'Hà Nội, một chốn rong chơi'

'Hà Nội, một chốn rong chơi'
TP - Với Martín Rama, nhà kinh tế học người Uruguay, một Hà Nội đầy mê hoặc, si mê, được ông thể hiện trong cuốn sách ảnh mới phát hành Hà Nội, một chốn rong chơi.

100 trang sách, có nhiều trang hầu như toàn ảnh. Một nhiếp ảnh gia tay ngang nhưng chịu khó chụp nhiều chi tiết của Hà Nội, nhất là kiến trúc. “Tôi đã chụp hàng nghìn bức ảnh, đọc tất cả những gì người ta viết về thành phố, với một hy vọng (hơi kỳ quặc) rằng mình có thể biết và hiểu thành phố nhiều hơn, hơn cả những người đã đến trước tôi, và cả những kẻ sẽ đến sau tôi” - Rama giới thiệu.

Với những lần dạo chơi khắp các ngõ ngách của thành phố khôngbiết bao nhiêu lần, chẳng có đích đến cụ thể, ông đã khắc họa được một Hà Nội của riêng ông. Hà Nội trong một mắt nhìn khác lạ.

Mười năm ở Hà Nội, Martín Rama vẫn si mê như thuở ban đầu. Ngôi biệt thự xây dựng năm 1932 ở địa chỉ 43 Trần Hưng Đạo là nơi ông tá túc đến năm 2010 mới rời đi. 

Nhiều chi tiết lịch sử được ông nhắc lại đủ để hấp dẫn du khách nước ngoài đến với Hà Nội và đặc biệt có sự so sánh về sự đổi thay của kiến trúc thành phố.

24 chương, sắp đặt đầy ngẫu hứng. Ở bản tiếng Anh được sắp xếp theo trật tự chữ cái, dĩ nhiên sang tiếng Việt (bản chuyển ngữ của Nguyễn Văn Tùng) thì không. Chương Index còn tặng thêm độc giả công thức chế biến món phở. Chương Hỗn loạn, Rama viết về Hà Nội đầy vẻ tức giận, nhưng mến thương… khách nước ngoài rồi cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng sự hỗn loạn đó vẫn đang được điều khiển bằng những luật lệ rất tinh tế, những quy tắc không thành văn nhưng đều được mọi người ngầm hiểu.

Nhưng quả thật, “chưa bao giờ tôi có ý định sống cố định ở một nơi nào khác, trừ Việt Nam” - Rama đã thú nhận.

“Ở rất nhiều thành phố Mỹ, đường phố đơn giản chỉ là nơi để người ta có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Ở Paris, đường phố là sân khấu, để người ta thưởng ngoạn khi ngồi nhấm nháp cà phê bên vỉa hè. Ở Hà Nội, phố là một không gian sống dày đặc người, nơi diễn ra tất cả các hoạt động thường ngày mà người ta có thể nghĩ ra được” (Trang 100, Hà Nội, một chốn rong chơi).

MỚI - NÓNG