưu được biên dịch, in ấn đẹp và đồ sộ trong năm 2005 bằng song ngữ (Việt-Ba Na).

Trong tác phẩm “Giông-Giỡ mồ côi từ nhỏ” và “Giông làm nhà mồ”, bộ sử thi đồ sộ được nghệ nhân A Lưu hát kể có độ dài trên 500 băng cát-xét.

Toàn bộ tác phẩm kể về vợ chồng ông Sét và bà Bia Sin, ông bà sinh hạ được hai người con Đăm Giông và Đăm Giỡ. Gia đình họ ở về phía hạ nguồn, cuộc tìm đường về quê cũ của vợ chồng ông và hai đứa con đầy gian khổ.

Họ đi suốt hàng tháng trời trong núi rừng sâu thẳm, núi liền núi-sông liền sông và những cánh rừng già. Bỗng một hôm, hai vợ chồng ông gặp 2 con sư tử dữ tợn (đại diện cho cái ác, cái xấu) to bằng hai trái núi, xông ra xé xác hai ông bà, để lại trên cõi đời Đăm Giông và Đăm Giỡ.

Xuyên suốt tác phẩm, Đăm Giông là một chàng trai thông minh, sẵn sàng hy sinh cho lẽ phải và chiến đấu đến cùng với cái ác, cái vô nhân đạo để bảo vệ lẽ công bằng và cái thiện. Giông luôn bênh vực kẻ yếu, rất tài chịu đựng, gặp cái tà ác thì kiên quyết loại bỏ, một con người thể hiện tính cách rất dũng mãnh, nhưng cũng rất từ tốn, hiền lành.

Không ít kẻ khi thấy mọi người nể phục Giông thì tỏ ra ghen tỵ, đố kỵ tìm mọi cách hãm hại Giông, nhưng Giông là người thông minh hơn người, tìm được mọi cách phù hợp để đối phó và cuối cùng đều giành chiến thắng…

Những ngày tuổi thơ, nghệ nhân A Lưu nằm trên lưng mẹ, được bà mẹ Y Ngao địu sau lưng suốt ngày kể cả khi lên rẫy. Để dỗ con, bà thường hát sử thi cho A Lưu nghe, chú bé nghe rồi ngủ thiếp đi khi nào không biết. Mười tuổi đầu, A Lưu có dịp trổ tài cho người dân trong buôn làng nghe, hát sử thi cả đêm dài mà không hề lẫn lộn, đến khi con gà gáy sáng vẫn chưa thôi. Tụi thanh niên thích nghe lắm!

Mỗi lần trai làng ra nhà rông ngủ cứ yêu cầu A Lưu hát sử thi để nghe, A Lưu đáp ứng liền không từ chối bữa nào. Người Ba Na trong vùng, mỗi khi có người thân qua đời lại tìm đến A Lưu, mời ông về nhà hát sử thi suốt đêm. Theo nghệ nhân A Lưu, khi nghe sử thi thì người về với Yàng (trời) đỡ buồn tủi…

Bộ sử thi của ông đã có dịp được đi trình diễn tại Liên hoan dân ca-dân vũ các tỉnh Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột, ông được Đài truyền hình VN tặng Bằng khen, Viện Khoa học Xã hội tặng Bằng khen bởi có thành tích sưu tầm, hát kể, truyền dạy sử thi.

Ông chỉ lên mái nhà nói với tôi: “Mình xây nhà này cũng từ tiền hát sử thi để thâu băng đấy! Ti vi, âm ly, bàn ghế, salông, tủ… cũng từ sử thi mà có. Nhưng vui hơn là bà YPưi vợ mình đây, cũng vì mê mình hát sử thi, rồi quyết tâm “bắt” mình làm chồng!”.

MỚI - NÓNG