Hát cùng Siêu Chíp: Khi một gà hai mẹ

So sánh hình ảnh chú gà của đạo diễn Lưu Mạnh Tiến và chú gà trong chương trình “Hát cùng Siêu Chíp”. Ảnh: Nhã Khanh.
So sánh hình ảnh chú gà của đạo diễn Lưu Mạnh Tiến và chú gà trong chương trình “Hát cùng Siêu Chíp”. Ảnh: Nhã Khanh.
TP - Việc tranh chấp bản quyền nghệ thuật xưa nay không hiếm, nhưng khi cả hai bên đều có giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả thì đây là lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam.

Bốn tháng qua, đạo diễn - họa sĩ Lưu Mạnh Tiến (bút danh Lưu Tiến) gửi đơn tới các cơ quan chức năng, phản ánh chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” vi phạm bản quyền hình ảnh mà Cục Bản quyền và Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp cho anh.

Tranh chấp xung quanh hình ảnh con gà

Ngày 1/4/2016, đạo diễn Lưu Mạnh Tiến gửi đơn khiếu nại lên Cục Bản quyền tác giả, sau khi phát hiện chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” trên VTV2 sử dụng các hình ảnh giống hệt tác phẩm của anh, từ tên nhân vật hoạt hình đến tên chương trình. “Theo các văn bằng được cấp và các tài liệu, phim ảnh tôi đã công bố rộng rãi, hình ảnh và tên các nhân vật Gà Con, nhân vật Sâu Xanh, Ban nhạc Gà Con - Ban nhạc Siêu Chíp là của tôi sáng tác.

Năm 2014, người ta cố tình “bóp méo” hình ảnh con gà để tạo sự khác biệt nhưng nếu so sánh sẽ nhận ra đây là sự sao chép tác phẩm của tôi. Không dừng lại ở đó, từ năm 2015, chương trình “Hát cùng Siêu Chíp” chuyển sang sử dụng các nhân vật giống y chang với tạo hình nhân vật Gà Con mà tôi là tác giả, đồng thời là chủ sở hữu từ năm 2009. Đây là sự vi phạm bản quyền rất rõ ràng”, ông Tiến nói.

Tuy nhiên, Cty Kim Cương, đơn vị cung cấp bản quyền cho chương trình, vẫn phủ nhận việc vi phạm bản quyền và khẳng định, hình ảnh nhân vật cùng kịch bản chương trình này đã được Cục Bản quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

“Khi tôi trao đổi với đại diện các hãng phim hoạt hình nước ngoài, họ rất ngạc nhiên về tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan tại Việt Nam. Vụ việc của tôi chỉ là một việc nhỏ trong bức tranh bản quyền của nước ta, nhưng nếu không được giải quyết, sẽ bóp chết sự sáng tạo của các nghệ sĩ và khiến những người làm nghề như tôi mất niềm tin”.

Đạo diễn - họa sĩ Lưu Mạnh Tiến

 

“Tôi rất bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy tờ giấy đó trong buổi họp với VTV. Giấy chứng nhận của tôi được cấp ngày 9/9/2009, còn giấy chứng nhận của bà Nguyễn Thu Hà (Cty Kim Cương) mới được cấp ngày 6/2/2015, và lại cùng về các nhân vật Gà con giống nhau cả về tạo hình lẫn tên gọi. Tôi không hiểu vì sao lại có sự trùng lặp như vậy nên đã tiếp tục gửi đơn đề nghị Cục Bản quyền làm rõ các giấy chứng nhận mà Cục đã cấp cho Cty Kim Cương”, ông Tiến kể.

Đầu tháng 8, đúng 4 tháng sau lá đơn đầu tiên của ông Tiến, lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Hà (đại diện Cty Kim Cương), người đứng tên đăng ký tác giả sở hữu các nhân vật trong “Hát cùng Siêu Chíp”, vắng mặt không lý do. 

Đại diện Cty Kim Cương là một nhân viên mới vào làm chưa đầy một tháng. Cục Bản quyền tác giả yêu cầu các bên tiếp tục tập hợp bằng chứng và hoàn thiện tài liệu nộp cho Cục. Cuối tháng 8, Cục sẽ tổ chức thêm một buổi họp để có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Hát cùng Siêu Chíp: Khi một gà hai mẹ ảnh 1 Đạo diễn - họa sĩ Lưu Mạnh Tiến.

Cấp giấy cho cả hai bên: Có bình thường?

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, giải thích: “Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn. Theo đó, đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả”. Nghĩa là, việc cấp giấy chứng nhận của Cục thực chất chỉ mang tính “đăng ký”, chứ không có ý nghĩa trong việc “chứng nhận”.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội), việc Cục Bản quyền cấp giấy cho cả hai tác giả dù đúng luật nhưng không hợp lý. “Cục nên có chức năng thẩm định, điều tra các hồ sơ đăng ký để bảo vệ và chứng nhận bản quyền cho tác giả chứ không thể để tình trạng “một con hai mẹ” được. Nếu hồ sơ nào cũng nhận thì sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, khi có tranh chấp xảy ra rất khó để giải quyết. Vụ kiện “Hát cùng Siêu Chíp” chỉ có hai tác giả chứ nếu xảy ra 3-4 bên tranh chấp thì còn rắc rối hơn nhiều”, ông Tú nói.

Luật sư Phạm Trung Hiếu, người hỗ trợ pháp lý cho đạo diễn Lưu Mạnh Tiến, nói: “Rất may, ngoài Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền của Cục Bản quyền, anh Tiến còn có một loạt văn bằng do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Tại cơ quan này, các đơn đăng ký phải trải qua quá trình thẩm định kỹ lưỡng có khi đến vài năm. Và khi được cấp thì các nhãn hiệu “Gà Con” của anh Tiến chính thức được bảo hộ. Do vậy, tính pháp lý là rất cao”. 

Theo tài liệu luật sư Hiếu đưa ra, Cty Kim Cương cũng từng đăng ký, nhưng bị Cục Sở hữu trí tuệ từ chối bảo hộ vì đã sử dụng các nhân vật Gà Con trùng lặp với các nhân vật, nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó dưới tên tác giả Lưu Mạnh Tiến. “Chúng tôi đã chuẩn bị hồ sơ để chuyển lên thanh tra Bộ KH&CN, trong trường hợp Cục Bản quyền tác giả không thể giải quyết triệt để vụ việc”, luật sư Hiếu cho biết.

MỚI - NÓNG