'Hoàng hậu' Lâm Thị Mỹ Dạ

Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
TP - Năm 2013, cùng năm bạn trong ban nhà văn nữ của hội Nhà văn Việt Nam tự tổ chức đi Cà Mau, chúng tôi dừng ở Sài Gòn chỉ có hai giờ rảnh rỗi cho ai... muốn làm gì thì làm. Bao nhiêu bạn lâu không gặp, rồi muốn qua NXB mua thêm sách, muốn thăm nhà văn Bàng Bá Lân đang ốm nữa... Nhưng tôi và nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà quyết định đến thăm vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã từ Huế chuyển vào Sài gòn mấy năm rồi.

Cửa mở, Mỹ Dạ bước ra, mắt lơ ngơ, có cô giúp việc đi kèm. Tôi và Hà nắm tay Mỹ Dạ: “Khỏe không? Có nhớ chúng mình không?” Dạ ngơ ngác lắc đầu. Tôi và Hà nhìn nhau, kinh ngạc. Dịp “ngày tận thế” 21/12/2012, Mỹ Dạ ra Hà nội đã cùng chúng tôi đến nhà TBT Mai Linh của báo điện tử Tổ Quốc và Mỹ Dạ đã ở nhà của Hà mấy hôm. Lúc đó, Nàng đã ít nói, nhưng vẫn tỉnh táo và vui vẻ. Vậy mà bây giờ, chúng tôi hỏi gì Mỹ Dạ cũng lắc đầu. Tôi và Hà nhìn nhau, thương bạn muốn rơi nước mắt. Cô giúp việc trấn an: “Các chị cứ nói chuyện nhẹ nhàng một lát, chị Dạ sẽ nhớ ra thôi”... Quả nhiên, một lát sau, Dạ bỗng nhoẻn cười thật dễ thương: “chị Nhàn với Hà vào nhà đi”... Thì ra, cứ phải chờ Dạ nhận ra người quen, cô giúp việc mới đưa khách vào nhà.

Trong nhà, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn nằm trên giường- Anh ốm đã hơn mười năm, nay vẫn chưa tự phục vụ được. Nhưng thôi, không nói chuyện buồn của vợ chồng cặp đôi tài năng này nữa. Dạ phục vụ anh lâu quá, nay có thể vì vậy, chị đã suy sụp sức khỏe, hai người giờ đều do cô giúp việc và vợ chồng con gái chăm lo.

Tôi nhớ năm 2001, hồi anh Tường mới ngã bệnh, vào Huế thăm anh chị, tôi được Dạ khoe:

- Anh Tường gọi em là Hoàng hậu đó chị!

Và Dạ đưa tôi đọc bài thơ của anh:

Tôi chỉ là nhà vua không ngai

Ông vua lận đận giữa trần ai

Em là Hoàng hậu bên tôi đó

Vàng áo phong trần mỗi sớm mai...

Từ ngày ốm không đi lại được, anh Tường vẫn có trí óc minh mẫn, liên tục viết bài cho các báo. Và anh làm thơ gọi vợ mình- người sớm chiều tận tụy chăm sóc chồng, là HOÀNG HẬU của lòng anh. Thật cảm động biết bao.

Tôi chơi với Mỹ Dạ từ năm 1972, khi chúng tôi cùng học khóa 5 của trường đào tạo các cây bút trẻ của Hội nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá. Lúc đó, tôi đã có chồng, còn Mỹ dạ mới 23 tuổi, xinh tươi, duyên dáng lại tài năng làm bao chàng (mà bây giờ tôi có thể xin phép nêu tên, như nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Hoàng Cát v.v...) lúc ấy cũng chưa lập gia đình, dày công theo đuổi. Đó là không kể các nhà thơ khác như Thanh Tùng (tác giả bài thơ THỜI HOA ĐỎ) cũng mê nàng. Thanh Tùng kể chuyện:

-Tớ và Mỹ Dạ đi qua đường Thanh niên, tớ hỏi có yêu Tùng không, Dạ bảo không, thế là tớ lội ngay xuống hồ Tây và đi dần ra xa, vừa đi vừa hỏi: “Nước đến đầu gối rồi, có yêu không?” Dạ lắc đầu. - “Nước đến bụng rồi, có yêu không?”. Vẫn lắc. Tớ ra xa nữa: “Sắp ngập đến ngực rồi, sắp chết đuối rồi, có yêu không?” Dạ hoảng hốt: "Có mà, có mà, lên đi”... Nhưng tớ ướt lướt thướt trèo lên bờ, nàng lại lắc đầu: “Không yêu!”. Thế đó.

'Hoàng hậu' Lâm Thị Mỹ Dạ ảnh 1

Phan Thị Thanh Nhàn và Lâm Thị Mỹ Dạ thăm Lăng Khải Định-Huế năm 1985.

Ai cũng biết là chàng Thanh Tùng kể chuyện ba láp, nhưng tất cả đều phá lên cười, còn Mỹ Dạ thì mặt đỏ ửng, lúng búng: “Chuyện chi lạ rứa hè?”. Tôi kể, để các bạn biết là hồi trẻ, Mỹ Dạ thật đáng yêu. Và nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi lăn lóc theo nàng để rồi toàn bị nàng... ngập ngừng từ chối.

Dạo còn chiến tranh, tôi cùng đoàn các nhà báo, nhà văn, đại diện các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, ca sỹ... do chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng dẫn đầu vào thăm bộ đội đường 9 và bà con miền trung, không hiểu sao Mỹ Dạ cùng Lê Thị Mây biết và rủ nhau tìm đến thăm. Hai nhà thơ nữ trẻ tuổi dắt nhau đi bộ, đường thì ầm ào bom đạn. Khi gặp nhau, bọn tôi kéo ra sườn đồi tâm sự. Mỹ Dạ kể, chị đã chứng kiến nhiều cảnh rất thương tâm. Và Dạ đọc bài thơ “Khoảng trời và hố bom” chị mới viết:

Chuyện kể rằng em - cô gái mở đường

Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

Cho đoàn xe kịp giờ ra trận 

Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom

Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn

Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái

Em nằm dưới đất sâu

Như khoảng trời đã nằm yên trong đất

Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói lung linh

...Cái chết em xanh khoảng trời con gái

Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em.

Năm 1973, bài thơ này của Dạ đã giành giải nhất trong cuộc thi thơ của báo văn nghệ cùng nhà thơ Nguyễn Duy. Thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ trong vắt, hồn hậu và sâu đằm tình nghĩa quê hương, tình yêu gia đình, con trẻ và bè bạn. Trong bài “Chuyện cổ nước mình”, chị viết:

Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

Thương người rồi mới thương ta

Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm

Ở hiền thì lại gặp hiền

Người ngay thì gặp người tiên độ trì

Mang theo truyện cổ tôi đi

Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa...

Hồi trẻ, Mỹ Dạ thật đáng yêu. Và nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi lăn lóc theo nàng để rồi toàn bị nàng... ngập ngừng từ chối.

Dạo học cùng Mỹ Dạ ở trại sáng tác Quảng bá của Hội nhà văn VN, một hôm tôi vào phòng Dạ, thấy nàng đang vo viên một tờ giấy, định ném vào sọt rác. Tôi cố giằng lấy, nghĩ là... thư tỏ tình của chàng nào. Dạ đành đưa cho tôi, thở dài:

Em vừa làm xong bài thơ này, đọc thấy lủng cà lủng củng, chán quá, định vứt đi! Chị thử đọc mà xem.

'Hoàng hậu' Lâm Thị Mỹ Dạ ảnh 2

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thời trẻ.

Tôi vuốt lại tờ giấy và chăm chú đọc. Ngẩng lên, tôi vui thích:

Một bài thơ hay Dạ ơi. Suýt nữa thì em vứt bỏ có tiếc không. Em chép lại nhé, chị đưa các thầy đọc để chứng minh là ai cũng sẽ khen cho Dạ xem!

Chuyện này Mỹ Dạ cũng đã kể trong một bài viết của chị. Đó là bài thơ  “Anh đừng khen em”:

Lần đầu khi mới làm quen

Anh khen cái nhìn em đẹp

Trời mưa òa cơn nắng đến

Anh khen đôi má em hồng

Gặp người tàn tật em khóc

Anh khen em nhạy cảm thông

Thấy em sợ rét né giông

Anh khen: Sao mà hiền thế

Thấy em nâng niu con trẻ

Anh khen em thật dịu dàng

...Em sợ lời khen của anh

Như sợ chiều về, hắt tối

Nhiều khi ngồi buồn một mình

Trách anh sao mà nông nổi

Hãy chỉ cho em cái kém

Để em nên người tốt lành

Hãy chỉ cho em cái xấu

Để em chăm chút đời anh...

Quả nhiên, bài thơ đã được nhiều người yêu thích và là một trong những bài thơ hay của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Nói đến những câu thơ, những bài thơ hay của Mỹ Dạ thì nhiều, chị đã rất tự tin và ung dung khi viết:

- Ta như hoàng hậu Nam Phương

Thản nhiên dạo bước đế vương quanh lầu

(Thăm lầu Bảo Đại) - Bài này có người góp ý là... tự cao tự đại quá, nên Dạ đã phải sửa thành “ai” như hoàng hậu...(!).

Bài thơ của chị được phổ nhạc hầu như bà mẹ nào cũng thuộc: “Đôi làn môi con-Ngậm bầu vú mẹ - Như búp hoa huệ - Ngậm tia nắng trời”... là một bài thơ trong trẻo, sâu đằm, tha thiết chắc sẽ còn sống mãi. Nhưng phần bi thiết, đắng lòng trong thơ chị, nhất là khi tuổi đã về chiều, cũng khiến tôi giật mình thấy như định mệnh không chừa một ai mà không thử thách. Trong bài "Ném thia lia", chị có câu kết khiến tôi hiểu, Mỹ Dạ đã buồn đau biết bao, và đã gắng sống ra sao:

- Ước gì cầm được cô đơn

Ném thia lia để hóa buồn thành vui

Trong bài "Một mình", chị than: “Bây giờ chỉ một mình ta - Một mình ta với bao la một mình”...

Bài "Tôi về với tôi", Lâm Thị Mỹ Dạ như đã chạm đến tận cùng nỗi đau, tận cùng sự vất vả cực nhọc và cô đơn: “Thơ như máu thắm - tan vào hư vô - đời bao phúc họa - gieo gặt bất ngờ - mỏi không thể nghỉ - đau không còn kêu - người im như bóng-tôi về với tôi”...

Đọc lại rất nhiều bài thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, nước mắt tôi đã chảy. Thương qúy làm sao những trái tim thơ phụ nữ. Họ đã yêu, đã tận tụy, đã hết lòng... Và họ cũng đã nhận về bao niềm vui cùng bao nỗi khổ - như bao phụ nữ biết yêu và biết hy sinh trên cõi đời này.

1/2015

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.