“Họa sĩ” Nguyễn Quang Thiều: “...Tôi ngượng”

“Họa sĩ” Nguyễn Quang Thiều: “...Tôi ngượng”
Trong số 5 họa sĩ ở triển lãm "Nhà văn vẽ", tranh của Thiều ở trạng thái nhạy cảm, dễ bị tổn thương nhất vì… sơn vẫn chưa khô!

Tranh của anh rất nổi bởi màu sắc rực và đối lập mạnh. Có những bức thiên về biểu hiện - trừu tượng, có những tĩnh vật hoa cỏ tươi mát và có những bức dùng làm minh họa cho những truyện thiếu nhi của anh thì không chê vào đâu được.

 Tiền Phong đã trao đổi với “nhà vẽ” có tranh bán chạy nhất tại cuộc triển lãm này.

Nguyễn Quang Thiều: … Bắt đầu cách đây 6 tháng, tôi thích thì tôi vẽ và say đắm thế thôi. Có lẽ vì rảnh rỗi quá, hai là vì có một người bạn tôi là họa sĩ gửi toan và màu ở nhà tôi, vì anh ấy ở Cuba về không có chỗ ở. Và tự nhiên  tôi thấy hay thì tôi ngồi bôi vẽ thôi.

Các anh trong Hội Nhà văn khuyến khích tôi tham gia cái này, mới đầu tôi không nhận lời, bởi tôi nghĩ tôi vẽ chơi thôi. Và khi tôi nhận lời tôi phải vẽ tốc lực, và tôi mở quạt 24/24 cho các bức sơn dầu khô để tôi lại vẽ tiếp.

Trong bằng ấy tháng anh đã vẽ bao nhiêu bức?

Trong 6 tháng, cả sơn dầu tranh giấy tổng cộng trăm rưởi bức, cả bức nhỏ bức to khoảng gần 200 bức. Hầu như tất cả các bức sơn dầu là tôi vẽ trong một tháng gần triển lãm. Cho nên bây giờ bạn thấy sờ tay vào vẫn ướt nhèm, ngay cả 1 tiếng rưỡi đồng hồ trước khi chở tranh ra triển lãm thì tôi vẫn phải thức dậy để hoàn thành nốt bức tranh. Trong một tháng đó, có những hôm tôi vẽ đến 5 giờ sáng.

Anh học vẽ từ bao giờ?

Tôi chưa bao giờ học vẽ, chỉ có cách đây vài tháng, họa sĩ Lê Tâm ở báo CAND bảo tôi nên vẽ và anh tặng cho tôi một chục mét toan và tôi cứ bỏ đấy, tôi bảo vẽ toan thì khó khăn lắm. Anh ấy nói tôi nên học những cái cơ bản, trước kia anh ấy có dạy tôi tập vẽ cái cốc cái chén, thế thôi. Anh Tâm và anh bạn tôi Phạm Long Quận từ Cuba về đã khích lệ tôi vẽ và tôi cũng muốn cầm bút làm một cái gì đó.

Có thể tôi chẳng bao giờ nghĩ đến hội họa. Bởi tôi nghĩ hội họa phải học rất cơ bản, rất quan trọng, cũng như âm nhạc, kiến trúc, phải học rất quan trọng, học rất kỹ lưỡng thì mới làm được… Cho nên khi tôi làm triển lãm thì với 2 họa sĩ là 2 người anh rất quý mến của tôi ở báo Văn nghệ là Thành Chương và Phạm Minh Hải, tôi không dám nói gì cả, tại vì tôi ngượng.

Sau một thời gian tương đối lâu, qua tìm hiểu của riêng mình, anh có thể tự quy mình vào phong cách gì?

Tôi chả biết gì phong cách cả. Lê Thiết Cương bảo hãy để hắn vẽ, đừng ai nói gì cả, để hắn muốn làm gì thì làm. Tôi cho đấy là lời nói rất hay, bởi tôi không phải là họa sĩ, năm nay tôi đã 48 tuổi, tôi cũng không có ý định làm họa sĩ, bởi tôi phải biết tôi là ai. Tôi không phải nhạc sĩ nhưng tôi có quyền ngồi xuống piano chơi để giải tỏa tôi, vẽ tranh cũng để giải tỏa tôi, thế thôi! Và đến từng này tuổi, không nên ảo tưởng cái gì cả.

Anh chuẩn bị những bức cỡ nhỏ kia nhằm mục đích gì?

Tôi vẽ chơi, cũng là tập vẽ, tôi ngồi trên ghế, tôi hút thuốc lào, tôi bày những cái đấy ra và tôi cứ thế tôi phất, tôi vẽ, xong tôi để đây như một thứ bưu các để bạn bè chơi, thế thôi.

Từ khi vẽ, anh thấy cảm hứng văn chương có tăng lên theo?

Nói chung là rất tuyệt vời, thực ra vẽ là một thứ giải tỏa rất hay, vì tôi có thể ngồi cả một buổi chiều, đến tối, và không có gì va chạm vào tôi cả, mọi phiền muộn, mọi lo lắng, mọi ân hận, hay mọi các thứ đều qua đi. Nó có cái gì say đắm lắm. Nó cho tôi mà cho đến bây giờ, tôi nghĩ nó chỉ cho tôi duy nhất mà thôi- cho tôi một khoảnh khắc được sống như thế.

Cảm hứng vẽ và văn chương có tỷ lệ thuận với nhau không, hay lúc vẽ anh tạm quên thơ?

Tôi vẽ những bức tranh này chủ yếu từ trong thơ tôi ra, những nhân vật Cậu bé làng Chùa kia là trong truyện của tôi, những người đàn bà kia, những Trụ cầu của giọng nói kia là từ trong trường ca của tôi ra, hoặc những đoản ca về mùa hạ, con bò kia là trong lò mổ của tôi- cái gì tôi viết trước kia. ở đây, những nhân vật lần thứ hai của tôi được bước vào một thứ ngôn ngữ khác là màu sắc.

Thêm người mua vào thì có phiền muộn không?

Đôi khi cũng phiền muộn, đừng tưởng là người khác đưa tiền cho mình mà không phiền muộn đâu.

Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957 tại Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Tây; Học văn chương ở Cuba, nghề chính: biên tập thơ cho báo Văn nghệ. Năm 1995 được giải thưởng Hội Nhà văn, cho tập thơ "Sự mất ngủ của lửa".
MỚI - NÓNG