Giải Cánh Diều 2013: Bốn ngày, gần chục phim thảm họa

Một số phim xứng đáng liệt vào loại thảm họa của Cánh diều năm nay
Một số phim xứng đáng liệt vào loại thảm họa của Cánh diều năm nay
TP - Phim dự giải của Hội Điện ảnh năm nay không khác các năm trước là mấy, khi phim nhảm, thảm họa vẫn chiếm ưu thế.

Không hài nhảm thì lảm nhảm

Mười ba phim truyện điện ảnh được chiếu liên tiếp 4 ngày cho BGK phim truyện và BGK báo chí. BTC khéo sắp xếp, khi 7 phim của hai ngày đầu tiên không tìm ra nổi một phim chuyên nghiệp, cho ra dáng giải thưởng của hội nghề nghiệp. Những Gác kiếm, Tía ơi, Hiệp sĩ guốc vông, Săn đàn ông và một số phim khác đúng ra không xứng gọi là phim điện ảnh.

Xem xong Tía ơi, có giám khảo than: Tía ơi! Gọi là phim truyền hình cũng hơi quá, là kịch truyền thanh có hình thì hợp hơn. Có đồng nghiệp rỉ tai, nghi rằng đây là vở cải lương chuyển thể. Quả tình đạo diễn cải lương mà.

Săn đàn ông có một cô gái nói giọng Huế điệu một cách thái quá. Một số người đùa: “Chắc muốn trêu Nguyễn Vinh Sơn” (đạo diễn người Huế, trưởng BGK). Ba cô gái xấp xỉ 30 đang muốn tìm người trong mộng: Một cô đanh đá, một nàng giáo viên điệu đà sến sẩm, một cô gái có vẻ bình thường hơn, nhưng thi thoảng nhảy ra giữa màn ảnh đóng vai người dẫn chuyện, giải thích thay khán giả. Căn bệnh này không riêng ở phim này. Giám khảo- diễn viên Nguyễn Mạnh Cường đứng dậy sau suất chiếu bảo, ngoài đời mà có ba cô này thì chết.

Lễ trao giải Cánh Diều 2013 diễn ra tối 15/3, tại Cung Văn hóa Hữu nghị, được ghi hình và phát sóng tối tiếp theo trên VTV.

Chục phim, mỗi cái dở một kiểu. Không hài nhảm thì là phim lảm nhảm. Sau ánh hào quang là dạng phim tâm lý, xem xong có cảm giác là một chuỗi hình ảnh ghép lại với nhau. Một cô người mẫu bị lừa dối, phụ tình định tự tử, gặp bà họa sĩ già cản kịp và cho đứng tên cả sản nghiệp tranh để trả thù thầy giáo vốn là người tình cũ. Cô gái nhu mì bỗng trở thành họa sĩ Việt kiều nổi tiếng, bắt đầu tin rằng mình giỏi giang, giàu có. Sau khi cố sống cố chết kết hôn với bố vợ người tình cũ, kết phim lại chấp nhận chết một cách lãng nhách.

Phim Việt đầy rẫy điều phi lí, nhưng đến mức này thì quá lắm. Là tay ngang được mời đóng phim, cô nàng bỗng nổi danh đến mức đạo diễn phải quỵ lụy, đồng ý cho sửa kịch bản. Chả hiểu sửa kịch bản thế nào mà còn thay được đạo cụ, súng giả thành súng thật, cái chết bắt chước phim Thiên nga đen. Bà họa sĩ từ đầu đến gần cuối chỉ một lòng hận thù, tự dưng có một cảnh ngồi khóc thương, ăn năn vì không muốn hại cô gái.

Sự thật là điện ảnh Việt Nam thiếu người hùng, phải chăng vì thế mà có Hiệp sĩ guốc vông? Giữa Sài Gòn có chàng vận bộ đồ trắng, đi guốc vông, đội nón lá ra tay hành hiệp. Nhưng không giống người hùng ẩn danh ở Hollywood, hiệp sĩ này có một tay nhiếp ảnh “chuyên săn ảnh cho các hiện tượng xã hội” bám theo. Chàng cũng không có gì siêu năng lượng, chỉ là giỏi võ, sẵn sàng thu nạp cả tá đệ tử, luyện võ tại căn nhà hoang ven sông. Sau thầy trò đóng vai trò chủ chốt trong vụ triệt phá đường dây buôn thuốc lắc lớn nhất Việt Nam. Không hiểu sao cứ phim Việt thì xã hội đen, ông trùm lại phải ngô nghê, thu nạp toàn phần tử dở dở ương ương, võ nghệ chẳng có gì cao cường.

Nhiều nhà báo cứ ao ước, điện ảnh Việt có giải kiểu như Mâm xôi vàng. Nếu có thì chọn giải này dễ hơn nhiều so với việc tôn vinh một phim của năm. Gác kiếm cũng là phim xứng đáng đội giải ngược. Dạng phim lồng trong phim, về cô gái tìm lại mẹ sau nhiều năm bị lạc, thì mẹ ruột và cha nuôi thực tế lại là trùm hai băng đảng đối đầu để giành giật địa bàn.

Ê kíp Gác kiếm có ý thanh minh, do kiểm duyệt nên nhiều cảnh đánh đấm phải sửa, quay lại rất nhiều. Cho nên để ra rạp được (mà ra rạp được cũng tài làm sao), đạo diễn phải cài cắm yếu tố cảnh sát hình sự vào. Hai băng đảng đánh nhau, cảnh sát chỉ xuất hiện khi sự việc đã xong. Trước lúc kết phim, đạo diễn cho một nhân vật không rõ lai lịch, trèo núi để gặp ông trùm ngày xưa, nay quy y cửa Phật. Đại ý chỉ để phỏng vấn cảm nghĩ về “quãng thời gian thầy hoạt động trong giới giang hồ, và thời gian trong trại cải tạo”.

Phim Việt mà ngỡ Hollywood

Trong số 11 phim thị trường, đạo diễn Việt kiều chiếm phần lớn. Phim của họ, dẫu diễn viên Việt đàng hoàng thì khán giả vẫn cứ ngỡ đang xem phim Mỹ. Tèo em của Charlie Nguyễn thuộc dòng phim hài hành trình. Phim kể về ông anh vội về quê người yêu cầu hôn, vướng vào ông em tưng tưng, và cặp đôi này đi với nhau để tạo nên một chuỗi hành động, tình huống hài.

Không khó nhận ra, típ truyện Tèo em rất giống Rain man (Dustin Hoffman và Tom Cruise thủ diễn), Due date (có Người sắt Robert Downey Jr.), nhưng so sánh chất lượng thì thật khập khiễng. Nhà sản xuất công bố doanh thu khủng 80 tỷ đồng. Hiện cặp đạo diễn-diễn viên chính này đang ở độ hái ra tiền của dòng phim thương mại.

Nhiều người trong giới chuyên môn than, đạo diễn Việt kiều dù tay nghề chuyên nghiệp, nhưng hay mang chuyện Mỹ về Việt Nam. Nhiều tình huống phim không phù hợp với văn hóa Á Đông. Cô dâu đại chiến 2 của Victor Vũ cũng là một dạng như thế. Ở phần này, ba cô gái bị phụ tình thành lập hội quả phụ áo đen, ra tay xử đẹp những kẻ lăng nhăng, cuối cùng lại rơi vào bẫy tình của chính người đàn ông định trả thù.

Màu sắc Mỹ đậm nhất ở Âm mưu giày gót nhọn của đạo diễn Hàm Trần. Không kể một phần tư quay ở New York, câu chuyện phim hài lãng mạn đúng chất Mỹ. Một nhà thiết kế thời trang vô tình thấy đôi giày đỏ trong phòng chồng sắp cưới, nghi ngờ hôn phu ngoại tình, bất chấp ông sếp hắc xì dầu tức tốc bay về Việt Nam.

Chỉ trong 6 ngày, nhờ người quen làm nghề trang điểm mà vịt bầu biến thành thiên nga, chen chân được vào giới người mẫu. Chắc khó có khóa đào tạo người mẫu nào cấp tốc, thành công như phim này. Sau 2 ngày, nhà thiết kế điềm nhiên xuất hiện trong các sự kiện thời trang.

Hơn 20 phim Việt ra lò năm qua, hầu như bộ mặt điện ảnh nước nhà nằm hết trong danh sách đề cử Cánh diều vàng. Dù có lạc quan đến mấy, phải thừa nhận một mùa giải nữa khó thành công. Một giám khảo sau giờ giải lao có nói, năm nay chắc khó chọn Cánh diều vàng. Không xứng thì cũng chẳng nên cố chọn làm gì. Thần tượng chẳng hạn, dù được khen là chỉn chu nhất trong số này, nhưng không đến mức được tôn vinh ở mức cao nhất. Một bộ phim nhẹ nhàng cho tuổi teen, nếu được bằng khen cũng đáng khích lệ lắm rồi.

MỚI - NÓNG