Gieo niềm vui bằng nghệ thuật

Một phụ nữ khuyết tật đang được khuyến khích bày tỏ cảm xúc.
Một phụ nữ khuyết tật đang được khuyến khích bày tỏ cảm xúc.
TP - “Gieo” là tên một dự án phi lợi nhuận dành cho cộng đồng của nhóm Toa Tàu, thông qua việc hướng dẫn các em bé bị xương thủy tinh, người dân tộc thiểu số, diêm dân, công nhân, người khuyết tật v.v… dùng nghệ thuật để kết nối và chữa lành.

Khởi xướng dự án “Gieo” cũng là người sáng lập Toa Tàu, họa sĩ Đỗ Hữu Chí (Bút Chì) cho biết: Toa Tàu là không gian để mọi người trải nghiệm nghệ thuật: viết, vẽ, chơi nhạc, gấp giấy, nhảy múa, đóng kịch… Lấy nghệ thuật làm phương tiện để trị liệu tâm hồn, trải nghiệm những khoảnh khắc là chính mình, để thoải mái biểu đạt cảm xúc, kết nối với người khác và tìm kiếm thương - yên - vui.

“Nhà ga” chính của Toa Tàu nằm tại TP Hồ Chí Minh. Vào hai tháng trước đây, ý tưởng về việc sẽ điều khiển Toa Tàu đi dọc đất nước “gieo” niềm vui đã hình thành. Đầu tháng chín, dự án “Gieo” chính thức khởi động, theo mô hình crowdfunding (gây quỹ cộng đồng). Điều hơi đặc biệt ở dự án này, những “nhà đầu tư” có thể không nhận được lợi ích thương mại cụ thể, sách và băng đĩa dự định in ra sau “Gieo” đến trạm cuối cùng cũng chỉ mang ý nghĩa tinh thần, quà tặng là chính. Thế nhưng, dự kiến “Gieo” cần khoảng 600 triệu để thực hiện, thì đã được tài trợ hơn 300 triệu “cho đi không cần trả lại” bao gồm cả bút màu, giấy vẽ, máy quay phim, ô tô (cho mượn) và tiền mặt. Tuy “nhiên liệu” chưa đủ, Toa Tàu vẫn chạy, đội dự án còn lường đến tình huống xấu nhất: trong trường hợp tiền hết thì vẫn cứ đi tiếp, bằng cách xin ăn và ngủ nhờ nhà dân.

Như vậy, bắt đầu từ 3/9/2017 đến 15/10/2017, “Gieo” sẽ đi xuyên Việt để gặp gỡ và mang đến trải nghiệm nghệ thuật cho hàng nghìn người ở 8 nhóm cộng đồng khác nhau. Cụ thể, ở Hà Nội gặp nhóm trẻ xương thủy tinh ở Trung tâm Kim Cương Tươi Đẹp và 11 nhóm hoạt động cộng đồng. Ở Hải Dương gặp các công nhân nhà máy Ford. Ở Huế gặp bệnh nhân Khoa Ung bướu, BV TƯ Huế. Ở Quảng Ngãi gặp cư dân huyện đảo Lý Sơn. Ở Phú Yên gặp dân chài làng nghề đan bóng Hòa Thạnh. Ở Lâm Đồng gặp người dân tộc thiểu số làng K’Ho làm nghề trồng cà phê. Ở Ninh Thuận gặp diêm dân làng muối Cà Ná. Và ở Sóc Trăng gặp các sư thầy chùa Khmer.

Gieo niềm vui bằng nghệ thuật ảnh 1 Vẽ kiểu “Gieo” tức là thả lỏng mọi giác quan.

Từ kinh nghiệm của những lần “trị liệu nghệ thuật” trước đây, nhóm “Gieo” cho rằng: nếu tổ chức một talk show thì sẽ không biết mất bao nhiêu thời gian để mọi người dỡ bỏ những “hàng rào tâm lý”, nhưng với giấy, bút, máy ảnh thì khác. Họ sẽ dễ dàng chia sẻ, thậm chí cởi bỏ gánh nặng. Như bác xe ôm tên Thịnh, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện “vẽ ước mơ” vì “nó liên quan năng khiếu” và vì “thời đi học điểm vẽ của tôi cao nhất cũng chỉ là điểm trung bình thôi”. Nhưng sau khi được động viên, bác Thịnh đã vui vẻ đeo tai nghe và cầm cọ. “Ước mơ” của bác được trình bày đơn giản như trẻ mẫu giáo, gồm ngôi nhà ngói đỏ cạnh hàng dừa xanh.

Hoặc như nhóm trẻ bị xương thủy tinh, sau khi được hướng dẫn chơi guitar và vẽ chúng đã không bỏ qua bất cứ cách thức nào để được “chơi nghệ thuật”. Có em chân đang bó bột vẫn bò ra vẽ, lấy cây sơn pha màu lăn vào mặt nhau. Tranh của những đứa trẻ khuyết tật hóa ra lại toàn là mặt trời, cây xanh, trực thăng và vũ trụ...

Hoặc như một nhóm khuyết tật khác, sau khi ghi lại “10 thời điểm quan trọng nhất với bạn”, ngoài những “cô đơn buồn, bị bạn bè bỏ rơi…” họ lại hăng say lăn tay, thổi màu và vẽ nhẫn lên tay nhau.

Đây đều là những bài học thực tế được Toa Tàu tích lũy trong quá trình hướng dẫn hơn 4.000 người “thả lỏng bằng nghệ thuật” trước đó. Họ có cơ sở để tự tin với kết luận: nghệ thuật không quá cao siêu hay chỉ dành riêng cho một nhóm người có năng khiếu như chúng ta thường nghĩ. Trải nghiệm nghệ thuật, nếu được thiết kế và sử dụng đúng, có khả năng khơi mở các giá trị sáng tạo-kết nối-chữa lành, giúp cân bằng nội tâm và làm giàu đời sống tinh thần.

Một fan của “Gieo”, Nguyễn Thiên Ngân thậm chí tức cảnh sinh tình, còn ứng tác một bài thơ có thể coi như slogan của đội. “Không phải nhà văn mới viết/ Không phải nghệ sĩ nhiếp ảnh mới chụp hình/ Không phải ca sĩ nhạc sĩ mới đàn ca/ “Gieo” của Toa Tàu sẽ đi đến những miền xa/ Chỉ cho anh công nhân viết lá thư chưa bao giờ viết/ Chỉ em nhỏ ngoài hải đảo từ nay biết vẽ ước mơ hình những cánh buồm/ Chỉ cho bác xe ôm những nốt đầu tiên trên cần đàn/ Để từ nay tiếng ca sẽ cất lên trong những giờ vắng khách/ Và chị diêm dân sau một ngày tất bật/ Có mảnh giấy màu để gấp lại lo toan/ Bởi nghệ thuật không phải (và không nên) một thứ cao sang/ Mà phải là không khí, là gió trời, là vòm lá, là nắng mai/ Là ủi an, là lòng yêu đời, là câu chuyện giản dị, là niềm vui... chia đều”.?

Kể từ khi “Gieo” lăn bánh theo Toa Tàu đã nhận được rất nhiều ủng hộ từ phía các văn nghệ sĩ và giới trẻ. Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý đã sáng tác bài “Gieo” tặng riêng dự án này. Bà Tôn Nữ Thị Ninh chúc “Gieo thành công mang đến những cộng đồng ở 8 vùng khác nhau tia sáng và nguồn cảm hứng của trải nghiệm “cùng làm cùng hưởng nghệ thuật”.

Từ Đức, sinh viên ngành Social Work (công tác xã hội) Mai Ylang cũng nhắn về: “các bạn Toa Tàu tuyệt quá! Các cụ cứ bảo “cơm còn không đủ, chơi hoa nỗi gì”, nhưng nghệ thuật đâu phải là thứ gì quá cao siêu, xa vời. Đôi khi chỉ là những thứ bé nhỏ, gần gũi, bình thường thôi, nhưng nghệ thuật giống như là thứ nước mát giúp khơi gợi cảm xúc, bồi đắp tính nhân văn cho mỗi con người. Mong là những dự án vì cộng đồng như thế này sẽ được nhân rộng và thực hiện dài hạn ở Việt Nam”.

MỚI - NÓNG