Hành trình lưu lạc 120 bảo vật triều Nguyễn - Kỳ 1: Viên cận thần tận trung

Giám đốc bảo tàng (bên trái) nói về bức trấn phong “vạn thọ tứ tuần Đại Khánh”.
Giám đốc bảo tàng (bên trái) nói về bức trấn phong “vạn thọ tứ tuần Đại Khánh”.
TP - Hơn 120 bảo vật của triều Nguyễn từng được cất giấu nhiều nơi ở Huế, sau đó tiếp tục hành trình lưu lạc ly kỳ tại thành phố Đà Lạt. Không chỉ có giá trị cao về mặt kinh tế, các chuyên gia đánh giá số bảo vật này còn mang ý nghĩa to lớn về văn hóa, lịch sử.

Từ những năm cuối của thế kỷ trước, khi tìm kiếm thông tin để viết về nét độc đáo của kiến trúc, hiện vật cũng như những chuyện thâm cung bí sử của vị vua cuối cùng ở nước ta tại Đà Lạt, chúng tôi từng nghe một số người xì xào bàn tán chuyện “ngọc ngà, bạc vàng” ở Dinh 3 hay còn gọi là Biệt điện Bảo Đại. Lời đồn đã được xác tín khi vào đầu tháng 3/2000, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các ngành chức năng, trong đó xác nhận địa phương đang lưu giữ hơn 100 món vàng ngọc châu báu triều Nguyễn.

Hay tin số bảo vật này từng được cất giấu mấy chục năm tại Dinh 3, chúng tôi lập tức tìm đến dinh thự này để gặp bác Nguyễn Đức Hòa (sinh năm 1927, quê quán Thừa Thiên - Huế), cận thần của vua Bảo Đại và cũng là người làm việc lâu năm nhất tại đây. Thật bất ngờ, bác chính là người đã gìn giữ, cất giấu hàng trăm báu vật nói trên suốt mấy chục năm ròng trước tai mắt của nhiều đời tổng thống và tướng lĩnh từng làm việc và nghỉ dưỡng ở Dinh 3.

Hành trình lưu lạc 120 bảo vật triều Nguyễn - Kỳ 1: Viên cận thần tận trung ảnh 1 Thẻ bài của vua Khải Định

Tại phòng tiếp khách lộng lẫy, uy nghi của dinh thự này, bác Hòa kể: Năm 1945, hoàng đế thoái vị, bà Từ Cung (mẹ cựu hoàng Bảo Đại) rời Đại nội về sống ở cung An Định. Khi đi, bà mang theo nhiều bảo vật của triều Nguyễn. Ổn định chỗ ở được vài tháng thì giặc Tây đánh phá dữ dội vào thành Huế, bà vội vàng mang số châu báu này đến cất giấu ở một ngôi nhà ven dòng Hương Giang. Những năm 1946-1948, chiến cuộc ngày càng leo thang, ngôi làng nhỏ ven sông chẳng mấy khi im tiếng súng. Thấy bất ổn, bà Từ Cung chuyển ngược các báu vật về cung An Định.

Năm 1949, được tin Bảo Đại sau 3 năm lưu vong đã trở về Việt Nam làm quốc trưởng, đồng thời thiết lập Hoàng triều cương thổ ở Tây Nguyên và chọn Đà Lạt làm thủ phủ, bà liền cho chuyển các báu vật vào Dinh 3 bằng máy bay riêng của vua Bảo Đại. Lúc đầu bà để những đồ vật quý giá đó trên phòng trang điểm của Hoàng hậu Nam Phương, sau đó chuyển xuống nhà kho cất vào 2 két sắt hiệu Graf – Jaque và Lephénix.

Hành trình lưu lạc 120 bảo vật triều Nguyễn - Kỳ 1: Viên cận thần tận trung ảnh 2 Bát ngọc dùng trong các buổi yến tiệc của cung đình.

Két là một khối thép dày, kích thước 60x50x110cm, nặng hàng tạ với ổ khóa kép 4 chìa. Dưới sự hướng dẫn của bà Từ Cung, chúng tôi gồm 4 người (ông quản gia tên là Duy, ông Huỳnh Công Tráng, bác Hòa và một người nữa mà bác không nhớ tên-PV) dùng khay bê các món cổ vật xếp cẩn thận vào từng két. Dưới mỗi báu vật bà Từ Cung đều dán một mảnh giấy có dấu triện, đánh số rõ ràng. Tự tay bà xếp từng đồ vật quý giá vào khay. Sau khi xếp gọn vàng ngọc, châu báu vào két sắt, bà Từ Cung còn đặt vào mỗi két một bản danh mục liệt kê tất cả các báu vật. Từ đó đều đặn mỗi năm một lần vào mùa hè, bà lên Đà Lạt thăm quốc trưởng và kiểm tra các két sắt này.

Cũng theo bác Hòa, có lần bà Từ Cung kể, số vàng ngọc, châu báu này do nhiều đời nhà Nguyễn để lại và khi bài trí trong cung điện, dinh thự, một số báu vật, đặc biệt là các tượng Phật được các chuyên gia đánh giá như những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không chỉ tinh tế về mặt nghệ thuật mà còn ẩn chứa sức mạnh tâm linh, trí tuệ của con người Việt Nam. Những báu vật đó chỉ có thể được chế tác bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, các cao thủ trong nghề chuốt ngọc, chạm vàng, đúc đồng…

Tưởng rằng “sóng yên gió lặng”, nào ngờ, năm 1955, Bảo Đại bị truất phế bởi vị tướng độc tài của mình là Ngô Đình Diệm và phải chạy sang Pháp xin lưu vong lần nữa. Biệt điện Bảo Đại lần lượt trở thành nơi nghỉ dưỡng, tiếp khách của các tổng thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu… “Làm thế nào mà suốt 20 năm dài đằng đẵng, không ai phát hiện ra nơi cất giấu các báu vật?”, tôi hỏi. “Có tất cả 5 người biết được điều bí mật này thì 3 người sống ở các tỉnh thành khác, riêng ông Duy mất sau đó ít lâu. Như vậy chỉ còn một mình tôi tỏ tường mọi việc”, bác Hòa trả lời. “Sao bác không trình báo việc này với ông Diệm, ông Thiệu?”. “Tôi không thích các ông đó”.

Hành trình lưu lạc 120 bảo vật triều Nguyễn - Kỳ 1: Viên cận thần tận trung ảnh 3 Lư ngọc với hoa và lá khắc nổi.

Vậy là trong suốt 20 năm dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, bác Hòa đã tìm cách biến nhà kho thành nơi sinh hoạt cá nhân, khéo léo che đậy các tủ sắt sao cho thoát khỏi sự dòm ngó của những người xung quanh. Chỉ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bác mới báo cho các đơn vị quản lý dinh: Ban đầu là Văn phòng Trung ương (T78) sau đó đến Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng. Thế nhưng bác Hòa buồn bã nói: 12 năm ròng rã trôi qua mà không ai dám mở các két sắt này vì “sợ bọn ngụy gài chất nổ bên trong”.

Mãi đến năm 1988, Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng mới thành lập Hội đồng giám sát và tiến hành khui két, mang toàn bộ vàng ngọc châu báu về cất ở phòng làm việc của một cán bộ văn phòng trong trụ sở Ban Tài chính Tỉnh ủy (số 8B Quang Trung). Trong quá trình kiểm tra các phòng ở Dinh 3, Tỉnh ủy Lâm Đồng còn phát hiện một bộ tứ tuần Đại Khánh bằng bạc có 9 chữ bằng vàng, 15 chữ bạc và một viên ngọc màu đỏ phía trên, một bình nấu nước bằng bạc có nắp và cũng chuyển về cất giữ tại biệt thự 8B.

Đây là biệt thự cũ một tầng nằm sát đường Quang Trung, trục giao thông chính của thành phố Đà Lạt. Báu vật được cất trong một tủ gỗ cũ (3 mặt chìm trong tường) vừa cải tạo lại (gắn khung sắt, cửa sắt), có 3 khóa khác nhau được giao cho 3 người giữ, mỗi người một khóa. Chiếc tủ này được đặt tại phòng làm việc của ông Nguyễn Văn Dày, Phó Văn phòng Tỉnh ủy. Đó là căn phòng rộng chừng 22m2, có 3 cửa sổ, 2 cửa chính bằng gỗ, trong đó 1 cửa đi thẳng ra sân. Đáng lưu ý, trong khuôn viên biệt thự còn có một dãy nhà phụ và được bố trí cho cán bộ công nhân viên ở. Tham quan một lượt nơi cất giữ báu vật, nhiều người không khỏi thót tim về sự thiếu an toàn của nó.

Hành trình lưu lạc 120 bảo vật triều Nguyễn - Kỳ 1: Viên cận thần tận trung ảnh 4 Đỉnh ngọc dùng để trang trí trong thư phòng cung đình Huế.

Hơn 8 năm sau, trước những ý kiến dị nghị, UBND tỉnh mới mời các ngành chức năng ở Lâm Đồng kiểm kê số báu vật nói trên và chính thức chuyển sang Kho bạc Nhà nước tỉnh Lâm Đồng. Tiếp xúc với một số thành viên ban kiểm kê tài sản của UBND tỉnh và tham khảo những biên bản mở két, bàn giao báu vật, chúng tôi được biết két thứ nhất hiệu Graf – Jaque có 51 món, trong đó 26 món bằng lương ngọc, 8 Agathe, 1 Hoate và 16 pha lê. Két thứ 2 hiệu Lephénix có 66 báu vật gồm 35 lương ngọc, 7 ngọc túy, 24 Agathe. Đó là những cổ vật biểu thị cho uy quyền của các vua quan triều Nguyễn như bút ngọc, phiến ngọc, trấn phong, thẻ bài của  nhà vua; những vật quý giá để trang trí cung đình, dinh thự như lư hương bằng ngọc, bình phong chữ vàng đế ngọc, các tượng kỳ lân, sư tử, voi, nai… được chế tác từ kim loại và phi kim loại quý như vàng, bạc, ngọc, pha lê.

Phong phú hơn cả là các tượng Đức Phật với đủ kích cỡ, màu sắc và kiểu dáng khác nhau. Về kích thước, một số tượng chỉ nhỏ bằng hộp diêm song cũng có tượng to cỡ chiếc bình thủy. Về hình dáng thì mỗi báu vật một vẻ: có những  tượng mang hình bà Phật nâng lộc bình, bê bình bông hoặc tọa đài sen; lại không ít những bức Phật ông cưỡi kỳ lân, đọc sách, đội mũ… Ngoài ra còn phải kể đến những vật dụng sinh hoạt sang trọng của vua chúa như bình rượu ngọc, thau có vành bằng vàng, chậu bạc, ly và chén ngọc bịt vàng, muỗng bịt vàng và cẩn ngọc…            

(Còn nữa)

Bà Từ Cung kể, số vàng ngọc, châu báu này do nhiều đời nhà Nguyễn để lại và khi bài trí trong cung điện, dinh thự, một số báu vật, đặc biệt là các tượng Phật được các chuyên gia đánh giá như những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không chỉ tinh tế về mặt nghệ thuật mà còn ẩn chứa sức mạnh tâm linh, trí tuệ của con người Việt Nam. Những báu vật đó chỉ có thể được chế tác bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, các cao thủ trong nghề chuốt ngọc, chạm vàng, đúc đồng…

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.