Giải mã thời Tam Quốc:

Hợp Phì chi chiến – Thực hư chuyện Trương Liêu đại bại Tôn Quyền

Tượng Trương Liêu ở Hợp Phì
Tượng Trương Liêu ở Hợp Phì
TPO - Ghi chép lịch sử về công trạng của Trương Liêu trong trận Hợp Phì năm Kiến An thứ hai mươi (Công Nguyên năm 214) có đầy đủ những phẩm chất câu khách vượt trội hơn so với miêu tả trong bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa nổi tiếng.

Các hình tượng văn học hoặc hình tượng dân gian như Tào Tháo gian hùng, Quan Vũ trung nghĩa hoặc các câu chuyện như “uống rượu luận anh hùng”, “ôn tửu trảm Hoa Hùng” luôn được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. “Bến Tiêu Diêu, Trương Liêu khét tiếng” lại là một ngoại lệ hiếm hoi không nằm trong số đó khi mà cái khét tiếng ấy lại đi liền với câu chuyện “Trương Liêu dẫn 800 binh sĩ đánh phá 10 vạn đại quân khiến Tôn Quyền khóc hận” trong bộ chính sử Tam Quốc Chí…

Đại bại Tôn quân?

Kỳ thực, hình tượng văn học thường có sức hút hơn hình tượng lịch sử bởi nó miêu tả sự việc, con người một cách sinh động hơn rất nhiều so với những ghi chép trong tư liệu lịch sử. Trong trường hợp này, ghi chép về công trạng của Trương Liêu trong trận Hợp Phì năm Kiến An thứ hai mươi (Công Nguyên năm 214) có đầy đủ những phẩm chất câu khách vượt trội hơn so với miêu tả trong bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa nổi tiếng.

Tam Quốc Chí (TQC), Trương Liêu truyện kể Tào Tháo đi đánh Trương Lỗ, lệnh cho Hộ quân là Tiết Đễ mang đến một phong thư dán kín, trên có viết “giặc đến hãy mở”. Ít lâu sau, Tôn Quyền vây Hợp Phì, mở phong thư ra thì thấy ghi rằng “Nếu Tôn Quyền đến, Trương, Lý tướng quân ra đánh; Nhạc tướng quân giữ hộ quân, chớ có tham chiến.” Chúng tướng đều nghi hoặc, duy chỉ có Trương Liêu hiểu ý Tào Tháo, mới giải thích rằng phải tiên phát chế nhân, “bẻ gãy thế mạnh của giặc để yên lòng quân”. Thế là đêm đó Liêu tuyển mộ 800 dũng sĩ, hôm sau mặc giáp cầm kích, cùng Lý Điển xông vào trong lũy, đánh cho Ngô quân gà bay chó chạy. Tôn Quyền kinh hãi cùng thân binh chạy lên gò cao.

Đến khi Quyền nhận ra Liêu ít binh, liền xua binh vây chặt. Liêu đem mấy chục thủ hạ thoát khỏi vòng vây thì nghe đám quân sĩ còn lại kêu là “Tướng quân bỏ chúng ta sao!”. Liêu liền quay vào phá vây, cứu số quân sĩ còn lại ra. “Nhân mã của Quyền đều lướt chạy, không ai dám địch. Đánh từ sáng sớm đến giữa trưa, người Ngô mất vía”.

Mưu kế như quỷ thần, tráng sĩ anh hùng vô địch lại trọng nghĩa khí, qua lại giữa vòng vây quân thù như vào chốn không người, biết chọn thời cơ xuất kích, lấy sức một người thay đổi cả đại cuộc, trí mưu gồm đủ, cuối cùng lại được kết lại bằng một câu chốt chất lừ “Chiến dịch Hợp Phì, Liêu, Điển dùng tám trăm bộ tốt, phá mười vạn giặc, kẻ dụng binh từ xưa, chưa có ai được như thế”. Thử hỏi sao Tam Quốc Diễn Nghĩa còn không biết cam bái hạ phong, chỉ bổ sung được mấy dòng “trẻ con Đông Ngô nghe đến tên Liêu cũng không dám khóc đêm”.
Nhưng rốt cuộc, đây là sử hay là văn?
 
Sở dĩ câu hỏi này được đặt ra là vì có nhiều chi tiết rất đáng ngờ. Tỷ như chi tiết tiên phát chế nhân, chặn thế mạnh của giặc, rồi chi tiết xông vào vòng vây của địch giải cứu số binh sĩ bị bao vây còn lại có thế bắt gặp trong Tào Nhân truyện: “Nhân lại vượt hào lũy tiến thẳng về phía trước, xông vào vòng vây của địch, bọn Ngưu Kim nhờ thế được giải thoát. Số binh sĩ còn lại chưa ra hết được, Nhân bèn quay lại đột phá, đưa hết số binh của Kim ra, giết được mấy chục người, quân giặc phải lui về.”

Lại nói Tôn Quyền bị tập kích bất ngờ nên phải bỏ chạy đã đành, nhưng đánh nửa ngày từ sáng đến trưa mà danh tướng Đông Ngô lại chẳng thấy ai xuất hiện để ngăn cản Liêu trong khi trận chiến vốn được trù bị từ lâu này xuất động hầu hết anh tài của Đông Ngô như Lã Mông, Cam Ninh, Lăng Thống là cớ làm sao? Nói việc binh bại không ghi lại cũng là vô lý vì việc Phan Chương ổn định lòng quân, Cam Ninh nâng cao sĩ khí cho đến Tống Khiêm, Từ Thịnh bỏ chạy đều nhất nhất ghi lại, sao lại không nhắc đến chuyện không thể cản mấy trăm người bọn Liêu?

Điều này chỉ có hai cách giải thích. Thứ nhất, căn bản không có việc Trương Liêu dùng 800 người tập kích Tôn Quyền. Quan điểm này được La Quán Trung ủng hộ khi ông để lần ra quân duy nhất của Liêu là ở bến Tiêu Diêu với 2.000 binh mã (Nhạc Tiến, Lý Điển cũng toàn quân xuất động).

Cách giải thích thứ hai là Liêu đích thực có mang 800 dũng sĩ xông trận, nhưng vốn dĩ không đến mức đánh cả nửa ngày khiến Tôn quân gà bay chó chạy mà chỉ là hành động chớp nhoáng trước khi các tướng lĩnh của Ngô kịp tập hợp. Cách giải thích thứ hai này được củng cố bằng việc Tôn Quyền dám đi đoạn hậu khi toàn quân rút lui, dẫn đến việc bị Trương Liêu tập kích lần hai. Nếu quả thật Liêu đã khiến Quyền khiếp đảm thì không đời nào Tôn Quyền lại dám mạo hiểm như thế.

Như vậy, cho dù có thật thì hành động tập kích của Liêu, Điển chỉ mang tác dụng yên lòng phe nhà hơn là đả kích sĩ khí 10 vạn đại quân của Tôn Quyền. Huống hồ, Tôn Quyền cũng không thật sự có 10 vạn đại quân.
Hợp Phì chi chiến – Thực hư chuyện Trương Liêu đại bại Tôn Quyền ảnh 1 Tôn Quyền qua tranh của Tsuyoshi Nagano

Tôn Quyền thật có mười vạn đại quân?

Thử nhìn lại trận đại chiến Xích Bích năm Kiến An thứ mười ba (Công nguyên năm 208), khi đại quân Trung Nguyên đã đến trước cửa, quần thần Giang Đông rụng rời khiếp vía. Đây vốn dĩ là trận chiến sống còn của Tôn Ngô, Quyền phải dốc hết cả vốn. Thế nhưng Giang Biểu truyện lại cho biết Du xin năm vạn quân cũng đã là rất khó khăn với Quyền: “năm vạn binh khó tập hợp trong chốc lát, đã tuyển được ba vạn người, thuyền lương chiến cụ đều đủ,…”. TQC, Chu Du truyện cũng viết Du chỉ xin “được cấp ba vạn tinh binh”.

Hợp Phì dẫu quan trọng, cũng chỉ là cuộc chiến xâm lược, tầm quan trọng không thể so với cuộc chiến giữ nhà như Xích Bích, tất không thể dốc quân nghiêng nước được. Huống hồ, Kinh Nam ba quận vừa đoạt, lòng người chưa yên. TQC, Lã Đại truyện nói, sau khi chia lại Kinh Châu với Lưu Bị, “trưởng huyện An Thành là Ngô Nãng cùng Trung lang tướng là bọn Viên Long liên kết với Quan Vũ, lại phản loạn”. Quyền không thể không để trọng binh lại nơi này, ít nhất cũng sẽ có hơn một vạn quân ở Hạ Khẩu cho Lỗ Túc điều động[1]. Giang Hạ, Dự Chương cũng đều phải lưu trọng binh đề phòng Quan Vũ, Tào Nhân, không thể ít hơn hai vạn người.

Ngoài ra các nơi quan trọng như đường lui Nhu Tu Khẩu, Kiến Nghiệp, Cối Kê đều cũng cần có binh mã trú giữ. Như vậy Tôn Quyền có ít nhất bốn, năm vạn đại quân không thể điều động.

Nếu quả thật Đông Ngô có thể xuất ra mười vạn đại quân để đánh Hợp Phì, tổng quân số cả nước sẽ là khoảng 15 vạn, gấp 3 lần số binh mã có thể gom góp trong trận Xích Bích. Nghĩa là dân số Đông Ngô phải tăng gấp 3 lần trong vòng sáu năm, từ sau Xích Bích cho đến trước Hợp Phì. Điều này tất nhiên là không có khả năng. Mười vạn đại quân, thật ra chỉ là hư trương thanh thế, Tôn Quyền lúc đó tối đa chỉ có thể điều động khoảng ba đến bốn vạn quân. Nếu tính theo tỷ lệ một lính, hai phu thì vừa vặn mười vạn người. Tuy rằng phu dịch cũng có thể bị điều động xông trận nhưng rất hạn chế bởi vì không được huấn luyện, tiến lui không theo lệnh sẽ làm loạn hàng ngũ, tố chất tâm lý kém, dễ vỡ trận sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sĩ khí toàn quân. Cho nên khi bị Trương Liêu tập kích, quân sĩ hoảng loạn phần nhiều là do phu dịch mà ra.

Chuyện Liêu, Điển mang 800 binh mã đại bại Tôn Quyền là hoàn toàn bịa đặt, vậy thì nguyên nhân thất bại thật sự của Tôn Quyền ở Hợp Phì là gì?

...................................................................................................

Chú thích và tham khảo:

+ Tam Quốc Chí (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính).

+ [1]: Tam Quốc Chí – Lã Mông truyện.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.