Nhà thơ Phạm Tiến Duật:

Hội Nhà văn không phải hội phong trào

Hội Nhà văn không phải hội phong trào
Nhà văn, kể cả văn hào kiệt xuất đi nữa cũng xuất hiện từ quảng đại quần chúng. Gia đình văn hóa, làng văn hóa, xã văn hóa… là những phong trào rất cần thiết trên chặng đường đã qua, hiện nay và sắp tới.

Phong trào quần chúng làm văn nghệ sôi nổi trên phạm vi cả nước cũng là cần thiết. Tôi ngạc nhiên, có lúc đến kinh ngạc, thấy ở phường này, phố kia, công ty nọ, có những ca sĩ không chuyên mà hát hay ngỡ như chuyên nghiệp.

Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) được tái xác nhận tại kết luận của Hội nghị Trung ương 9 vừa qua là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan văn hóa văn nghệ mà là của toàn xã hội.

Đây là công việc của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương các Sở Văn hóa tỉnh và thành phố. Bộ Văn hóa – Thông tin có hẳn một cơ quan quản lý Nhà nước và điều hành công việc này là Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở.

Phong trào quần chúng làm văn hóa, phong trào quần chúng làm văn học là cái nền quý giá, là người cung cấp trước mắt và lâu dài các tài năng văn hóa và văn nghệ cho đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề xây dựng văn hóa nghệ thuật cộng đồng và văn hóa nghệ thuật đỉnh cao rất khác nhau, từ quy trình gây dựng, phương cách đầu tư đến cách đánh giá.

Ví dụ như quyển sách Lôi Phong ở Trung Quốc (Lôi Phong là nhân vật anh hùng có thật na ná như Paven Coócsaghin, tác phẩm tự truyện ở Nga) được bạn đọc Trung Quốc một dạo quan tâm hơn nhiều tác phẩm kiệt xuất của đất nước ấy.

Nếu đem trưng cầu ý dân thì nhiều tác phẩm nhất thời lại cao phiếu hơn nhiều so với các tác phẩm lâu bền: Quần chúng không nhầm nhưng họ phải quan tâm đến những gì ngay lập tức tác động đến họ. Vậy, văn nghệ nói chung và văn học nói riêng không phụ thuộc vào đám đông mà chỉ phụ thuộc vào số đông của quần chúng nhân dân dài ngày.

Hội Nhà văn Việt Nam, cơ quan duy nhất và cao nhất của đội ngũ những người làm công tác văn học cũng cần quan tâm đến phong trào văn học và nghệ thuật ở cơ sở. Tuy nhiên, thiên chức hàng đầu của Hội Nhà văn Việt Nam và các hội chuyên ngành nghệ thuật ở Trung ương là xây dựng văn hóa đỉnh cao chứ không phải văn hóa phong trào.

Nếu các nhà văn và bạn đọc đồng ý với ý kiến này thì việc tổ chức Hội, điều lệ và phương cách hoạt động, chương trình công tác cũng phải từ mục tiêu lớn ấy chi phối mà hoạch định.

Nhiệm kỳ 5 năm qua của Hội Nhà văn Việt Nam đã làm được nhiều việc phụng sự cho nền văn hóa có tính chuyên nghiệp. Tạp chí Văn học nước ngoài do nhà văn Ma Văn Kháng (ủy viên Ban chấp hành Hội) chủ trì là tạp chí có tính chuyên nghiệp cao, giới thiệu đầy hiểu biết văn học khu vực và thế giới với một giọng văn điềm tĩnh đáng nể trọng.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà Tổng biên tập là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn đã tiếp tục giữ được truyền thống. Tạp chí Nhà văn chuyển từ tạp chí Tác phẩm mới sang đã được nâng cao rõ rệt về cả nội dung và hình thức. Nhà xuất bản Hội Nhà văn có trên những tập sách hay, chỉ tiếc là tuần báo Văn nghệ dù đã có nhiều cố gắng vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của bạn đọc.

Về kết nạp hội viên Hội Nhà văn tiêu chuẩn tiên quyết của người muốn được kết nạp phải có hai tập sách. Tiêu chuẩn ấy ở nhiệm kỳ 3, nhiệm kỳ 4 còn có một phần có lý, chứ đến nhiệm kỳ 5 vừa rồi là nhiệm kỳ của thời kinh tế thị trường thì theo tôi là chưa ổn.

Có ông giám đốc nọ, trong 5 năm in 10 tập thơ. Có bà chủ làm đồ gỗ cũng cho ra sách hiếu hỉ đều đều mà giá trị văn chương thì hầu như không có. Việc lập các ban phong trào trong Hội có chức năng như các hội đồng chuyên môn có bộc lộ việc xây dựng hội thành hội phong trào hay không? Còn các câu chuyện về giải thưởng hàng năm, chuyện phân chia tiền đầu tư sáng tác… phải chăng là còn mang tính phong trào?

Công việc của Hội Nhà văn Việt Nam sau đại hội bảy chắc cũng còn nhiều: Việc tăng cường số lượng hội viên vừa như chặt chẽ vừa như ồ ạt hiện nay; việc xây xong cái vỏ của Bảo tàng Văn học thì lấy những gì bỏ vào trong đó; việc trao các loại giải thưởng thế nào, công việc đối ngoại giải quyết ra sao và nhiều công việc khác.

Tất cả mong chờ vào sự sáng suốt của một ban điều hành mới. Chỉ có điều mong muốn rằng, các anh các chị làm gì thì tùy nhưng phải cố nâng cao chất lượng các ấn phẩm của Hội Nhà văn nhất là báo Văn nghệ, cố nâng cao tính chất chuyên nghiệp của Hội, để Hội xứng đáng là ngôi đền thiêng đang thờ biết bao danh tài của dân tộc và đất nước.

18/4/2005

MỚI - NÓNG