Hội nghị nhà văn trẻ: Tiếp tục khắc khoải và hy vọng

Hội nghị nhà văn trẻ: Tiếp tục khắc khoải và hy vọng
TP - Câu hỏi  mà chủ tọa cuộc tọa đàm “Văn tôi và phê bình tôi nói gì” đưa ra: Đọc văn là ngắm hoa hay bắt sâu đã thực sự châm ngòi cho tranh luận lắm lúc gay gắt.
Hội nghị nhà văn trẻ: Tiếp tục khắc khoải và hy vọng ảnh 1
Nguyễn Ngọc Tư (giữa): “Người ta thương hại còn cái lý ở đâu?”

Cây bút văn xuôi Vũ Đình Giang hiền lành: “Ngắm hoa vẫn là hơn. Nếu nó không đẹp thì bỏ qua. Tôi thích sự khuyến khích hơn là chỉ trích”. Một người khác “chiết trung”: Đọc để rung động và học tập.

Nguyễn Thúy Hằng đến từ TP. HCM tức thì gay gắt: “Câu hỏi này buồn cười, áp đặt đạo đức lên cách đọc. Tôi không thích. Sự tự do của tôi nằm ngoài thái độ đẹp và chỉ trích”.

Hội trường rần rần vỗ tay. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh cầm micro: “Câu hỏi này tôi đặt ra cho giới phê bình, phản ánh thực trạng phê bình một chiều”.

Nhà văn không còn trẻ Trần Kỳ Trung bất thần lên tiếng: “Vụ “Cánh đồng bất tận” bị phê phán gay gắt của tuyên giáo Cà Mau, trên báo chỉ thấy sự thông cảm, trong khi đó cái quan trọng nhất là tác phẩm của Ngọc Tư nói gì? Phê bình văn học ở đâu?”.

Có lẽ đây là câu hỏi xóc nhất về vai trò và trách nhiệm của phê bình văn học. Chủ tọa không trả lời (có Lê Hoài Nam làm phê bình ngồi trên) mà mời Nguyễn Ngọc Tư.

Thong thả, hiền lành, tay cầm cuốn vở học trò, tác giả vừa “dính chưởng” ở quê nhà buồn buồn: “Vụ đó, tôi thấy mọi người thương hại mà không có lý gì để nói ra lẽ. Tôi cũng không có lý phản lại vì không phải là nhà phê bình. Tôi nghĩ sao viết  vậy, chẳng biết nói gì”.

Về việc trống vắng phê bình trẻ (giữa 2 kỳ hội nghị chỉ một cuốn “Phê bình văn học của tôi” của Nguyễn Thanh Sơn), cuối tọa đàm, nhà thơ Hữu Thỉnh thừa nhận: “Tìm ra một nhà phê bình, khó lắm!”.

Từ chuyện của Nguyễn Ngọc Tư  phải chăng đã bộc lộ thực trạng phê bình đang có vấn đề. ở đây là giao đấu giữa văn học và cái ngoài văn học, khi cái ngoài văn học không cần biết đến cái lý của tác phẩm nhưng bất kỳ lúc nào cũng giành thế chủ động, thì nhà phê bình lúc đó không thể “ngắm hoa” được.

Lúc này anh không xuất hiện bằng lý trí của nhà phê bình  thì  lúc nào? Lê Hoài Nam trước đó cho rằng, phê bình tác phẩm mới rất mạo hiểm. Đồng ý, khi anh còn là nhà phê bình trẻ, còn phê bình già thì sao im lặng? Khi người viết bài này hỏi Ngọc Tư: “Kiểm điểm chưa”, thì nhận được nụ cười: “Hổng biết gì mà kiểm điểm và kiểm điểm  cái gì?”. 

Một lần nữa, xin gửi câu nói này đến giới phê bình. Có lẽ vụ “Cánh đồng bất tận” chẳng đi đến đâu, nhưng ai dám chắc những người viết ngồi trong hội trường lúc đó, không có người nao núng để rồi từ đó đẻ ra những tác phẩm “nét đẹp thường thường”? Nhà phê bình Nguyễn Hòa lúc này lên tiếng, có lẽ cho đỡ nặng nề: “Một tác phẩm bàn cãi nhiều thì hàm chứa nhiều vấn đề chưa nói hết”.

Cũng có thể cuộc này là gặp ghi số điện thoại, email, ngắm nhau,  nên người ta không kết luận việc gì cả, và có kết luận thì hình như cũng chẳng giải quyết được việc gì. 

Nhưng cũng từ đây cho thấy,  người viết trẻ nhìn nhận các vấn đề đang nổi lên trong văn học, không hề giống nhau. Có  bỏ ngỏ, có khẳng định, ví như văn học nữ đang thịnh. Nguyễn Đình Tú cho rằng: Đến hẹn lại lên, năm này đàn ông thì sang năm đàn bà. Lý giải như dự báo thời tiết.

Phan Huyền Thư không chịu: “Thế kỷ 21 là thế kỷ của tâm linh và đàn bà. Phụ nữ đang chịu nạn bạo hành rất lớn về tinh thần. Văn học nữ mạnh lên từ đó”. Chia sẻ quan điểm này, nhà thơ Dư Thị Hoàn thêm: “Họ nhạy cảm và sâu sắc”. Thúy Hằng: “Không đơn giản đâu”.

Nguyễn Vĩnh Nguyên: “Văn học nữ đang có vấn đề, còn vấn đề gì, tôi không nói”. Nguyễn Danh Lam thì cho rằng văn học VN đang cần sự chỉn chu, mềm mại. Luận điểm trên bị Đỗ Hoàng Diệu phủ định ngay. Đỗ Hoàng Diệu phát biểu: “Về chuyện âm thịnh dương suy, hãy dành cho Viện Văn học.

Tôi đồng ý với chị Thư. Thơ và văn xuôi của nữ giới thời gian qua, hiện nay không hề tròn trịa, nhưng phải thấy rằng, dù buông phá gì đi nữa, nó cũng đầy nữ tính.

Quan niệm chi phối tầm nhìn. Với việc các cây bút trẻ mong được tiền tác quyền cao hơn, lăng xê mạnh hơn, cần sự thông cảm trong đồng nghiệp,  có phần tránh né khi nói về nhau... dự báo phía trước còn lắm vấn đề.

Yêu cầu của xã hội, kỳ vọng của bạn đọc với họ về con đường đổi mới văn học, đành phải nói như lâu nay đã nói: Hy vọng và tiếp tục chờ. 

MỚI - NÓNG