Hai ông Tây nhận giải Phan Châu Trinh

Hai ông Tây nhận giải Phan Châu Trinh
TP - Alain Ruscio và Pavel Vladimirovich Pozner là hai nhà nghiên cứu nước ngoài được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần 5, sáng 24-3 tại Hà Nội.

40 năm nghiên cứu Việt Nam

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải Việt Nam học cho tiến sĩ Alain Ruscio, vì những đóng góp xuất sắc của ông trong việc quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam ở Cộng hòa Pháp và châu Âu.

Nhà sử học, tiến sĩ văn học, nhà nghiên cứu độc lập dành chủ yếu sự nghiệp để nghiên cứu Đông Dương thuộc địa và cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, trong đó có phần quan trọng về lịch sử Việt Nam.

Alain Ruscio là người đứng đầu Trung tâm Thông tin và Tư liệu về Việt Nam đương đại, với sự cộng tác của nhiều giáo sư về hưu, Việt kiều và các nhà Việt Nam học suốt hơn 20 năm qua.

“Tôi còn nhớ, lần đầu đến Việt Nam năm 1978 khi tôi được cử làm phóng viên báo L’Humanité. Đó là thời kỳ rất khó khăn, chiến tranh vừa kết thúc không bao lâu, các bạn còn quá nghèo khó. Đồng thời, tôi lại bắt gặp một đất nước đầy tự hào, không ngừng đấu tranh trong công cuộc tái thiết đất nước”, tiến sĩ Alain Ruscio kể lại.

Ở lại Việt Nam đến mùa hè năm 1980, Alain bảo ông thấy mình thật may mắn khi được đi dọc Việt Nam từ Lào Cai đến Cà Mau. Những trải nghiệm đầu tiên trong hai năm sau này xuất hiện trong cuốn Vivre au Việt Nam (Sống ở Việt Nam), là những suy tư về xã hội Việt Nam gần 5 năm sau thống nhất đất nước.

Ông tự đếm đã bay không dưới 30 chuyến Paris-Hà Nội. Bởi cứ không quá hai năm, Alain Ruscio trở lại nơi ông coi như tổ quốc thứ hai.

“Tôi phải lao động rất cực nhọc, ban đầu tôi đâu phải chuyên gia nghiên cứu Việt Nam. Nhưng hơn 40 năm qua, tôi dồn tâm trí nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đặc biệt các cuộc kháng chiến. Quãng thời gian làm báo ở đất nước các bạn cho tôi cơ hội chứng kiến nhiều thời khắc quan trọng, tôi coi nghề báo và viết sử có mối quan hệ mật thiết”.

Trong diễn từ nhận giải thưởng, Alain Ruscio kể lại niềm vinh hạnh, may mắn được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người ông xem như tượng đài huy hoàng.

“Ngày 30 tháng 4 năm 1979 đã thành một ngày đáng kể trong cuộc đời tôi. Khi biết mình sắp được gặp ông Giáp, tôi tự nhủ như anh hề trên sàn diễn rằng tôi sắp có cuộc gặp gỡ với “lịch sử viết hoa”.

Nhưng khi bước lên các bậc cầu thang nho nhỏ, rồi bỗng nhiên xuất hiện từ trên cao một con người hiền hậu, tươi cười, tôi bỗng mất hết e sợ. Ông ôm lấy tôi. Rồi ông nói chuyện với tôi bằng một tiếng Pháp không chê vào đâu được”.

Ý nghĩ phải sắp đặt lại các cuộc gặp gỡ với Đại tướng trong nhiều tháng sau, thành cuốn sách phải chờ tới năm 2011 mới thành hiện thực, khi ông xuất bản Võ Nguyên Giáp, một cuộc đời.

Ruscio còn nghiên cứu lịch sử hiện đại các nước thuộc địa cũ của Pháp. Ông từng hai lần nhận Giải thưởng Sách chống thực dân năm 2008, 2011.

Một số xuất bản phẩm đáng chú ý: Điện Biên Phủ, kết thúc một ảo tưởng (1986); Cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương (1992); Điện Biên Phủ, huyền thoại và thực tiễn 1954-2001. Năm mươi năm đam mê của Pháp (2005).

Sáu tập sách Lịch sử Việt Nam

Ông là một trong số ít chuyên gia về Việt Nam học tại Viện Phương Đông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga từ năm 1973. Chủ nhiệm dự án biên soạn Lịch sử Việt Nam gồm 6 tập, phiên bản tiếng Nga xuất bản năm 2013, và tiếng Anh năm 2016.

Pavel Pozner chia sẻ thêm về bộ sách lịch sử Việt Nam, từ thời kỳ Hùng Vương tới gần đây nhất năm 2010: Tập 1 kéo dài hết triều Lý, tập 2 trải dài cho đến năm 1600 (triều Lê-Mạc), tập 3 từ năm 1600 đến 1897. Lịch sử hiện đại chia làm 2 tập: Từ 1897 đến 1945, tập tiếp theo kéo dài đến 2010. Riêng tập 6 bao gồm chú giải, nhiều bài viết chi tiết, sơ đồ, bản đồ.

“Chúng tôi sẽ kết thúc giai đoạn chuẩn bị, sưu tầm khối lượng tư liệu khổng lồ cuối năm nay, để xuất bản bộ sách năm sau.

Điều đáng mừng là trong suốt thời gian thu thập tư liệu, chụp hình từ Cao Bằng đến Sài Gòn, chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của mọi người.

Ấn phẩm này dự định dùng loại giấy tốt, nhiều tranh minh họa nên sẽ đắt tiền. Sau khi ra mắt ở Nga, chúng tôi hi vọng sớm chuẩn bị đủ tài chính cho bản in bằng tiếng Anh”, Pavel Pozner chia sẻ.

Nhà sử học Alain Ruscio Ảnh: T.Toan
Nhà sử học Alain Ruscio Ảnh: T.Toan.

Pavel Vladimirovich Pozner sinh năm 1945 tại New York (Mỹ), gia đình quay lại Đức năm 1948 và trở về Nga năm 1952. Bố ông là nhà sản xuất phim nổi tiếng ở Pháp, Mỹ và Nga.

Điện ảnh trở thành niềm đam mê lớn của Pavel hồi nhỏ, bây giờ ông cười bảo, thời thế thay đổi rồi, nên chẳng có chút luyến tiếc khi không theo đuổi đến cùng ước mơ đạo diễn điện ảnh.

Thực tế, Pavel Pozner trở thành sinh viên Trường Đại học các ngôn ngữ phương Đông (nay là Học viện các nước Á-Phi), đó cũng là bước đầu tiên đến với ngành Việt Nam học. Chuyến đi đến Việt Nam năm 1979 chính thức đưa đẩy Pavel thành nhà Việt Nam học.

Trước đó, năm 1976 ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ sử học đề tài Lịch sử Việt Nam cổ đại trong những biên niên sử Việt Nam thời trung đại-Những vấn đề nghiên cứu nguồn; sau đó là luận án tiến sĩ về đề tài Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X, năm 1987 tại Pháp.

Ông nhận giải thưởng Phan Châu Trinh “vì những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu và giới thiệu lịch sử cổ đại và trung đại Việt Nam ở Cộng hòa Pháp và Liên bang Nga”.

Pavel Pozner là người dịch và chú giải công phu bộ Việt sử khâm định thông giám cương mục (song ngữ Hán-Nga).

Trong diễn từ nhận giải, ông chia sẻ: “Tôi cũng xin nói thêm, tôi chỉ coi mình thật xứng đáng nhận được giải thưởng Phan Châu Trinh sau khi bộ Lịch sử Việt Nam 6 tập bằng hai thứ tiếng Nga, Anh ra mắt bạn đọc”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.