Họa sĩ bán tranh cho Tây: Đại gia kín tiếng

Ngành nào cũng có đại gia, trong hội họa cũng vậy. Đại gia mỹ thuật, chính là các họa sĩ nức tiếng trong làng hội họa Việt Nam đương đại. Nhưng nếu thông tin về họ thì rất ít.

Thu nhập của các họa sĩ đương đại vẫn là một con số bí mật. Ở ngành nào cũng vậy, có người giàu kẻ nghèo, nhưng hội họa thì sự chênh lệch phân biệt nhìn rõ như ban ngày. Có một nhóm họa sĩ Việt con số này không nhiều, giàu nứt đố đổ vách, kinh tế hoàn toàn mang lại từ nguồn bán tranh của chính mình với thu nhập khủng. Ngành nào cũng có đại gia, trong hội họa cũng vậy. Đại gia mỹ thuật, chính là các họa sĩ nức tiếng trong làng hội họa Việt Nam đương đại. Nhưng nếu thông tin về họ thì rất ít.

Có chăng hoặc chỉ một vài tin ngắn nho nhỏ về việc họa sĩ mang tranh sang thị trường nước ngoài bán đấu giá được đăng trên mạng. Nhưng, từ con mắt của những nhà chuyên môn trong nghề thì bán tranh tiền khủng và xu thế phát triển tranh là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Mang tranh Việt sang xứ người đấu giá

Thị trường tranh sôi động vào những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, và kéo dài cho đến đầu những năm 2000. Lúc này họa sĩ Việt Nam đương đại phân biệt đẳng cấp thấy rõ không phải là do các thầy nội định giá mà do các gallery ở nước ngoài hoặc tại các cuộc triển lãm tranh quốc tế, giá trị của một bức tranh được tính với số tiền khiến cho người ta choáng váng. Và, hội họa nước ta như một cuộc chuyển mình trở dậy và có đất sống.

Họa sĩ bán tranh cho Tây: Đại gia kín tiếng ảnh 1

Tranh của họa sĩ Lê Thanh Sơn.

Lúc này những gương mặt đầy triển vọng, sáng giá như được đeo vương miện của một loạt tác giả như Phạm Luận, Lê Thanh Sơn, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Quang Em, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân… trở thành những cái tên hot trong làng hội họa trong nước.

Cách đây mấy năm, thì theo nhận xét của nhiều người có uy tín trong giới hội họa, mỹ thuật Việt Nam đang đi xuống một cách thê thảm. Tranh của những họa sĩ có uy tín mang đi triển lãm không còn có giá giật mình nữa, thậm chí rớt giá kinh khủng so với việc định giá ban đầu.

Vào trung tuần tháng 8 năm ngoái, tại Singapore có hai sàn đấu giá. Tại sàn Larasati ở Goodwood Park Hotel, giá tranh của Bùi Hữu Hùng đạt mức 4.270 SGD, tranh của Đỗ Quang Em ở mức 2.440 SGD, Nguyễn Thanh Bình là 1.464 SGD, Đặng Xuân Hòa cũng có giá tranh ngang bằng với Nguyễn Thanh Bình là 1.464 SGD, Nguyễn Tấn Cương có mức giá là 3.172 SGD.

Tại một cuộc triển lãm khác tại quốc đảo Sư tử này, tranh của họa sĩ Đặng Xuân Hòa bán được với mức giá 2.000 SGD. Nhiều người ngạc nhiên vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra với những họa sĩ có tiếng và số tiền bán tranh lại tỉ tỉ lệ nghịch với tên tuổi của họ. Đem so sánh  thì ngay tại các triển lãm tranh ở nước này trước đây, một số họa sĩ trẻ Việt Nam như Nguyễn Đình Hiền, Trần Quốc Tuấn, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Bảo Ngọc, Lưu Nguyễn Hướng Dương giá tranh giao động từ 3.000 - 8.000 SGD.

Số tiền định giá bức tranh khiến cho giới mỹ thuật giật mình bồn chồn như ngồi trên đống lửa. Sự thực thì từ nhiều năm nay tranh của các họa sĩ Việt Nam đương đại không còn ăn khách trên sàn quốc tế, cụ thể là vào tháng 7-2013 trong phiên đấu giá Modern& Contemporary của Nhà Larasati (Singapore) các họa sĩ Việt có giá tranh thấp hơn khởi điểm là Phạm Luận, Trịnh Thanh Tùng, Lê Vượng, Vũ Công Điền, Hoàng Đức Dũng, Doãn Hoàng Lâm…

Tranh của một họa sĩ có tiếng Nguyễn Quang Em với giá khởi điểm là 8.000 - 12.000 SGD nhưng chỉ bán được 4.800 SGD thấp hơn rất nhiều so với mức định giá ban đầu. Tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình có giá khởi điểm là 2.500 - 3.500 SGD, lên đến 9.150 SGD. Tranh của họa sĩ Đặng Xuân Hòa đã tăng gấp đôi so với giá khởi điểm ban đầu từ 3.000 - 4.000 SGD lên 7.930 SGD.

Dù sao, thị trường tranh ở nước ngoài cũng được đánh giá là sôi động hơn thị trường trong nước. Nhiều gia đình vợ con họa sĩ chăm chỉ, cặm cụi học tiếng Anh cũng cốt là để có chút vốn liếng ngoại ngữ để tiện việc giao tiếp, làm quen, trò chuyện với các ông bà đại sứ nước ngoài, để chồng mình, cha mình, có cơ hội mang tranh đi nước ngoài triển lãm. Nhiều người bán tranh trực tiếp, nhiều người gửi đến các gallery. Có họa sĩ rất ít khi gửi đến các gallery, hoặc triển lãm trong nước vì họ đã định vị địa bàn bán tranh là thị trường nước ngoài.

Hàng khủng trong giới họa sĩ đương đại

Có nhiều lý do để cho thấy sự tụt dốc đáng báo động của hội họa Việt liên tiếp trong những năm gần đây nhưng dù sao hiện nay họ vẫn là những "ông lớn", "siêu đẳng cấp" trong làng mỹ thuật Việt Nam đương đại, với nguồn kinh tế dồi dào, được cho là kiếm tiền và tích lũy từ hàng chục năm trước.

"Giới họa sĩ đẳng cấp thì siêu giàu, ăn trên ngồi trốc, tiền nhiều như quân Nguyên, cuộc sống vương giả, biệt thự rải khắp nước, nhà mua cả mớ. Những họa sĩ này chủ yếu là bán tranh ra nước ngoài, họ lên báo nước ngoài không cần lên báo Việt Nam. Con số này không nhiều...". Đây là nhận xét của một chủ gallery có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, mà sự thực những gì chúng tôi mắt thấy tai nghe để đo độ chịu chơi của họ thì khỏi phải nói.

Họa sĩ bán tranh cho Tây: Đại gia kín tiếng ảnh 2

Tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình.

Một họa sĩ có tiếng mua tòa nhà to đùng ở phố Hàng Bài (Hà Nội). Một họa sĩ có tiếng khác tậu biệt thự mặt phố ở Ngô Quyền. Một họa sĩ khác nữa cũng ở nhà biệt thự trên phố Lý Thường Kiệt. Ngoài nhà đang ở thuộc nhà biệt thự thì họ còn mua thêm nhiều căn hộ chung cư cao cấp để giữ tiền hoặc cho thuê. Lần nọ tôi tiếp xúc với một họa sĩ có tiếng bán tranh thuộc hàng đẳng cấp trong giới hội họa. Anh có hai căn hộ trong khu chung cư cao cấp trên phố Hoàng Hoa Thám. Anh mua hai căn, một căn để ở, một căn làm xưởng vẽ.

Anh bảo: "Bây giờ khách người Việt mua tranh cũng nhiều. Nước ta hiện nay cũng có nhiều đại gia biết chơi tranh, có bức anh bán 40.000 USD". Tôi tưởng mình nghe nhầm liền hỏi lại: "40.000 hay 4.000 USD?". Anh tưng tửng bảo: "4.000 USD là tầm phọt phẹt rồi. Có nhiều họa sĩ bán tranh giá một vài nghìn đô như vậy lắm. Nhưng họ bán nhiều, bán mớ, bán một lần vài chục bức". Nhưng anh cũng dặn dò tôi kỹ lưỡng, đây là nói chơi trên bàn tiệc, chứ không có giấy má giao kèo cam kết gì đâu, cái này còn liên quan đến thuế má nữa.

Trong giới hội họa cũng không ai lạ gì một họa sĩ có tiếng thậm chí nức tiếng về biệt tài vẽ tranh và họa sĩ này rất phát về điền địa, về sưu tập đồ cổ, nhưng sự thực là tranh của ông không thuộc hàng đỉnh. Người trong nghề bảo ông là họa sĩ bán mớ, bán một lúc vài chục bức. Nhưng kể như vậy, tích tiểu thành đại, vậy là số tiền bán được từ tranh cũng khiến cho thiên hạ phải kính nể.

Điểm mặt những hàng đại gia trong giới hội họa thì thấy họ đi xe sang, ở nhà đẹp, lấy vợ xinh. Trò chuyện với nữ họa sĩ Thúy Hằng vợ họa sĩ Đặng Xuân Hòa, chị cười bảo: "Đúng là người ta bảo chân dài đi với đại gia. Giới đại gia hội họa hầu như cậu nào cũng kém miếng khó chịu, học nhau dăm ba đời vợ toàn là xinh tầm cỡ người mẫu, hoa hậu, một chồng một vợ là của hiếm, quý lắm".

Tại sao tranh Việt lại rớt giá trên sàn quốc tế?

Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Phạm Luận kể: "Có họa sĩ rất nổi tiếng bán tranh của chính mình rất chạy, một mình thì vẽ không xuể, nên tổ chức một số tay mơ đến ngồi chép nhái phong cách của chính mình. Thế là mất uy tín. Tranh là độc bản, là duy nhất, một bức thôi chứ nhiều bức thì còn gì  là độc bản? Ví dụ như vẽ hoa hướng dương có những gam màu này, bố cục này, muốn vẽ bức tranh hoa hướng dương khác màu sắc, bố cục, nội dung khác thì lại rập khuôn bức thứ hai y chang như bức thứ nhất, thì có nghĩa là chép tranh của chính mình, bức tranh không còn giá trị nữa".

Hiện tượng họ thuê người khác đến chép tranh của chính họ không phải là không có, và còn những gallery đầu nậu, thấy tranh của họa sĩ nào bán chạy mua về, thuê người chép (không xin phép tác giả) y bức đấy hoặc nhái phong cách của người họa sĩ ấy rồi tự ý đề tên họa sĩ vào.

Tranh nhái tranh chép làm cho thị trường tranh bị mất uy tín, ngay cả tranh của danh họa lớn đi bán đấu giá ở nước ngoài cũng bị phát hiện ra là tranh nhái, tranh giả. Người sưu tầm sợ mua nhầm phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Hơn nữa, ở Việt Nam chưa có những nhà nghiên cứu mỹ thuật tầm cỡ để định giá tranh mà giá tranh chủ yếu là do hoạt động tự phát của tác giả. Mỗi người hét mỗi giá. Lúc lên lúc xuống, trồi sụt liên tục không có ba-rem giá cụ thể. Ở nước ngoài các bức tranh được kiểm định ngặt nghèo, có những nhà hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp định giá.  Ở Việt Nam người ta chơi tranh do thích một bức tranh hay do yêu quý một tác giả, còn với nước có đời sống hội họa phát triển thì tranh cũng được ví như một món hàng có giá trị. Người ta mua tranh để cất như giữ một tài sản quý, để đến lúc cần có thể bán đi bất cứ lúc nào, và không sợ mất giá.

Họa sĩ bán tranh cho Tây: Đại gia kín tiếng ảnh 3

Tranh của họa sĩ Đặng Xuân Hòa.

Họa sĩ thuộc lứa tuổi 7X, Doãn Hoàng Lâm cho biết: Chúng ta chưa có hoạt động cho nghệ thuật của hội họa một cách chuyên nghiệp. Hội họa cần sự quan tâm của xã hội chứ họa sĩ bây giờ vẫn là tự phát, mạnh ai người nấy vẽ rồi tự tìm con đường đi mà bán. Các gallery cũng thế, họa sĩ nào bán được tranh người ta đổ dồn vào họa sĩ đấy, ngày mai tranh của người đấy không bán được nữa người ta thôi, bỏ bê ông ấy. Hội họa Trung Quốc có những tranh bán được tiền triệu đô thì phần lớn là người Trung Quốc mua. Họ tôn vinh  người nghệ sĩ của họ, nên họa sĩ có đất để dụng võ".

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương) phân tích: "Mình phải hiểu việc bán được tranh với xu thế phát triển của nền mỹ thuật hiện nay tại nước ta lại là hai việc khác nhau. Một mặt anh nuôi gallery bằng tranh của họa sĩ,  còn khuôn mặt mới của hội họa Việt Nam thì chỉ dừng lại ở thời kỳ  tiền đổi mới trong những thập niên 90. Sang đầu thế kỷ XXI, hơn một thập niên qua ta lại thấy mỹ thuật đi xuống chứ không phải là đang đi lên. Dù sao đây cũng là sự tất yếu của quy luật, đang phát triển.

Nặng nề nhất là thị trường tranh giả tiếp tục tồn tại và không cách gì có thể chặn lại cái nạn tranh giả ở Việt Nam, làm tai tiếng và làm hỏng đi khuôn mặt đẹp đẽ trước đây ở thời kỳ tiền đổi mới ở Việt Nam. Nạn tranh giả phát triển ở từng gallary và từng nhà sưu tập cứ len lỏi bán  và bản thân những nhà sưu tập và các nhà  đấu giá quốc tế họ cũng bị tai tiếng vì nhầm phải những tranh giả.  Đây là do luật pháp Việt Nam không đủ mạnh để ngăn chặn lại được việc này,  mặc dù có nghị định này kia của Bộ VH-TT&DL về quản lý hoạt động mỹ thuật. Nghĩa là mình chưa đủ giải quyết triệt để việc này một cách triệt để.

Người ta có thể nhìn thấy tranh giả, các chuyên gia có thể biết, những người lão luyện ở trong nghề nhìn thấy ngay, nhưng tìm ra được bản gốc để phanh phui nó ra thì là cả một câu chuyện khó. Một gallery làm tranh giả xử phạt hành chính có vài triệu đồng. Ở các nước khác một gallary bị phanh phui phát hiện tranh giả chắc chắn sập tiệm. Bởi vì các gallary nước ngoài hoạt động chuyên nghiệp chịu sự kiểm soát của pháp luật, không ai dám công khai để làm tranh giả. Có thể làm nhưng tồn tại bằng những con đường bí mật chứ không phải là công khai. Phải có người am hiểu chuyên môn có giám sát thường xuyên trả lại cho sự trong lành cho mỹ thuật Việt Nam”.

Còn một điều đặc biệt nữa, khá bất lợi cho các họa sĩ có thực tài và đắt show bán tranh  từ khi quy chế "Được sao chép hội họa trong nước và thế giới" do Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành năm 2004, hội chứng sao chép tranh bùng nổ tại nhiều thành phố lớn trong các gallery và các xưởng tranh. Mỹ thuật Việt Nam lại đứng trước cam go đầy thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường…

Theo Theo Công an Nhân dân
MỚI - NÓNG