Giới trẻ “chơi” với nhạc kịch

“Nhật thực” là vở nhạc kịch đầu tiên của học sinh, sinh viên được trình diễn trong Nhà hát Lớn. Ảnh: Uyên Nhi.
“Nhật thực” là vở nhạc kịch đầu tiên của học sinh, sinh viên được trình diễn trong Nhà hát Lớn. Ảnh: Uyên Nhi.
TP - Nếu như ở phương Tây, nhạc kịch là thể loại âm nhạc khá quen thuộc thì ở Việt Nam, loại hình nghệ thuật này vẫn được xem là “món ăn” mới mẻ, lạ miệng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sân chơi nhạc kịch ngày càng trở nên sôi nổi trong cộng đồng trẻ.

Nhạc kịch học sinh lên sân khấu

Đầu tháng 8 vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ gần như kín khán giả trước vở nhạc kịch “Viên đạn cho Valentine”. Vở diễn do nhóm Fragments, liên quân học sinh, sinh viên từ nhiều trường: Hà Nội Amsterdam, Chuyên ngoại ngữ, Trường quốc tế Singapore, trường quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội… cùng nhau thực hiện. “Viên đạn cho Valentine” kể về cô gái Harley Brown 17 tuổi và cậu trai Eli Weston 18 tuổi khi gặp nhau trong trại cải tạo cho thanh thiếu niên, từ đó nói lên câu chuyện xung quanh vấn đề bạo lực gia đình. “Đây là một đề tài rất khó thực hiện. Chúng tôi mong chạm được tới ý thức của mỗi người trong xã hội và thúc đẩy cộng đồng tìm hướng giải quyết”- Nguyễn Lê Hoài Thương, đồng sáng lập  nhóm Fragments chia sẻ.

Cũng trong tuần đầu của tháng 8, khán giả thủ đô tiếp tục được thưởng thức vở nhạc kịch “Nhật thực” của nhóm 200 học sinh trường Hà Nội- Amsterdam tại sân khấu Nhà hát lớn. Đây là chương trình thường niên do Thôn Nghệ Thuật - nơi quy tụ tất cả câu lạc bộ nghệ thuật lớn mạnh nhất trường Amsterdam tổ chức. Vở diễn kể về câu chuyện hai anh em sinh đôi. Người anh Helios dũng cảm. Người em gái Selena kín đáo, dịu dàng. Với những đoạn nhảy múa nhuần nhuyễn, đều tăm tắp và tạo hình đa dạng, lời thoại do các thành viên trong nhóm tự viết nên giữa những xung đột căng thẳng vẫn có những tiếng cười hóm hỉnh.

Dự án nhạc kịch khác mang tên English Performance cũng là “đặc sản” của trường Amsterdam. Bắt đầu từ năm 2012 với vở “Frankenstein”, năm 2013 với “The Lion King”, năm 2014 với ”The Little Mermaid”, năm 2015 với “The Nightmare before Christmas”, năm 2016 với “Grease”. Đến tháng 5/2017 vừa qua, English Performance trở lại với vở nhạc kịch “Bars the musical”. Câu chuyện lấy bối cảnh từ một nhà tù ở Chicago trong những năm 1930-1940, xoay quanh những nhân vật bên trong song sắt, qua đó thể hiện những diễn biến tâm lý, xung đột giữa tình bạn, tình cảm gia đình, tình yêu, sự đấu tranh tư tưởng.

Giới trẻ “chơi” với nhạc kịch ảnh 1 Vở diễn “Bars the musical” được nhóm học sinh trường Amsterdam chuẩn bị suốt 9 tháng trời.

Vào tháng 5/2017, tại Phòng Hòa nhạc lớn – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, vở nhạc kịch “Mamma Mia” lần đầu tiên được trình diễn tại Hà Nội với sự dàn dựng và biểu diễn bởi các bạn học sinh của Trường phổ thông liên cấp Olympia. Vở nhạc kịch với sự tham gia của gần 100 diễn viên trình diễn trên một sân khấu được dàn dựng công phu sau 6 tháng luyện tập. Thông qua vở nhạc kịch, học sinh Olympia truyền tải đến người xem thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu đôi lứa. Toàn bộ số tiền bán vé và kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp cũng đã được nhóm học sinh ủng hộ cho quỹ Trò nghèo vùng cao của chương trình “Cơm có thịt”.

Đam mê và tay ngang

Điều đặc biệt khiến khán giả thích thú ở các vở nhạc kịch kể trên không chỉ ở nội dung, cách trình diễn mà còn bởi tất cả đều là sản phẩm sáng tạo của những người trẻ “tay ngang”, có chung niềm đam mê nhạc kịch.

Giới trẻ “chơi” với nhạc kịch ảnh 2 Một phân cảnh trong vở nhạc kịch “Viên đạn cho Valentine”.

“Viên đạn cho Valentine” được lên ý tưởng bởi hai nhà đồng sáng lập nhóm Fragments: Lê Minh Hà và Nguyễn Lê Hoài Thương. Vở diễn quy tụ 30 diễn viên - những người có khả năng diễn xuất, múa, thoại và hát trên sân khấu. Chính tình yêu dành cho sân khấu và âm nhạc đã trở thành sợi dây gắn kết hơn 30 thành viên của Fragments xích lại gần nhau, thỏa mãn khát vọng sáng tạo nghệ thuật của các bạn học sinh Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ…  Cả 11 ca khúc trong vở diễn đều do các thành viên trong nhóm tự dàn dựng. Có những bản nhạc được sử dụng từ những vở nhạc kịch nổi tiếng, quen thuộc nhưng được viết lại lời cho phù hợp với nội dung vở kịch và có 3 bài hát do nhóm tự sáng tác.

Nói về nhóm của mình, Lê Minh Hà tự hào: “Chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm về nhạc kịch nhưng chúng tôi có niềm đam mê, có tinh thần học hỏi. Hiện nay, không có nhiều tác phẩm sân khấu dành cho lứa tuổi vị thành niên. Chúng tôi muốn nhắm đến đối tượng này và hy vọng sẽ có tác động tích cực đến họ”. Minh Hà cũng cũng cho biết, vì bận rộn với lịch tập luyện, lịch học và nhiều công việc khác nên càng về gần show diễn, lịch tập dày lên, mọi người gần như “cắm trại” ở phòng tập. “Vất vả chút nhưng không ai than vãn gì, chúng tôi đã trở nên đoàn kết và thương yêu nhau hơn từ những ngày vô cùng mệt mỏi như thế”, Hà nói.

Nếu như “Viên đạn cho Valentine” là món quà chào sân của nhóm Fragments, thì “Nhật thực” lại là sản phẩm nghệ thuật thứ 3 của nhóm học sinh trường Hà Nội - Amsterdam. Mỗi năm đều đặn cho ra đời một tác phẩm: “Emily” (2014), “Họa” (2015), “Anh là ai” (2016) và “Nhật thực” (2017), nhóm đã ngày càng chuyên nghiệp hơn từ khâu vận động tài trợ, truyền thông, hậu cần, cho đến nội dung, phục trang, vũ công, đạo cụ… Để tiết kiệm chi phí, trang phục của vở diễn cũng được chính các bạn trẻ đến từ CLB thời trang của trường Amsterdam đảm nhận.

Là dân không chuyên nhưng khả năng diễn xuất, biểu cảm trên sân khấu của các diễn viên trong “Nhật thực” đã gây ấn tượng với người xem. Nguyễn Như Anh, thành viên Ban tổ chức cho biết, “Nhật thực” là vở nhạc kịch đầu tiên của học sinh cấp 3 được biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. “Vì điều đó mà chúng em phải chăm chỉ tập luyện hàng ngày. Tất cả đều vỡ òa khi nhận được những tràng pháo tay và phản hồi tích cực của khán giả”, Như Anh nói.

Tác phẩm “Mamma Mia” cũng đánh dấu lần đầu tiên học sinh trường Olympia bước vào một sân chơi nhạc kịch. “Với vai trò là Tổng Đạo diễn, bản thân em – một cô bé học sinh lớp 10 cũng khá e ngại trước một thể loại mà những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam còn e dè khi tiếp cận. Nhưng với sự đồng hành của các thầy cô và bạn bè, những khó khăn dần được gỡ bỏ, để có thể mang Mamma Mia đến với mọi người”- Lê Diệu My –Tổng Đạo diễn chương trình chia sẻ. Giữ nguyên kịch bản gốc của vở nhạc kịch nổi tiếng lãng mạn pha lẫn hài hước “Mamma Mia”, nhưng qua diễn xuất của nhóm học sinh trường Olympia, vở diễn đã mang màu sắc mới mẻ, trẻ trung nhờ những màn nhảy múa đẹp, giọng ca hay, sân khấu hiện đại.

Khi nói về sự “đỡ đầu” nhiều năm qua của Nhà hát Tuổi trẻ với các dự án nhạc kịch do học sinh, sinh viên thực hiện, ông Trương Nhuận, Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Nhà hát luôn tôn trọng những ý tưởng mà các em học sinh mất nhiều công sức để sáng tạo ra. Các em đã rất nhiệt huyết, dấn thân, đam mê, nỗ lực tới 200% khả năng của chính mình để tạo ra những vở nhạc kịch đáng xem”.

MỚI - NÓNG