Giải thưởng văn chương: Khói hỏa mù hay chất xúc tác?

Giải thưởng văn chương: Khói hỏa mù hay chất xúc tác?
Hiện nay, bên cạnh những Tổ chức quốc tế, Quốc gia, cơ quan, đoàn thể, cả cá nhân cũng có thể treo giải thưởng văn chương. Vậy giải thưởng thực sự là khói hoả mù hay chất xúc tác?

Có giải thưởng lừng danh mặc dầu phần thưởng chỉ mang tính chất tượng trưng (như giải Goncour ở Pháp - chỉ một bữa tiệc nhẹ nhàng, hoặc giải Andrei Belưi ở Nga, phần thưởng gồm những 3 thứ: một đồng rup, một chai vodka với... một quả táo!), và có giải thưởng rất lắm tiền song không phải lúc nào cũng đủ sức thuyết phục (như một số trường hợp giải Nobel)...

Nhiều câu hỏi được đặt ra về giải thưởng văn chương, và hầu hết những người sáng tác, những người thưởng thức văn chương đều hết sức quan tâm. Xin trích giới thiệu 4 câu hỏi lý thú của Báo Văn (Nga) và những câu trả lời nhận được .

1- Giải thưởng là chất xúc tác hay là khói hoả mù đối với tiến trình văn học?

2- Trong các giải thưởng, thứ gì quan trọng hơn: tiền của hay danh tiếng?

3- Giải thưởng Quốc gia có phản ánh mối quan tâm tầm cỡ nhà nước của chính quyền Nga đối với văn học-nghệ thuật hay không?

4- Ai trong số nhà văn Nga xứng đáng được tặng giải Nobel?

Và đây là câu trả lời của những nhà sáng tác, nhà lý luận phê bình văn học thuộc những thế hệ, những khuynh hướng khác nhau...

Lev Annhinsky (Nhà lý luận-phê bình văn học):

1- Thường là chất xúc tác (“thường là” không có nghĩa “luôn luôn”)

2- Uy tín quan trọng hơn. Tiền của là thứ có ích đấy, nhưng không tin cậy. Đến khi tiền hết thì phải nhẫn nhịn thôi. Nếu như trao cho tôi một rup của giải Andrei Belưi, tôi xin nhận với niềm kiêu hãnh. Vodka thì tôi không màng đến, còn quả táo - thì tôi đưa cho con rắn, nó biết sẽ phải làm gì với quả táo đó.

3- Không. Chính quyền hiện ít quan tâm đến văn học-nghệ thuật. Khi nào họ nhúng tay vào, chúng ta còn chết chìm đi nữa.

4- Tôi vẫn cứ nghĩ theo các chuẩn mực của thời Xô viết. Trong số các nhà văn Estonia có Jaan Kross. Trong số nhà văn Nga ư? Vẫn chưa thấy ai.

Victor Kullae (nhà thơ, nhà lý luận-phê bình văn học):

1- Cả xúc tác lẫn hoả mù. Người ta bắt giải thưởng làm những chức năng nào ấy, nên khó có thể gọi một cách nghiêm chỉnh là chúng thúc đẩy tiến trình văn học. Đáng tiếc, phần lớn lý do trao giải thưởng đều dẫn tới một cuộc đấu tranh lắt léo vô cùng.

Việc tặng giải thưởng bao giờ cũng là một sự nắn dây thần kinh. Không phải nắn dây thần kinh trong lĩnh vực chất lượng và ý nghĩa của văn bản được tặng thưởng - việc này lập tức đụng chạm vào tầm ảnh hưởng của những phe nhóm khác nhau (nếu như không muốn nói là chen lấn lẫn nhau).

Dẫu sao cũng lấy làm vui khi giải thưởng trao tặng trúng người trúng việc. Cái đó giúp cho nhà văn đứng đắn có được cơ hội tạm tách khỏi chuyện miếng cơm manh áo thường ngày.

2- Uy tín, tôi hy vọng thế, uy tín quan trọng hơn chứ, mặc dù như người ta nói “có thực mới vực được đạo”.

3- Không. Giải thưởng Quốc gia chỉ phản ánh mối quan tâm của những lớp người đang lần lượt thay nhau cầm trịch làng văn.

4- Sàn sàn như nhau cả. Hiện chưa thấy ai nổi trội.

Igor Chaitanov (Nhà lý luận-phê bình văn học, Chủ tịch Ban Tổ chức giải “Buker Nga mở rộng”):

1- Xúc tác nhiều hơn là hoả mù, nhưng thực ra, độ chênh lệch cực kỳ hạn chế. Giải thưởng tồn tại không phải để thay thế, mà là phụng sự văn chương. Đó là một cơ chế khuyến khích và tiến cử mặt hàng văn chương trong điều kiện kinh tế thị trường. Nói theo cách thô thiển thì giải thưởng là thuốc thử để làm hiện lên hoặc khẳng định rõ chất lượng của mặt hàng. Muốn thế trước hết phải mở chiến dịch quảng cáo, cũng giống bất kỳ một quảng cáo

thương mại nào, có thể là thông tin về một thứ hàng chất lượng cao, có thể là làm bao bì mẫu mã bắt mắt. Điều này còn tuỳ thuộc vào mục đích và ý nghĩa của từng giải thưởng.

2- Đôi khi tiền quan trọng hơn, đôi khi uy tín quan trọng hơn, hoặc là cả cái nọ lẫn cái kia đều quan trọng. Song le, rất tiếc là ở Nga, giải thưởng vẫn chưa là tác nhân có thể gây ảnh hưởng đến thị trường sách.

3- Giải thưởng Quốc gia ít ra cũng giữ được vẻ trịnh trọng bệ vệ của mình. Người được tặng giải thưởng đó có khi xứng đáng nhận nó từ lâu rồi nhưng chưa gặp dịp, có khi vì đó là người đã có thâm niên trong môi trường văn chương, có khi vì sự chặt chẽ trong các mối quan hệ. Cũng thấy những trường hợp hoàn toàn ngoại lệ, chỉ có thể lý giải bằng những cú điện thoại ngoại giao thường trực, ngụ ý nhắc nhở (kiểu “có năng đi lại, mẹ thầy năng thương...”), chứ chẳng có gì phản ánh “mối quan tâm tầm cỡ quốc gia”.

4- Than ôi, tôi sợ rằng trong thời gian gần đây, ông Nobel chẳng còn doạ nổi nhà văn Nga nào nữa. Những tiến cử trong thời gian gần đây chỉ mang tính chiếu lệ mà thôi.

Lev Pirogov (Nhà lý luận phê bình văn học):

1- Sự so đọ các chuẩn mực thẩm mỹ chỉ có ý nghĩa trong trường hợp chúng được là cấu thành của “tấm bản đồ thế giới”. Văn học chỉ thể hiện phản ứng trước những rung chấn có giá trị nhất định, có cường độ nhất định. Thực tế đời sống văn học trong vòng mươi, mười lăm năm lại đây không thấy có một cuộc đấu tranh đúng mức nào. Sau khi công bố kết quả xét giải, chỉ thấy “bên thắng” lo rượu champagne và thịt nướng, “bên thua” phản ứng về sự bất công, thiên vị hôm qua. Chẳng ai, chẳng bên nào chịu nghĩ xem mình cần làm gì cho bước tiếp theo (lần xét giải sau).

2- Xét trên lý tưởng, thì uy tín quan trọng hơn, song, một khi giải thưởng là một cách để tự ve vuốt bản thân thì, thiết nghĩ, tiền của quan trọng hơn, bởi vì tiền cũng là một thứ thực thể nào đó, một thứ thước đo nào đó chứ.

3- Mối quan tâm của đất nước ư - không đâu. Nhưng đám con buôn thì có đấy.

4- Cho ai mà chẳng được. Giải Nobel ấy à - thôi, quên đi cho rồi.

Andrei Yakhontov (nhà văn):

1-Văn chương và giải thưởng là hai tiến trình ở những bình diện khác nhau. Tôi không hình dung nổi nếu “Nghệ nhân...” của Bulgacov, hoặc Andrei Platonov lại bị gắn một vòng hào quang giải thưởng nào đó. Phần thưởng cho nhà văn - đó là chiếc áo lụa là. Sự tưởng thưởng của nhà văn ở chỗ anh ta được đơn chiếc, tĩnh tâm và chưa được mọi người công nhận. Nếu muốn biết giá cả của bản thảo mình viết nơi “hội chợ phù hoa” thì hãy nên biết xót ruột nhớ về nỗi hăm hở thời tuổi trẻ. Nói chung, giải thưởng phải tặng cho người còn trẻ, được thẩm định bởi những bậc thầy đáng kính và bởi công chúng vốn rất khó tính đối với tuổi trẻ. Những nhà văn đã đạt độ chín thì khỏi cần tặng thưởng làm gì. Đã đến độ chín, người ta ít khi bị đánh lừa lắm.

2- Người có tiền thì cần uy tín hơn. Người có danh tiếng rồi thì lại cần tiền hơn.

3- Để trả lời câu hỏi này, cần hiểu những mối quan tâm tầm cỡ quốc gia là như thế nào.

4- Strugatskie.

Sergei Shagunov (Nhà văn được giải thưởng Sáng tác trẻ):

1- Nhân loại không thể lẩn trốn tấn trò đời. Sự khiên cưỡng giả tạo nảy sinh ngay từ lúc con người biết nghĩ, lúc gió, tuyết, cảm xúc và nhận thức biến thành những con chữ, những văn bản. Cái đó còn khắc nghiệt hơn là những cố gắng nhằm tìm ra định nghĩa “thế nào là nhà văn viết hay nhất”. Làm gì có một tiến trình đầy đủ, chỉ có ảo tưởng về nó mà thôi. Không có giải thưởng nào được lý tưởng hóa tuyệt đối, nhưng tôi vẫn ủng hộ các giải thưởng. Đối với văn chương, nếu như nhìn nó như nhìn một dòng chảy không ngưng nghỉ, thì có vẫn hơn không.

2-Uy tín chứ. Đối với nhà văn đích thực, dẫu nghèo, nhưng buộc phải lựa chọn: để mọi người công nhận mình hay để người ta dúi cho mình một bịch vàng? Nhưng, tất nhiên, tiền thưởng cũng là một sự bảo đảm cho uy tín của giải.

3- Giải thưởng Quốc gia bao giờ cũng thiếu khách quan. Quan điểm của chính quyền còn khá thủ cựu, đòi giải thưởng phải tương xứng với cả thập niên... Tôi chào đón sự thoáng rộng, mặc dầu nguyên nhân thực sự của sự thoáng rộng đó bị chi phối bởi tính định hướng tư tưởng và thói vô nguyên tắc đáng ngán ngẩm của một số vị quan chức.

4- Trong số các nhà văn ở giai đoạn cuối thời Xô viết, tôi thấy có Trifonov (đã có bản tiếng Việt mang tên Nửa đời nhìn lại- ĐB), nhưng rất tiếc là ông đã qua đời. Bởi vì không có bước tiến vọt cho nên không có nhà văn bậc thầy. Có thể đó là vấn đề của sự nhìn nhận. Cần phải có một độ lùi về phương diện thời gian để nhận ra phẩm chất xứng đáng.

MỚI - NÓNG