Hà thành lại vang câu hát trống quân

Hà thành lại vang câu hát trống quân
TP - Ngay những ngày đầu năm mới, các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian ở Trung tâm (TT) Phát triển nghệ thuật Âm nhạc VN đã tập trung hoàn thiện một tổ khúc hát trống quân để ra mắt khán giả đêm thứ Bảy 3/3.

Buổi biểu diễn sẽ được tổ chức tại sân khấu “Hà thành 36 phố phường”- khu chợ đêm Hàng Đào- Đồng Xuân.

Hà thành lại vang câu hát trống quân ảnh 1

(Từ trái sang) NSƯT Thanh Ngoan, Nhạc sĩ Thao Giang, NSND Xuân Hoạch đang thử âm cây đàn trống quân mô phỏng

Độc đáo hát trống quân

Trống quân là lối hát giao duyên theo kiểu đối đáp vốn rất phổ biến ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ như Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... nên đây không phải công trình làm sống lại một loại hình nghệ thuật.

Song không phải ai cũng biết môi trường diễn xướng phổ biến nhất của hát trống quân vốn là thao trường. Nghệ sĩ hát trống quân chính là những anh lính. Để phá tan không khí mệt mỏi sau những giờ luyện tập binh mã nặng nhọc, những anh lính cùng nhau vào cuộc hát trống quân.

Cũng là hát đối đáp, dẫu không có những niêm luật khắt khe như quan họ nhưng trống quân cũng có những nguyên tắc, chẳng hạn gồm hai đội, mỗi đội có một nhà cái; trong quân ngũ có thể là hai đội toàn nam giới, nhưng hấp dẫn nhất là có cả đội nam đội nữ.

Trước canh hát trống quân thường có một giọng cái xướng câu: Trống quân xin có lời chào/ Ai có giọng xin mời vào, mà ai không có giọng thì ra!

Sau đó tất cả cùng hát chung, có thể là: “Đất thấp ông trời cao... / Ngọn đèn thời sáng tỏ như sao trên trời/.../ Mừng người xứ Bắc kẻ Đông/ Mừng chim loan phượng ngô đồng sánh đôi” ý chào mừng sự hội tụ.

Sau đó phần hát đối đáp  mới chính thức bắt đầu.

Có lẽ vì môi trường diễn xướng quân ngũ và đối tượng là những anh lính nên làn điệu của trống quân rất đơn giản, tuy nhiên sức hấp dẫn lại ở lời ca được thể hiện trên thơ lục bát. Nội dung nôm na nhưng nghe hóm hỉnh.

Chẳng hạn bên nữ hát Anh đi làm thợ nơi nao/ Để em gánh đục gánh bào đi theo... thì bên nam đáp lại rằng Bốn cửa chạm bốn con nghê/ Bốn con nghê đực chầu về xứ Đông/ Bốn cửa chạm bốn con rồng/ Ngày thời bắt chuột tối thời rồng leo...

Cứ thế bên ra vế khiêu khích bên kia nhanh trí đáp trả. Thế mới có chuyện cuộc hát có thể kéo theo nhiều người tham gia và kéo dài thâu đêm suốt sáng.

Hát trống quân ở mỗi địa phương lại có đặc trưng riêng do cách phát âm hay truyền thống văn hóa mỗi nơi. Dịp đầu năm Đinh Hợi này qua kênh VTV1 khán giả đã được thưởng thức màn hát trống quân của các nghệ sĩ đất Tổ, đó là lối hát đặc trưng của cái nôi trống quân trung du Đức Bắc (thuộc Vĩnh Phúc).

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Viêm: Trống quân Đức Bắc ở vùng đồng chiêm huyện Lập Thạch dùng để hát trong hội mời phường xoan. Trai Đức Bắc đưa phường xoan (các đào xoan) qua sông vào làng hát.

Có lẽ do vậy nên hát trống quân ở đây có thêm sự góp mặt của các điệu hát xoan, còn với vùng đồng bằng, nổi bật là Hưng Yên có thêm các câu dân ca vùng này, nhiều nhất là điệu cò lả.

Theo các nhà nghiên cứu của TT, nếu như trống quân được ví đầy nam tính thì cò lả uyển chuyển nữ tính nên đứng cùng nhau rất hợp.

NS Thao Giang– Phó Giám đốc TT phát triển nghệ thuật VN, người khởi xướng phục dựng cho biết: TT phục dựng trống quân theo cách hát vùng Hưng Yên. 

Xen giữa điệu hát trống quân kể về anh thợ mộc là điệu cò lả bay bướm: Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em nhặt được cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà.

Nam hát, rồi tiếp tục Tình tính tang, đến nữ hát Tang tính tình và cả hai Cô mình rằng anh chàng ơi rằng có nhớ nhớ hay chăng... Ở đây câu tình tính tang vừa như nhạc đệm lại tựa những lời ong bướm mà các chàng trai cô gái nhắn nhủ nhau.

Đánh thức cây đàn ngủ quên cả thế kỷ

Cây đàn trống quân dường như đã hoàn toàn mờ nhạt trong tâm trí mọi người sẽ trở lại với người dân phố cổ Hà thành. NSND Xuân Hoạch được TT giao nhiệm vụ trực tiếp “thiết kế” lại cây đàn.

Theo ông, đàn trống quân là sáng tạo tuyệt vời của ông cha ta. Nói là đàn bởi cũng có dây, có cao độ nhưng về hình thức không hẳn là một cây đàn.

Xưa, các cụ đào một cái hố dưới đất, sau đó lấp kín miệng bằng một miếng hình tròn (có thể là mâm cơm, vung nồi hay bất cứ thứ gì) tạo thành hộp cộng hưởng của đàn.

Ở giữa cắm một thanh tre hoặc gỗ thẳng đứng làm trụ, hai bên là hai cây trúc dài ngắn khác nhau, hai đầu nối với nhau bằng một đoạn dây thừng, dây cước hoặc bất cứ dây gì có trong tay, dây đàn được căng lên đi qua đỉnh của que trụ tạo thành hình cánh cung lệch, phía bên dài hơn phát ra tiếng trầm (phình) bên ngắn tiếng cao (phinh) tạo nên một quãng 5 đúng, đàn trống quân chỉ có hai âm này. Khi hát mỗi đội một bên dùng một que gõ vào đàn (người cầm que chính là nhà cái).

Người Việt từng tự hào vì những sáng tạo nghệ thuật dân dã độc đáo như kèn lá của đồng bào miền núi phía Bắc, hay đàn K’long-put khi chơi không chạm vào vẫn phát ra tiếng kêu.

Còn trống quân là loại đàn độc nhất vô vị được làm từ... một mảnh đất ở bất kỳ nơi đâu. Sở dĩ có như vậy là để đi tới đâu các anh lính cũng có thể dựng ngay một cây đàn để mở một cuộc hát trống quân.

Nhưng dựng lại thì không thể tái hiện nguyên dạng bằng cách đào một cái hố đất mà chỉ mô phỏng. Cuối cùng TT quyết định làm theo cách cũng hết sức dân dã: Hộp cộng hưởng làm từ một cái chậu thau đậy bằng một cái mâm cơm, còn lại cây trúc, que trụ, dây và que đàn thì làm đúng như nguyên mẫu.

Rồi thì cây đàn trống quân cùng thành hình. Nhưng tại sao bây giờ mới nghe nói có cây đàn trống quân?

“Phải rất vất vả chúng tôi mới có tài liệu về cây đàn, cách đây mấy chục năm khi đi đến các địa phương được nghe một vài cụ cao tuổi nói về cây đàn trống quân, ngay cả các cụ cũng chỉ nghe thế hệ trước kể lại, về sau tôi may mắn sưu tầm được bức ký hoạ của người Pháp về một cuộc hát trống quân trong đó cả hình cây đàn” - NS Thao Giang cho biết.

Một lý do khiến các nhà nghiên cứu ở TT muốn đưa hát trống quân trở lại với người dân Hà thành dịp này: Đúng mùa xuân cách đây 218 năm tức năm Kỷ Dậu 1789 khi đội quân thần tốc của vua Quang Trung đại thắng, những câu hát trống quân do quân dân các địa phương miền Bắc cũng tham gia khởi nghĩa thể hiện vang lên góp vào ngày vui.

Lúc đầu TT định khôi phục một cuộc hát kéo dài vài tiếng trong đó dựng cảnh nghỉ ngơi dựng cây đàn và mở cuộc hát. Nhưng như thế kinh phí quá lớn nên cuối cùng chỉ dựng hơn 10 phút.

Tất nhiên có đàn trống quân, có hai đội, đội nam do NSDN Xuân Hoạch làm nhà cái, còn nữ - NSƯT Thanh Ngoan.

Và: Thao Giang, Văn Ty, Hạnh Nhân, Lê Cường, Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Khương Cường, Thúy Ngần.

MỚI - NÓNG