Hiểu không cần lý

Hiểu không cần lý
TP - Nói thành quen, viết thành quen, cái quen dần nghe xuôi tai, nhìn thuận mắt. Thực ra rất nhiều cái quen ấy chứa đầy mâu thuẫn.

Khi nói “trên khắp toàn cầu” là hàm ý trên toàn bộ tinh cầu này, vậy “trên toàn cầu” là đã đủ, hoặc “trên khắp hành tinh” là đã ổn. Đã khắp lại còn toàn, chẳng biết là quy mô còn bao phủ đến tận đâu. 

  

Rồi cũng lại nói: từ khắp mọi miền đất nước. Đã khắp lại còn mọi. Từ mọi miền đất nước. Từ khắp miền đất nước. Chắc thế đã đủ ý và gọn.

Cũng vậy: tất cả mọi người có mặt đều vui. Đã tất cả lại còn mọi. Tất cả những người có mặt đều vui. Mọi người có mặt đều vui. Đủ chưa nhỉ?
Cái biển cảnh báo đặt trước chợ ghi rõ ràng: cấm không được mang xe vào chợ. Cấm mang xe vào chợ. Đã đủ. Không được mang xe vào chợ. Đã đủ. Nhưng ghép hai từ hàm nghĩa nhấn mạnh hơn.

Cấm không được đã thành câu đầu lưỡi, đã thành cụm từ không muốn tách rời. Bẻ chữ bẻ nghĩa thì người ta cấm cái chuyện không được mang xe vào, tức là được mang xe vào chợ. Nhưng người Việt vẫn rất hiểu nghĩa của cái cụm từ cấm không được. 

Chẻ chữ chẻ nghĩa ra thì câu này cũng mang nghĩa ngược: đó là một hành động mà anh đã tránh không thực hiện. Anh đã tránh cái việc không thực hiện, tức là anh đã thực hiện. Cấu trúc câu tiếng Việt thực ra tưởng như thừa một chữ, nhưng là để nhấn mạnh. Giở lý ra thì phải thêm dấu phẩy: đó là một hành động mà anh đã tránh, không thực hiện.

Có ngoại ngữ, một ngôn ngữ phương Tây chẳng hạn, người ta có điều kiện đối chiếu ngữ pháp. Mới học tiếng Anh, người ta có thể thấy ngay sự bất hợp lý của mẫu câu tiếng Việt: mặc dù trời mưa nhưng nó vẫn đi học. Đã mặc dù, lại còn nhưng. Tiếng Anh đã Although, đã Though, thì thôi But. Mặc dù trời mưa, nó vẫn đi học. Nghe vẫn xuôi. 

Nhưng những nhà ngôn ngữ học như Cao Xuân Hạo thì bảo thế mới là tiếng Việt. Đừng có lấy một ngôn ngữ khác mà làm chuẩn. Đừng có dĩ Âu vi trung, đừng có lấy châu Âu làm trung tâm. Lấy quy định chủ ngữ vị ngữ mà soi vào tiếng Việt thì không giải thích nổi và làm hỏng tiếng Việt. 

Tiếng Việt vẫn cứ “mặc dù… nhưng” đấy. Tiếng Việt vẫn cứ “cấm không được” đấy. Hãy cố hiểu nó chứ đừng cố lý giải nó hoạnh họe nó. 


MỚI - NÓNG