Hoàng thành Thăng Long được đề cử di sản thế giới

Phế tích ở Hoàng thành Thăng Long
Phế tích ở Hoàng thành Thăng Long
TP - Hôm qua, 26-7 giờ Hà Nội, tại Brasilia (Brazil) diễn ra cuộc họp hằng năm kéo dài 10 ngày với sự tham dự của 193 quốc gia và vùng lãnh thổ để xem xét 32 đề cử di sản thế giới của UNESCO. Trong danh sách đề cử có Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam.
Phế tích ở Hoàng thành Thăng Long
Phế tích ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: internet

Đứng đầu danh sách 6 di sản thiên nhiên được đề cử năm nay là vùng núi Đan Hạ (Danxia) của Trung Quốc. Trong số các địa danh được đề cử di sản văn hóa có các đảo Bikini Atoll, Marshall, nơi từng tiến hành hàng loạt cuộc thử hạt nhân của Mỹ những năm 40-50 của thế kỷ trước. Cao nguyên Trung phần của Sri Lanka trong số địa danh được đề cử di sản thiên nhiên và thế giới cùng một lúc.

Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO cũng sẽ xem xét 31 di sản thế giới đang xuống cấp do bị đe dọa bởi ô nhiễm, phát triển đô thị, du lịch vượt tầm kiểm soát, chiến tranh hoặc thiên tai. Thung lũng Dresden Elbe của Đức trở thành di sản văn hóa đầu tiên bị đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa thế giới vì việc xây dựng một cây cầu giao thông làm phá vỡ một phần cảnh quan ở đó.

Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa Khoa học & Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Irina Bokova, và Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, đều tham dự cuộc họp kéo dài đến mùng 4-8 (giờ Hà Nội).

Năm ngoái, UNESCO bổ sung 13 địa danh vào Danh mục Di sản Thế giới. Ba địa danh mới thuộc các nước trước đó chưa từng có di sản thế giới nào, gồm trung tâm thành phố lịch sử Cidade Velha ở Quần đảo Cape Verde Islands, Phế tích nghìn tuổi Loropeni ở Burkina Faso, núi thiêng Sulamain-Too Sacred Mountain ở Kyrgyzstan.

Tính đến nay, Danh sách Di sản Thế giới ghi nhận 890 địa danh "có giá trị nổi tiếng toàn cầu", phân bố tại 148 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 689 địa danh được công nhận là di sản văn hóa, 176 di sản thiên nhiên, và 25 di sản văn hóa và thiên nhiên.

Việt Nam hiện có 9 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Các di sản vật thể gồm quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế, di sản văn hóa năm 1993), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh, hai lần, năm 1994 - di sản thiên nhiên, và năm 2000 - di sản địa chất), Phố Cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam, di sản văn hóa năm 1999), Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình, di sản thiên nhiên năm 2003).

Các di sản phi vật thể gồm Nhã nhạc Cung đình Huế (tháng 11-2003, di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam), Không gian Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên (năm 2005, kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa thế giới phi vật thể), Không gian Văn hóa Quan họ Bắc Ninh (ngày 30-9-2009, di sản văn hóa phi vật thể), và Ca trù (ngày 1-10-2009, di sản văn hóa phi vật thể).

QD
St

MỚI - NÓNG