Hội ngộ một trong 'Hai người lính' ở TP.HCM: Thông điệp của yêu thương

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong thay mặt bạn đọc gửi đến ông Nghĩa và gia đình số tiền hỗ trợ 90 triệu đồng.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong thay mặt bạn đọc gửi đến ông Nghĩa và gia đình số tiền hỗ trợ 90 triệu đồng.
TPO - Chiều 22/6, tại TPHCM, báo Tiền Phong đã tổ chức cuộc gặp gỡ ngắn, giản dị nhưng ý nghĩa với ông Bùi Trọng Nghĩa - một trong hai nhân vật trong bức ảnh lịch sử “Hai người lính” của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành để chuyển tải tới ông những chia sẻ, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần mà bạn đọc báo gửi đến, đồng thời tiếp tục gửi đi một thông điệp.

Sự lan tỏa

Trong số báo Tết năm 2016 và liên tiếp trên 5 số báo trong tháng 5 vừa qua, báo Tiền Phong đã đăng câu chuyện về lịch sử bức ảnh Hai Người lính của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành.

“Hai người lính” là bức ảnh nổi tiếng những năm gần đây bởi giá trị lịch sử và sự độc đáo. Từ sau ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris có hiệu lực. Tại Quảng Trị, Quân Giải phóng và binh sĩ Quân đội chính quyền Sài Gòn có khoảng thời gian hòa hợp ngắn ngủi. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Chu Chí Thành từ Hà Nội vào chiến trường tác nghiệp đã chụp được bức ảnh lịch sử “Hai người lính” ở hai phe khoác vai nhau thân tình khi mà họ ngỡ chiến tranh đã kết thúc đến nơi. Một thông điệp hòa giải sớm.

Mấy chục năm sau, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cùng một số báo bỏ công đi tìm nhân vật chính trong ảnh. Đến tháng 2/2016, báo Tiền Phong chính thức thông tin việc tìm ra anh bộ đội trong ảnh – ông Nguyễn Huy Tạo. Tháng 5/2017, báo tiếp tục tìm ra người lính Sài Gòn Bùi Trọng Nghĩa. Câu chuyện bức ảnh “Hai người lính” kết thúc có hậu. Cả hai đều còn khá khoẻ mạnh, cuộc sống bình dị, là những công dân tốt.

Loạt 5 bài báo của Tiền Phong được bạn đọc quan tâm. Nhiều bạn đọc nhận xét đây là câu chuyện hòa giải hay nhất mà họ được đọc và được biết.

Nhiều người ở các giới, kể cả những người nổi tiếng, coi bức ảnh “Hai người lính”, câu chuyện về nó cũng như sự cất công theo đuổi đến cùng của nhà báo Dương Phương Vinh – tác giả của loạt bài và báo Tiền Phong (để có được cái kết có hậu về bức ảnh) như là biểu tượng của sự hòa giải.

Bạn đọc cũng dành nhiều tình cảm cho hai người lính – hai nhân vật trong bức ảnh. Khi biết được gia đình ông Bùi Trọng Nghĩa – người lính Quân đội Sài Gòn, do hoàn cảnh riêng, hiện đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhiều bạn đọc và đơn vị, doanh nghiệp đã qua báo Tiền Phong gửi lời động viên và gửi quà giúp đỡ với mong muốn gia đình ông Nghĩa vượt qua khó khăn, đồng thời thúc đẩy những ai đang còn băn khoăn, lưỡng lự về những rào cản trong quá khứ, vượt qua những định kiến, mặc cảm để hoà giải, đoàn kết dân tộc, chung tay xây dựng đất nước.

Hội ngộ một trong 'Hai người lính' ở TP.HCM: Thông điệp của yêu thương ảnh 1
Hội ngộ một trong 'Hai người lính' ở TP.HCM: Thông điệp của yêu thương ảnh 2 Nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ câu chuyện hòa giải dân tộc với ông Nghĩa.

Cuối giờ chiều 22/6, ông Bùi Trọng Nghĩa (SN 1954) được con trai đèo trên chiếc xe máy cũ kỹ đến văn phòng Ban đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM. Ông vẫn giữ nụ cười, đôi mắt và gương mặt hệt như trong bức ảnh mà nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành chụp hơn 40 năm trước. Chỉ có mái tóc theo thời gian đã thưa rụng bớt, không còn đứng sững bướng bỉnh như xưa.

Gặp ông Nghĩa tại Văn phòng đại diện của báo, ngoài nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong còn có bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, anh Phạm Văn Tam, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Asanzo – một trong những đơn vị có quà tặng cho ông Nghĩa.

Điều báo Tiền Phong muốn hướng tới đơn giản là kể lại một câu chuyện lịch sử và chuyển tải tới bạn đọc một thông điệp về yêu thương, hoà giải, đoàn kết dân tộc.

Mở đầu cuộc gặp, nhà báo Lê Xuân Sơn nói ông và các cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong thực sự vui mừng gặp mặt với ông Bùi Trọng Nghĩa, người dù muốn hay không cũng đã cùng người lính Giải phóng Nguyễn Huy Tạo trở thành một biểu tượng nho nhỏ nhưng rất ấn tượng về hoà giải, đoàn kết dân tộc. Từ những ngày của năm 1973 xa xôi ấy, cái khoác vai và ánh mắt nhìn thẳng về phía trước của hai chiến binh Tạo – Nghĩa đã thể hiện niềm hi vọng, niềm tin vào tương lai không còn chiến tranh, đất nước thống nhất, những người anh em con của Mẹ Việt Nam không còn phân hai chiến tuyến, sum họp một nhà.

“Đã hơn 40 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất, hầu hết những người đã từng từng đứng ở hai phía đã thực sự trở thành anh em thì rất tiếc vẫn còn những người vì lý do này, lý do khác không muốn hoặc chưa vượt qua được những rào cản, những mặc cảm quá khứ để thực sự hoà giải dân tộc, dù quá trình này đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam đưa thành đường lối và thúc đẩy thực hiện. Từ ngày xưa, ông cha ta đã có truyền thuyết con Rồng cháu Tiên về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Tất cả người Việt Nam, theo sự tích đều sinh ra từ một mẹ. Chúng ta là anh em máu đỏ, da vàng nghìn năm máu mủ ruột rà, vậy tại sao lại cách ngăn chính chúng ta bằng những rào cản, chiến tuyến vô hình như vậy?” – Nhà báo Lê Xuân Sơn nói. Ông hi vọng và tin tưởng bức ảnh “Hai người lính”, câu chuyện quanh nó và cả cuộc gặp mặt ngày hôm nay sẽ góp phần nào đó thúc đẩy hoà giải và đoàn kết dân tộc. Sự quan tâm của bạn đọc những ngày qua, sự giúp đỡ mà họ gửi tới gia đình ông Nghĩa là bằng chứng cho điều đó.

Hội ngộ một trong 'Hai người lính' ở TP.HCM: Thông điệp của yêu thương ảnh 3
Hội ngộ một trong 'Hai người lính' ở TP.HCM: Thông điệp của yêu thương ảnh 4 Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh giới thiệu và tặng ông Nghĩa cuốn sách ảnh "Ký ức chiến tranh" của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, trong đó có bức "Hai người lính".

Xúc động

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết bà cũng rất vui khi hôm nay có mặt tại cuộc gặp mặt. Bà Vân cho biết, chính bà là người đã thúc giục nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành (tác giả bức ảnh “Hai người lính”) triển lãm bức ảnh và in nó vào cuốn sách "Ký ức chiến tranh".

“Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bức ảnh gốc của anh Chu Chí Thành, tôi nói anh phải nhất định phải công bố bức ảnh này để công chúng biết. Anh chậm công bố bức ảnh là có lỗi vì đây là biểu tượng của sự hòa giải dân tộc rất rõ ràng ngay khi chiến tranh chưa chấm dứt”, bà Vân xúc động nói. “Từ lúc biết bức ảnh đến nay, chúng tôi đã tìm mọi cách để giới thiệu bộ ảnh của anh Chu Chí Thành, trong đó có bức ảnh “Hai người lính” này ở nhiều cuộc triển lãm tại chỗ, lưu động trong nước và nước ngoài. Ngoài ra còn in thành sách song ngữ để giới thiệu với công chúng nước ngoài về câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có câu chuyện hòa giải dân tộc”.

Bà Vân giới thiệu với ông Nghĩa và mọi người cuốn sách ảnh của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành do Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh phối hợp in, trong đó ngoài bức ảnh Hai người lính còn có bức ảnh cũng ông Thành chụp trước đó chỉ vài phút đồng hồ, ghi lại cảnh các binh lính Quân đội Sài Gòn gặp mặt các nữ du kích, trong đó ông Nghĩa trẻ măng nở nụ cười rạng rỡ, tay bắt mặt mừng như được gặp những người chị, người em của mình. Bà Vân đã trân trọng thay mặt ông Thành và Bảo tàng đề tặng ông Nghĩa cuốn sách quý đó cùng một món quà. Bà Vân nói nay đã biết kỹ hơn về lịch sử và con người trong bức ảnh, bà sẽ tích cực tuyên truyền quảng bá nó hơn nữa để đóng góp vào quá trình hoà giải, đoàn kết dân tộc.

Hội ngộ một trong 'Hai người lính' ở TP.HCM: Thông điệp của yêu thương ảnh 5

Bức ảnh “Hai người lính” trong cuốn sách “Ký ức chiến tranh”.

Hội ngộ một trong 'Hai người lính' ở TP.HCM: Thông điệp của yêu thương ảnh 6

Bức ảnh này ông Thành chụp cách  bức "Hai người lính" vài phút. Ông Nghĩa (người đang bắt tay) cùng ông Tạo (đang để tay lên vai ông Nghĩa) và binh lính hai bên gặp các nữ du kích Quảng Trị

Anh Phạm Văn Tam, vị chủ tịch kiêm tổng giám đốc trẻ tuổi của Tập đoàn Asanzo cho biết đã xúc động khi đọc loạt bài tên báo Tiền Phong xung quanh bức ảnh “Hai người lính”. Được gặp trực tiếp một trong hai nhân vật trong bức ảnh, anh Tam nói: “Nhìn bức ảnh và nghe câu chuyện, tụi con càng thấy có trách nhiệm phải cố gắng để góp phần mình vào việc đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước”. Biết gia đình ông Nghĩa chỉ có chiếc TV đã rất cũ, anh Tam đã tặng gia đình ông Nghĩa chiếc TV màn hình phẳng 40 inch hiệu Asanzo – sản phẩm của Tập đoàn và 5 triệu đồng.

Nhà báo Lý Thành Tâm - Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong cho biết, qua loạt bài mà báo Tiền Phong đăng tải, nhiều bạn đọc đã gửi lời thăm hỏi, động viên và gửi qua báo Tiền Phong tặng gia đình ông Nghĩa tổng cộng 90 triệu đồng. Số tiền này đã được đại diện báo Tiền Phong trao cho ông Nghĩa ngay tại cuộc gặp.

Hội ngộ một trong 'Hai người lính' ở TP.HCM: Thông điệp của yêu thương ảnh 7 Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Asanzo tặng chiếc tivi cho ông Nghĩa và gia đình.
Hội ngộ một trong 'Hai người lính' ở TP.HCM: Thông điệp của yêu thương ảnh 8 Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong thay mặt bạn đọc là Tập đoàn Novaland gửi tặng ông Bùi Trọng Nghĩa lẵng hoa.

Cuối cuộc gặp mặt, ông Bùi Trọng Nghĩa xúc động nói, từ xưa giờ ông mới ra gặp mặt ở một chỗ công khai thế này. Ông không nghĩ mình sẽ được nổi tiếng dù bức ảnh được công bố, được báo chí nhắc đến và có một số bài viết về ông. Ông cũng không nghĩ bức ảnh ông với ông Tạo có ý nghĩa biểu tượng. Lúc đó đơn giản chỉ là mừng quá, chiến tranh sắp kết thúc, không còn chết chóc nữa, đất nước thống nhất, có thể trở về nhà. Ông Nghĩa nói rằng, ông cũng không ngờ câu chuyện lại được nhiều người theo dõi, thực tâm ông không muốn mọi người chú ý đến mình. Ông chỉ muốn có cuộc sống yên ổn với gia đình vợ con.

“Nhưng vì cô Vinh (nhà báo Dương Phương Vinh – Trưởng ban Văn nghệ báo Tiền Phong) quá nhiệt tình lặn lội từ Hà Nội vào tìm và kiên trì thuyết phục” nên ông mới xiêu lòng lộ diện. Ông Nghĩa bày tỏ xúc động trước tình cảm bạn đọc dành cho và những hỗ trợ vật chất được gửi đến.  Ông cũng mong đất nước mình không bao giờ còn rơi vào cảnh chiến tranh, chia cắt vì “chiến tranh quá tàn khốc, quá khổ”.

Kết thúc cuộc gặp mặt, nhà báo Lê Xuân Sơn đã cảm ơn ông Bùi Trọng Nghĩa đã đồng ý để báo đưa câu chuyện của mình đến với bạn đọc và đồng ý tới cuộc gặp mặt này. Bởi điều báo Tiền Phong muốn hướng tới đơn giản là kể lại một câu chuyện lịch sử và chuyển tải tới bạn đọc một thông điệp về yêu thương, hoà giải, đoàn kết dân tộc, điều không thể thực hiện nếu không có sự đồng ý và hợp tác của những người trong cuộc.

Bạn đọc ở Hà Nội hỗ trợ 20 triệu đồng, Công ty CP Đầu tư Địa ốc Tiến Phát hỗ trợ 20 triệu đồng, luật sư Phạm Thị Kim Anh (Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương) tặng 10 triệu đồng, Tập đoàn Asanzo tặng 1 tivi Asanzo 40 Inch cùng 5 triệu đồng,… Ngoài ra còn nhiều bạn đọc xin không nêu tên đã ủng hộ cho ông Bùi Trọng Nghĩa và gia đình. Tổng số tiền 90 triệu đồng đã được báo Tiền Phong trao tận tay đến ông Bùi Trọng Nghĩa và gia đình.

MỚI - NÓNG