Hà Nội sẽ thẩm định trình độ ông đồ ở Văn Miếu

Năm 2015, phố ông đồ sẽ được tổ chức trong Hồ Văn thuộc khuôn viên di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh phố ông đồ năm 2014: Quỳnh Trang/ VnExpress
Năm 2015, phố ông đồ sẽ được tổ chức trong Hồ Văn thuộc khuôn viên di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh phố ông đồ năm 2014: Quỳnh Trang/ VnExpress
Ngoài việc phải vào Hồ Văn viết chữ, các ông đồ phải được thẩm định về trình độ Hán ngữ và khả năng viết thư pháp nhất định. Giá cho chữ cũng sẽ được niêm yết công khai, tránh tình trạng 'nhìn mặt ra giá tiền'.

Sáng 28/1, Sở Văn hóa Hà Nội kết hợp với Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng đại diện các CLB Thư pháp của thủ đô, đã họp báo về công tác tổ chức phố ông đồ tại Văn Miếu. 

Phó giám đốc Sở Văn hóa Trương Minh Tiến cho biết, năm 2014, lần đầu tiên Sở phối hợp với Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, UBND quận Đống Đa và các phường có liên quan, tổ chức phố ông đồ trong Hồ Văn (thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám). "Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, không đủ lều cho các ông đồ ngồi viết chữ, xử lý việc ông đồ lấn chiếm vỉa hè chưa tốt nên phố ông đồ Hồ Văn chưa được như mong muốn", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, năm 2015, ngành chức năng khẳng định sẽ  tổ chức hoạt động viết thư pháp tại Văn Miếu dịp Tết Ất Mùi thật quy củ. Việc quản lý nghiệp vụ của các ông đồ, Sở giao cho CLB UNESCO Việt Nam chịu trách nhiệm. "Chúng tôi mong phố ông đồ sẽ trở thành nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh, có trật tự, kỷ cương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xin - cho chữ của nhân dân", ông Tiến chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bà Nguyễn Thị Luận cho biết, hội chữ xuân Ất Mùi sẽ bắt đầu từ 20 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng trong khuôn viên Hồ Văn. Đến nay đã có 200 ông đồ đăng ký tham gia hội chữ xuân. Hàng ngày, các ông đồ sẽ cho chữ từ 8h30 đến 20h, riêng 30 Tết sẽ hoạt động đến 2h sáng hôm sau và mùng 1-2 Tết đến 22h.

Sau khi được ban tổ chức thẩm định chất lượng chữ viết, các ông đồ sẽ nhận thẻ và ngồi hoạt động trong những lều khung sắt lợp mái bạt, bố trí xung quanh Hồ Văn, hướng mặt ra phía đường Quốc Tử Giám.

Thành viên ban tổ chức, ông Trần Quốc Chí, Phó chủ nhiệm CLB thư pháp UNESCO Việt Nam cho biết, các ông đồ được lựa chọn cho chữ ở Hồ Văn phải viết đúng chữ, đúng quy tắc nội dung, có trình độ Hán ngữ và viết thư pháp nhất định. Các ông đồ nhiều chữ sẽ được bố trí ngồi cạnh người biết ít, viết chưa tốt để kèm nhau. Ban tổ chức có một lều thường trực, thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động viết chữ và giải quyết các vụ việc tại chỗ. Giá cả bức thư pháp trong hội chữ xuân Ất Mùi được niêm yết công khai, tránh tình trạng “nhìn mặt ra giá tiền” như một số ông đồ đã làm trước đây.

Trước băn khoăn số lượng ông đồ đăng ký tham gia quá đông có thể không đủ chỗ, Phó giám đốc Sở Văn hóa nhấn mạnh: "Năm nay, nếu ông đồ nào nhổ lều ra ngoài, sang năm sẽ không được vào Hồ Văn hoạt động nữa. Nếu chúng ta không làm kiên quyết thì chẳng khác nào "nối giáo cho giặc", giúp những người lộn xộn bên ngoài càng không có trật tự, kỷ cương", ông Tiến khẳng định.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG