Hài tết của Xuân Bắc không khành khạch, sẽ mủm mỉm

Xuân Bắc không lo lép vế với vai người tốt trong “Quan trường-trường quan”. Ảnh: Phạm Đông Hồng.
Xuân Bắc không lo lép vế với vai người tốt trong “Quan trường-trường quan”. Ảnh: Phạm Đông Hồng.
TP - Đĩa hài tết Quan trường - trường quan của đạo diễn Phạm Đông Hồng đang ở khâu hậu kỳ, hâm nóng những người theo dõi facebook bằng ảnh hậu trường. Nghệ sỹ Xuân Bắc tự tin đĩa hài tết mà nhóm Xuân Bắc - Tự Long xuất hiện có thể làm hài lòng nhiều đối tượng khán giả.

Y hẹn hai năm một đĩa hài, “Quan trường-trường quan” vẫn mang chất liệu dân gian này có gì mới mẻ?

Vẫn là tiếng cười dân gian nhưng năm nay nó sâu hơn một chút. Tiếng cười trong Quan trường-trường quan có cả tiếng nói cụ thể của nghệ sỹ sáng tác về những vấn đề không chỉ của ngày xưa. Chúng tôi muốn mượn những câu chuyện trong sách nhân gian kể lại theo cách mang ý nghĩa sâu sắc, thời đại.

Ba người ba tính cách, mục đích khác nhau muốn làm quan. Tí do Xuân Bắc thủ vai, Tồ do Trung Hiếu, Tộp do Tự Long đóng, trong đó Tí là người cương trực, đầu têu cho mọi sự tinh nghịch. Tồ dĩ hòa vi quý, gió chiều nào che chiều ấy. Tộp con nhà giàu ích kỷ, nhỏ nhen, xu nịnh với mục đích lên quan bằng được. Mỗi người một tính cách, sau này Tí trở thành Trạng Tí, giúp người dân đòi lại công bằng. Rồi một ngày đẹp trời quay lại gặp nhau trong một vụ kiện.

Dựa mãi chất liệu dân gian rất dễ đoán, các anh không sợ nhàm sao?

Câu chuyện có nhiều tình tiết hấp dẫn, thú vị. Tôi tin đĩa hài này phù hợp với nhiều đối tượng- những nhà trí thức, kể cả bà con nông dân. Vì ai cũng có quê cả, đó là những tiếng cười ở làng quê, ẩn đằng sau đó còn là ý nghĩa sâu sắc mà những người hiểu được những điều chúng tôi nói đến cũng sẽ có thể không cười khành khạch, thì có thể mỉm cười, gắp miếng bánh chưng ăn cùng hành muối cho thêm hương vị ngày tết.

Nhiều đĩa hài dân gian dễ đoán vì câu chuyện quen thuộc. Tuy nhiên, những câu chuyện ấy tồn tại hàng trăm năm nay mà vẫn thú vị. Hấp dẫn hay không còn phụ thuộc vào cách kể, qua lăng kính nghệ sỹ. Chúng tôi có cách tiếp cận mới, cách kể mới, thậm chí lăng kính cũng mới nốt.

Từ “Cả ngố”, rồi “Không hề biết giận”, đến giờ là “Quan trường-trường quan”, dấu ấn Xuân Bắc trong này là gì?

Vai Tí không phải hay nhất, nhưng sẽ là vai ấn tượng. Đạo diễn nói: Thôi mặt Xuân Bắc hợp với vai người tốt rồi, thì cứ đóng người tốt thôi.

Trông Xuân Bắc cũng có nét đểu đểu đấy chứ?

Tôi đóng nhiều loại vai đấy chứ, tại mọi người cứ mặc định thế. Vả lại, tôi cũng muốn đóng vai tốt nhiều hơn để tự thanh lọc tâm hồn (cười lớn).

Xuân về không phải ít đĩa hài nhưng lại hiếm sản phẩm hài sạch, cười được. Kịch bản hài hiếm như vậy sao?

Không phải ngẫu nhiên hai năm nhóm Xuân Bắc-Tự Long mới làm một đĩa hài, kết hợp với Thăng Long Audio, mà kịch bản cũng phải bàn nát với đạo diễn. Kịch bản là một vấn đề, nhưng đứng ở khía cạnh người làm nghệ thuật, tôi nói luôn kể cả kịch bản đầy đủ đi nữa, thì còn nhận thức của nghệ sỹ. Tôi thấy có nhiều tác phẩm hay, nhưng hình như làm bị dễ dãi quá, tiếng cười đơn giản quá, làm giảm giá trị tác phẩm. Không phải nhiều cái đáng cho mọi người xem, hãy lựa chọn đi. Xã hội có nhiều đối tượng, nhận thức khác nhau, mỗi đối tượng tự tìm cho mình cách thưởng thức nghệ thuật hợp với khả năng. Cho nên tôi không thể nói cái này hay hơn hay cái kia, nó phụ thuộc vào nhận thức. Có người cứ thấy hài là chuyển kênh bóng bá.

Nhiều nghệ sỹ có tên tuổi hẳn hoi nhưng vẫn chấp nhận làm những sản phẩm lồng ghép quảng cáo sản phẩm một cách thô sơ. Anh thấy sao?

Tôi coi đây không phải sản phẩm nghệ thuật đơn thuần. Nếu đưa vào ngọt ngào, hợp lý thì cũng không sao. Đâu chỉ Việt Nam mới thế, những nước hàng đầu cũng có đấy thôi. Tuy nhiên, nếu áp đặt một cách khiên cưỡng đến mức lố bịch thì không nên.

Xuân Bắc thừa nhận sức sáng tạo của nghệ sỹ có giới hạn, anh nghĩ sắp đến lúc rời khỏi vai Nam Tào chưa, khi khán giả thấy nhiều nghệ sỹ bị chai sạn cảm xúc?

Táo quân là cả vấn đề, nó là trách nhiệm của nghệ sỹ cần phải làm một chương trình vào cuối năm. Hơn chục năm rồi, chúng tôi làm nhiều lúc cũng khó khăn sáng tạo. Nhiều ý kiến bảo cần đổi mới. Nhưng hỏi đổi mới thế nào, thì họ chịu. Có người bảo vấn đề năm nay không hay, không sâu sát. Chúng tôi cố gắng hết sức, tất nhiên có cái được, cái không. Đứng ở ngoài nhìn vào quan sát tác phẩm thì dễ, hãy làm đi, hoặc cho chúng tôi biết đổi mới ra sao. Có lúc tôi nói hay cùn, kèm theo chút tự ái của nghệ sỹ, và chút hơn trách: Chúng tôi mất 10 tiếng để có 1 phút lên hình, các bạn chỉ mất một phần mười giây để chuyển kênh thôi. Nếu các bạn thấy không hay, chuyển ngay kênh mà các bạn cho rằng hay, việc gì cứ phải xem mãi một kênh để rồi các bạn kêu rằng khó chịu, bực mình.

Anh tin một ngày đẹp trời, Táo quân hết vai trò?

Có lúc tôi nói với đạo diễn Thanh Hải hay hai tiếng của chương trình Táo quân, cứ phát chương trình ca nhạc nào đó cho mọi người xem để đỡ bực mình. Bọn tôi cố gắng nhưng có thể sức sáng tạo có giới hạn, đòi hỏi khán giả ngày càng cao. Đến lúc không được thì sẽ có một chương trình khác, ê kíp sáng tạo khác thay thế. Đó là quy luật tự nhiên.

Ngoài đĩa hài Quan trường-trường quan phát hành dịp tết Nguyên đán, Xuân Bắc-Tự Long, Hồng Vân tung tiểu phẩm Cây khát tình trong Xuân phát tài. “Sau đối tượng trẻ em, trong tiểu phẩm này tôi quan tâm đến những người già neo đơn,  đề cập những đứa con bất hiếu. Dù câu chuyện hơi buồn, nhưng cuối cùng phải tỏa sáng, hướng đến ước mơ”, Xuân Bắc nói.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.