'Hậu duệ mặt trời' và bài học lịch sử

TP - Phim Hậu duệ mặt trời phát hành trên mạng, kịp gây sốt trong giới trẻ Việt Nam. Bài viết sau đây để thông tin đa chiều sau bài “Nóng như Hậu duệ mặt trời” (Tiền Phong 29/3).

Một ngày sau khi đăng Facebook, bài viết của của nhà báo Quang Thi nhận được gần 8 vạn lượt chia sẻ. Con số kỷ lục đó vẫn đang tiếp tục tăng. Có thể hiểu được vì ngoài việc động đến bộ phim chưa lên sóng truyền hình đã sốt, bài viết đưa ra nhiều dữ liệu lịch sử Việt - Hàn gây sốc đặc biệt với một bộ phận người trẻ ít có cơ hội tìm hiểu quá khứ dân tộc.

Xuất phát điểm từ cơn sốt phim Hậu duệ mặt trời, nhiều bạn trẻ và người nổi tiếng ghép mặt mình vào quân phục của diễn viên trong phim. Tác giả bài viết tỏ thái độ với sự vô tâm đó và dẫn hàng loạt dữ kiện nhắc nhớ lính Hàn từng gây tội ác với thường dân khi đánh thuê cho Mỹ tại miền Trung Việt Nam. Trong khi phía Hàn Quốc vẫn chưa có động thái chính thức về việc này. Nhất là khi Việt Nam vẫn im lặng.

'Hậu duệ mặt trời' và bài học lịch sử ảnh 1

Một số sao Việt cho hay ảnh họ trong quân phục “Hậu duệ mặt trời” do người hâm mộ ghép.

Tất nhiên bài viết cũng nhận khá nhiều gạch đá từ những người chỉ quan tâm đến nghệ thuật, không muốn gợi lại quá khứ. Nhưng cũng có những người trẻ nói lời cảm ơn vì nhân dịp này biết thêm về lịch sử dân tộc. Dù sao cũng không thể ngăn cản một luồng chia sẻ tiếp theo: những bài viết, hình ảnh tội ác chiến tranh ở Việt Nam của lính Hàn “đội mồ” sống dậy trên mạng xã hội. Hiệu quả này có lẽ những người làm Hậu duệ mặt trời tuyên truyền cho quân đội Hàn Quốc không thể
lường trước.

Người Việt không dễ quên, cũng như người Hàn Quốc vậy. Quên hoặc lờ đi không nhắc tới- chắc cũng không phải liều thuốc hữu hiệu để hàn gắn vết thương quá khứ. Ai đến thủ đô Seoul đều có thể thấy tượng cô gái Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục trước đại sứ quán Nhật Bản nhắc nhở người Nhật về những gì lính Nhật đã làm với 200 ngàn phụ nữ Triều Tiên trong Thế chiến II. Người Hàn cho rằng Nhật vẫn chưa thừa nhận đúng mức chuyện này. Theo Quang Thi: “Người Hàn còn nhân nhiều phiên bản bức tượng này ra thế giới, làm thêm bức tượng cô gái Trung Hoa bên cạnh để tố cáo tội ác của lính Nhật”. Khoan hãy nói về sự “thù dai”. Một dự án nghệ thuật như vậy còn thể hiện lòng xót thương với đồng loại, đồng bào và tất nhiên ý thức dân tộc.

Quang Thi quê miền Trung, từ nhỏ đã được nghe kể về tội ác của lính Hàn. Lớn lên anh tìm hiểu thêm về trang sử ít được nhắc tới đó. Có thời gian ở Hàn Quốc trong một đợt trao đổi văn hóa, anh cho hay: “Hàng năm, những trí thức tiến bộ của Hàn Quốc trở lại miền Trung Việt Nam để tham dự tưởng niệm, để nói lời xin lỗi, ăn năn, để tìm hiểu một phần đen tối lịch sử của dân tộc họ ở một đất nước khác…”.

Giữa tháng Tư tại TPHCM sẽ có lễ hội té nước như Thái Lan - một đơn vị chuyên tổ chức sự kiện cho giới trẻ loan báo. Quy mô dự kiến cả vạn người, giá vé có thể đến 360.000đồng/người. Với số tiền này, người dân đang phải chịu hạn ở Tây Nam bộ có thể mua được gần 2m3 nước sinh hoạt. Lễ hội Holi của người Hindu gần đây cũng được du nhập vào ta, trở thành những cuộc ném bột màu có thu phí. Học sinh cấp III học theo mua phẩm màu về trộn bột mì ném nhau để chụp ảnh kỷ yếu. Vấn đề là các em thường chơi phẩm màu công nghiệp giá rẻ có hại cho sức khỏe. Nhắc đến ảnh, mới đây ý tưởng chụp ảnh cưới với chú rể và dàn trai 6 múi trong quân phục Hàn Quốc cũng rất được cư dân mạng tán thưởng.

Việt Nam trải qua một quá khứ nhiều đau thương và hiện tại vẫn còn đầy gian khó. Nhưng chắc không phải vì thế mà trời phú cho dân mình trí nhớ ngắn hạn và tinh thần ham vui như một sự đền bù?!

“Tôi kể ra đây không phải để kích động lòng thù hằn. Nhưng những gì là sự thật lịch sử thì nó là sự thật lịch sử. Và trở lại câu hỏi: Chúng ta ứng xử với lịch sử dân tộc như thế nào?

Có người sẽ đặt câu hỏi: Vậy lính Mỹ thảm sát thì sao? Tôi sẽ nói rằng vụ thảm sát Mỹ Lai (Quảng Ngãi) năm 1969 bị phát hiện ngay lúc đó, đem lại giải Pulitzer cho nhà báo điều tra Seymour Hersh năm 1970. Ngay những vụ thảm sát ven sông Vệ (Quảng Ngãi) của lực lượng Tiger Force của Mỹ bị điều tra muộn hơn, cũng được công nhận bằng giải Pulitzer 2004 cho tờ The Toledo Blade của Mỹ. Người Mỹ thừa nhận tội ác của binh lính họ với thường dân Việt Nam.

Còn Hàn Quốc? Những năm 1990, khi tờ Hankyoreh của Hàn công bố loạt phóng sự điều tra những vụ thảm sát của lính Hàn với thường dân Việt Nam, cựu binh Hàn kéo đến đốt phá trụ sở tờ báo này. Toàn bộ dữ liệu tòa soạn bị mất sạch, một người chết, một người tàn phế suốt đời… Cuộc tấn công bạo lực đó của các cựu binh Hàn không có sự ngăn cản nào của chính phủ. Các cựu binh luôn hét to là không có thảm sát.

Nhà báo Quang Thi

MỚI - NÓNG