'Hoa hậu Điện Biên' ngày ấy, bây giờ?

Minh họa của Khều
Minh họa của Khều
TP - Nói ngay cho vuông là lúc đầu rất chuế cái cụm từ Hoa hậu Điện Biên để gọi một trọng phạm nữ ma túy trong vụ án Xieng Penh Vũ Xuân Trường năm 1997. Nhưng rồi hình như đời sống vốn là mẹ đẻ của ngôn ngữ nên cụm từ ấy cứ dai dẳng rồi đâm trở nên thuận tai thuận miệng?

Chuế bởi khung cảnh oi nực ngột ngạt của phiên tòa đại hình xử các tội phạm ma túy cộm cán từ trước tới nay chưa bao giờ có cứ vô khối những xì xào lẫn xầm xì đấy, hoa hậu Điện Biên. Hoặc hoa hậu kia kìa!

Cố nghển đủ kiểu để chiếu cái nhìn về phía người đàn bà đã 3 con đang ngồi ở ghế bị cáo kia quả là vất vả bởi phiên tòa cứ ngàn ngạt người. Tò mò, hiếu kỳ, bực bõ và ít nhiều thương xót. Có lẽ tâm trạng thiên hạ lúc này là thế chăng?

Người đời thường đồng thuận một định kiến rằng, đàn bà mới ngủ dậy chưa trang điểm và trong đau khổ khủng hoảng gì đấy thì khó gọi là được mắt. Nhầm to. Như trường hợp của bị cáo Nguyễn Thị Hoa đây, vẻ như khép nép thu mình trong nhỡn lực săm soi của vô số ánh mắt cùng đèn chiếu của các loại máy ghi hình gương mặt thiếu phụ kia không tố lên vẻ căng mởn để những xôi thịt hau háu dễ chộp được mà là âm u, mà đằm dịu cùng thê thiết não nùng. Bộ y phục đề lao chừng như đang xúc phạm đang phỉ báng sâu sắc những đường nét người ngọc. Là trọng phạm chắc là liên miên những lần đi cung bất kể ngày đêm cùng vô số áp lực câu hỏi cỡ tạ tấn của các nhân viên điều tra. Và dứt khoát là mất ngủ và cái gì đấy hoảng loạn? Nhưng cái quầng mắt kia không tố sự sâu trũng hốc hác mà chết cái, như một thứ trang sức u ẩn trên khuôn mặt mịn màng. Chả trách được vô khối những sự mau mồm. Những là hoa hậu… Hoa hậu Điện Biên?!

Khi Nguyễn Thị Hoa chuẩn bị ra tòa, nghe có người bảo nếu lấy xác nhận là con của người có công, thì sẽ được giảm án. Ông Đức, bố Hoa đi vay tiền, thuê xe ôm chạy mấy trăm cây số sang Lào để tìm lại và xin xác nhận giấy tờ, huân huy chương ông từng được tặng thưởng. Nhưng sang đến Phong Sa Lỳ, chiếc xe chở ông gây tai nạn, bị gãy chân phải đưa về nhà nằm cả mấy tháng. Sau cái đận ấy, cùng với những nỗi đau buồn từ con gái, ông quỵ hẳn, bị tai biến mạch máu não, nằm liệt gần chục năm trời đến khi nhắm mắt lìa đời vào đầu năm 2003…

Và tôi đã bứt nhanh chóng khỏi phiên tòa hừng hực khí thế cùng hơi người oi nồng để sà vào quán nước bên kia đường khi loa phóng thanh dõng dạc lời tuyên của ông chánh án. Rằng người đẹp ấy, hoa hậu Điện Biên ấy, tổng hợp khung hình phạt tử hình!

Người đẹp thường dễ làm ăn? Tôi chả mấy tin vào định kiến ấy bởi cư dân Điện Biên có đến lắm người đẹp nhưng sự mưu sinh đa phần tất tả? Tôi ngờ là cái giống lúa IR 69 Điện Biên đại trà nhưng là đặc sản xứ này thổi lên thứ cơm dẻo ngọt làm trắng da đen tóc từ chanh cốm đến thiếu phụ xứ này? Vậy nên anh tài xe tải chuyên chạy đường dài lẫn đường rừng Hà Mạnh Luyện, vợ con đề huề dưới xuôi khi nhìn thấy cô con gái của một gia đình mà cánh lái xe thường hay lui tới ở Điện Biên kém mình đến 20 tuổi đã rụng rời đổ đốt? Cú sét ấy là ái tình hay thói trăng hoa? Chả biết được nhưng họ đã nên vợ nên chồng. 

'Hoa hậu Điện Biên' ngày ấy, bây giờ? ảnh 1

Ngã vào tay ông tài xe tải hơn mình hai thập kỷ với người con gái mơn mởn măng tơ thị trấn Điện Biên thì đích thị là tình yêu chứ không có gì là na ná hết! Cái phúc bên vợ chẳng bằng cái nợ bên chồng? Các cụ vẫn than vậy… Không biết cái nợ nhà ông Luyện nó thế nào mà đày đọa Hoa quá thể?

Tôi có chú em CTV Vũ Mạnh Hà tính tình vui vẻ mau mắn siêng viết tin bài ở Phòng Công tác chính trị Công an Điện Biên, trước là Lai Châu, Hà kể lại gia cảnh của Hoa mà nẫu ruột.. Bà mẹ Hoa là Đồng Thị Pạ quê gốc ở Hải Phòng. Ông ngoại Hoa làm đồn điền cho Pháp, cuộc mưu sinh đã đưa ông sang tận Phong Sa Lỳ (Lào) từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Ông lấy vợ người Lào được 5 người con, trong đó có bà Pạ. Chồng bà, ông Nguyễn Văn Đức sinh ra và lớn lên trên đất nước Triệu Voi. Ông Đức từng là bộ đội Việt Minh chiến đấu tại chiến trường Lào. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông bà đưa cả 5 người con, 2 trai, 3 gái về sinh sống và lập nghiệp tại Điện Biên. Nguyễn Thị Hoa là con thứ 3 trong gia đình…

Bà Pạ không biết Hoa buôn cái chết trắng từ bao giờ? Người ta buôn bán ma túy thì phải giàu có, nhưng Hoa thì không. Trước khi Hoa bị bắt nửa tháng, ông Đức - chồng bà đi vay người họ hàng được 1,5 triệu đồng, dự định sang Phong Sa Lỳ thăm họ hàng, nhưng Hoa cũng nài nỉ mượn để lo công việc gì đó. Đến khi Nguyễn Thị Hoa bị bắt, Công an khám nhà, tiền mặt trong tủ chỉ có đúng 70 ngàn đồng.

Vợ đi tù, ông Luyện ở nhà mở cửa hàng karaoke, và chứa chấp gái mại dâm. Cuối năm 2003, lần thứ hai bị bắt quả tang về hành vi chứa chấp và tổ chức mại dâm và buôn bán trái phép chất ma túy, 2 bố con ông Luyện cùng kéo nhau vào trại. Ông Luyện bị án 7 năm, cậu con cả Hà Mạnh Quyết án phạt 5 năm. Một điều khủng khiếp cả ông Luyện và Quyết khi vào trại đều đã bị nhiễm HIV. Đầu năm 2007, hai bố con ông Luyện được đặc xá tha tù trước thời hạn, vì sức khỏe quá yếu. Ông Luyện về quê và đã chết tại Hải Dương. Hà Mạnh Quyết chết sau bố 3 tháng vì căn bệnh AIDS… Bố và anh cả đi tù, cậu con trai thứ hai Hà Mạnh Hoàng, sinh năm 1984 cũng bỏ học rồi chơi ma túy. Căn nhà của vợ chồng Hoa để lại ở ngay mặt tiền đại lộ 7 - 5, thuộc địa bàn phường Nam Thanh khang trang là thế, nhưng cũng bị Hoàng phá, cạy lấy từng thanh sắt, khung cửa sổ đem bán lấy tiền hút chích. Hoàng cũng “dính” HIV. Cái chết đã cướp cậu vào một ngày đông giá rét 2009

… Trại giam số 5 Thanh Hóa.

Tôi ngỡ người của Trại giam nhầm. Đây không thể là hoa hậu Điện Biên năm ấy?

Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Một đêm đau khổ dằn vặt cùng cực có thể khiến tóc người ta bạc trắng… Hoa tóc không bạc nhưng vẻ người ngọc đã biến đâu để lại một hình hài ơn nhược dường này? Cố gắng chắp nối những ký ức, những tưởng tượng cũng chỉ hiển hiện một mái tóc dẫu đen nhưng xơ xác. Khuôn mặt như phong sương, cái trán như dô hơn? Phải rồi, án chung thân. Gần như dập dồn hung tin chồng chết hai con trai chết. Có vợ nào, mẹ nào? Người đấy, nào phải gỗ đá?

Khóc nhiều. Thường xuyên mất ngủ… Chất giọng ngập ngừng, miễn cưỡng gần như nhấm nhẳn khi Hoa tiếp chuyện khách không mời mà đến như tôi. Hoa nói chứ không phải bộc bạch, na ná như lời quản giáo giới thiệu cho các nhà báo đến thăm Trại 5 công việc tâm tư tình cảm của một số phạm nhân đặc biệt trong đó có Hoa. Hoa rất khéo tay. Việc của Hoa là đan thêu. Chuyên chăm sóc cây cảnh. Chăm chỉ. Nghiêm túc chấp hành để mong ngày về…

Dạo chúng tôi đến, Hoa mới thụ án hơn 12 năm? Chung thân cứ gọi là dằng dặc…

Và như có cơ duyên lần đi Điện Biên cuối năm ngoái. Ở Hà Nội lên, chúng tôi đỗ xe vào cái quán nước gần nghĩa trang Điện Biên. Tình cờ, cái quán ấy ngay cạnh cửa nhà Hoa. Lại tình cờ hỏi thăm…

Căn nhà ngó vẻ ngóc ngách âm u. Hoa đang ngồi lặng lẽ bên bàn nước. Lòng nhà rỗng chẳng có vật gì đáng giá. Hoa bình thản tiếp chuyện khách mà Hoa không quen dẫu một lần chớp nhoáng nói chuyện với Hoa ở Trại 5. Một trong những loại khách Hoa thường xuyên phải tiếp và tránh?

Từ chung thân giảm xuống 20 năm. Do cải tạo tốt Hoa được đặc xá. Chi dùng quỹ thời gian của một đời người cho gần 15 năm với 5.400 ngày tù! Cái giá tự do của Hoa tất tả và đắt đỏ làm sao?

Khác nhiều so với dạo ấy ở Trại 5. Vẫn manh mảnh nhưng trên gương mặt u buồn ngày ấy như đã thêm nhiều sinh khí? Làn tóc để xõa như mượt, đen hơn? Thấy tôi cứ chăm chăm nhìn vào lọ hoa trên bàn nước cắm độc mỗi bông hồng mắt Hoa như có ánh sáng khác lạ hướng về phía một chàng trai nhỏ nhắn đang lễ phép rót nước mời khách thằng cu Khoai nhà em đấy. Ngày nào cũng có hoa cho mẹ…

Khi Hoa bị bắt, thằng cu Khoai (Hà Quốc Anh) này mới 8 tuổi. Bây giờ đã là chàng trai. Không chỉ chuyện vặt sắm hoa cho mẹ Hoa, mà Hà Quốc Anh, trong câu chuyện đương dần cởi mở với khách lạ, như một cái gậy chống, như chỗ dựa cho người mẹ từng chất chồng những bất hạnh. Hoa đang giục con trai về cái sổ đỏ để làm thủ tục sửa sang lại căn nhà đã vẹo vọ này. Có thể cho thuê tiếp có thể mở quán cũng phải xoay xỏa để sống chứ các anh… Chú em đồng nghiệp mau mắn nhà mặt phố lo gì không sống được hả chị Hoa…

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.