Hoàng Tùng: Mr Bean Việt đơn độc

Hoàng Tùng trong vở diễn.
Hoàng Tùng trong vở diễn.
TP - Với vóc dáng nhỏ bé và khuôn mặt khá giống danh hài nước Anh Mr Bean nên Hoàng Tùng được bạn bè và đồng nghiệp  đặt cho biệt danh đó ngay từ khi mới vào nghề. Nghệ sỹ trẻ Hoàng Tùng chia sẻ: "Được ví giống Mr Bean khiến tôi vừa mừng, vừa lo".

Tùng vui nhưng cũng lo làm sao để không trở thành bản sao của Ngài Bean, dù ông rất nổi tiếng và được ưa chuộng khắp thế giới.

Học kịch vì… nhát

Lúc bé, Tùng vốn nhút nhát, bố mẹ cho đi học kịch trên cung Thiếu nhi Hà Nội cho bạo dạn. Hồi đó, ở lớp học kịch, các bạn đều được làm quen với  kịch nói và kịch câm. Niềm đam mê kịch câm đã gieo vào cậu bé Hoàng Tùng kể từ đó. Cậu bé 9 tuổi luôn thắc mắc: "Tại sao họ có thể làm được như vậy? Tại sao trong không khí mà lại có thể biến thành bức tường hay cái dây, tại sao họ có thể đi lại tại chỗ...?".

Và niềm đam mê đó cứ lớn dần theo năm tháng. Tùng  thi vào Đại học Sân khấu điện ảnh, rồi sau khi tốt nghiệp, được nhận về làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ. Tại đây, Hoàng Tùng lại được học hỏi từ những bậc đàn anh trong lĩnh vực kịch câm như nghệ sỹ Phúc Dzĩ, Kiến Đoàn, Bích Ngọc…. Thời đó, tất cả các nghệ sỹ của nhà hát đều được học cơ bản về kịch câm. Sau này, khi đoàn kịch thể nghiệm ra đời, Tùng đầu quân về đây và được giao làm phó đoàn (NSND Lan Hương là trưởng đoàn). Đội ngũ ban đầu khá hùng hậu, khoảng 20 diễn viên, sau cũng rơi rụng gần hết, còn lại mỗi Hoàng Tùng. Năm nay, theo chủ trương xã hội hóa của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, bộ phận kịch thể nghiệm cũng đã giải thể, mọi người đều được phân về các bộ phận khác nhau của nhà hát.

Giờ Nhà hát Tuổi trẻ chỉ còn mỗi Hoàng Tùng ở lại với kịch câm. Nói về Hoàng Tùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận đầy vẻ tự hào: "Đây là của độc, của hiếm của nhà hát đấy. Chính vì thế, tôi luôn tạo điều kiện cho Hoàng Tùng phát triển. Cứ có liên hoan quốc tế nào liên quan đến kịch câm, tôi đều tạo điều kiện cho Hoàng Tùng tham gia. Có những khi, Tùng được mời diễn ở nước ngoài mấy tháng trời, chúng tôi cũng ủng hộ hai tay".

Hoàng Tùng: Mr Bean Việt đơn độc ảnh 1

Tranh của Nguyễn Văn Hổ.

Kịch câm trở lại

Khi quyết định theo đuổi kịch câm, Tùng nhận thấy đây là bộ môn nghệ thuật độc đáo  của thế giới. Không cần lời thoại, nhưng nó vẫn chuyển tải được thông điệp, khơi gợi cảm xúc cho khán giả. Khán giả xem kịch câm có thể ngẫm ngợi được điều gì đó trong cuộc sống, giúp họ sống tốt hơn. Hoàng Tùng chia sẻ: "Chính vì mong muốn nghệ thuật đó không bị mất đi ở Việt Nam, nên tôi quyết theo đuổi nó dù giờ đây gần như không còn ai cùng nghề nữa".

Hai năm trở lại đây, Hoàng Tùng quyết định bỏ tiền túi để làm chương trình nhằm "lôi kéo" khán giả đến với kịch câm.  "Kịch câm trở lại" là show diễn solo đầu tiên của Hoàng Tùng ra mắt tháng 12/2014 đã tạo nên hiệu ứng tích cực. Tiếp đó là "Suỵt show" tháng 1/2016. Hoàng Tùng cũng nỗ lực đưa kịch câm vào TPHCM dù một mình phải lo từ A đến Z từ viết kịch bản, diễn xuất, làm poster, thuê địa điểm diễn... Rất may, tại TPHCM, Tùng cũng được bạn bè giúp đỡ nhiều. Mỗi chương trình của Tùng ở Hà Nội kéo dài được 2-3 tháng, với tần suất 1-2 buổi/tuần. Thường mỗi chương trình kéo dài 1 tiếng với khoảng 5-6 tiểu phẩm.

Hai năm trở lại đây, Hoàng Tùng quyết định bỏ tiền túi để làm chương trình nhằm "lôi kéo" khán giả đến với kịch câm.

Biết đây là môn nghệ thuật kén khán giả, nhưng Hoàng Tùng chấp nhận đầu tư. Anh chia sẻ: "Thực ra, hai chương trình này được coi là làm quen với khán giả, là lúc khán giả trở lại với kịch câm. Trước đó nhiều khán giả còn không biết xem kịch câm Hoàng Tùng là xem cái gì. Thậm chí, có người còn nghĩ rằng, đây là kịch dành cho người câm điếc…".

Tùng bảo, nếu chỉ tính tiền bán vé thì chắc chắn là lỗ, nhưng mức lỗ chấp nhận được. Bù lại, số người biết đến nghệ thuật kịch câm tăng lên. Có khán giả xem lần thứ nhất, lại đi xem tiếp lần thứ hai, thứ ba. Có khán giả xem xong vẫn nán lại, Tùng ngạc nhiên hỏi sao vẫn chưa về, bạn đó cho biết, muốn chia sẻ cảm xúc về đêm diễn ngay lập tức.

Hoàng Tùng: Mr Bean Việt đơn độc ảnh 2

Kể từ sau "Kịch câm trở lại", tên tuổi của Hoàng Tùng đã được biết đến, một số công ty mời anh biểu diễn cho sự kiện của họ với giá cát sê khá cao. Mặc dù vậy, Tùng cho biết, anh vẫn không thể sống được chỉ với kịch câm mà phải làm nhiều công việc khác từ viết kịch bản dự án, làm đạo diễn, cố vấn diễn xuất...

Vừa nói chuyện với Tùng hôm trước tại Hà Nội, mấy hôm sau đã thấy anh vi vu trong TPHCM. Cuối tháng 7 Tùng được mời đi dự liên hoan sân khấu tại Okinawa, Nhật Bản. Anh sẽ trình diễn vở kịch câm "Câu chuyện của quý ông bé nhỏ". Tháng 9, Tùng được mời đi Hàn Quốc, nhưng không liên quan tới kịch câm, mà đi làm cố vấn diễn xuất cho một bộ phim tài liệu về cô dâu Việt tại Hàn Quốc do phía Hàn Quốc thực hiện.

Với lợi thế tiếng Anh tốt, Tùng có cơ hội được tham dự nhiều liên hoan quốc tế, được giao lưu học hỏi với bạn bè quốc tế và biết được mình đang đứng ở đâu. Thực tế, ngay ở nước ngoài, hiện nay kịch câm cũng kén khán giả và ít người theo đuổi. Tùng kể, có đợt đi liên hoan kịch câm quốc tế, một đồng nghiệp bắt tay Tùng và hỏi là người nước nào. Tùng nói là người Việt Nam thì anh bạn thốt lên: Tao không nghĩ Việt Nam cũng có cái này. Còn  Trưởng ban tổ chức nghệ thuật ở Thái Lan đã chia sẻ khi xem Tùng diễn: "Tôi có cảm giác như đang xem kịch câm ở Pháp" . Đó chính là những niềm vui, niềm động viên to lớn đối với Tùng để tiếp tục con đường này. Tùng hy vọng, từ những lớp học kịch dành cho thiếu nhi của Nhà hát Tuổi trẻ mà Tùng đứng lớp, sẽ có những em nhỏ nối tiếp niềm đam mê của Tùng sau này.

Thành công đã đưa diễn viên Rowan Atkinson, người đóng vai Mr Bean trở thành một trong những nghệ sỹ giàu có nhất nước Anh, với tổng tài sản lên tới hơn 70 triệu bảng Anh. Còn “Mr Bean Việt” Hoàng Tùng thì vẫn phải làm nhiều việc khác nhau để nuôi đam mê kịch câm. Rất may, vợ Tùng vốn là diễn viên nhà hát nên luôn hiểu, thông cảm và động viên chồng.

Nhiều người nghĩ đây là kịch dành cho người câm điếc

Trong hôm Hoàng Tùng biểu diễn cho các nhà báo, cũng có vài người nước ngoài tới dự. Sau buổi diễn, một người Pháp, người điều hành  một quán bar trên phố cổ ở Hà Nội đến bắt tay và bày tỏ sự ngưỡng mộ. Ông cho biết, ngay cả ở Pháp, quê hương của kịch câm, ông cũng ít khi được xem.

Theo Hoàng Tùng, trong nghệ thuật kịch câm, mỗi người chọn một phong cách riêng.

Có người thích diễn hài, có người thích diễn bi. Nhưng Hoàng Tùng thấy mình phù hợp với phong cách vừa bi, vừa hài. Có những vở kịch, anh làm cho khán giả cười nắc nẻ, có khi anh lại làm cho họ rớt nước mắt.

Nhận xét về khán giả Việt, Hoàng Tùng cho rằng còn quá ít người biết đến nghệ thuật kịch câm. Có người nghĩ kịch câm là hề, là dành cho trẻ con. Họ không hình dung xem kịch câm là xem gì. Thậm chí, có người còn cho rằng kịch câm là dành cho người câm điếc. Tín hiệu đáng mừng, để ý trong các buổi diễn của mình, Tùng nhận thấy nhiều khán giả xem không bỏ về,  có khán giả đã xem rồi lại muốn xem nữa. Thế là thành công. Khán giả của anh hầu hết là khán giả trẻ. Và hiệu ứng của vở diễn khá tốt. Khi xem kịch xong, họ nhìn được mình trong đó. "Có cô bé đến chia sẻ với tôi, em xem đến lần thứ 3 rồi vẫn muốn khóc ", Hoàng Tùng kể.

"Kịch câm trở lại" và "Suỵt show" đề cập tới những chuyện bi hài của đời sống như nạn phong bì trong bệnh viện, chụp ảnh tự sướng quá lố…

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.