Hợp xướng là cùng vui sướng

Đoàn La Salle Chorale của Philippine với phần biểu diễn pha phong cách Jazz đã giành ngôi quán quân năm nay. Ảnh: Nguyễn Thảo.
Đoàn La Salle Chorale của Philippine với phần biểu diễn pha phong cách Jazz đã giành ngôi quán quân năm nay. Ảnh: Nguyễn Thảo.
TP - Điểm khác biệt của cuộc thi Hợp xướng quốc tế lần thứ 5 tại Hội An là nước chủ nhà có tới 9 (trong 33) đoàn tham gia. Xuất hiện một số đoàn mới từ trường phổ thông, giáo hội Thiên chúa giáo, đặc biệt có hai đoàn công nhân khu công nghiệp. Nhạc trưởng của một trong hai đoàn này dành giải cao nhất.

“Lính mới” thắng giải

Vào buổi nghe thử các đội ở nội dung Hợp xướng mức độ khó II, thành viên ban giám khảo Randy Stenson (Mỹ) tỏ ra quan tâm đến hai bản phối “Chiếc khăn piêu” của nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa và “Dân ca Hàn Quốc” của nhạc trưởng Lê Quốc Vương cho hai dàn ca sĩ công nhân của Samsung Electronics Thái Nguyên và Bắc Ninh. Ông Randy Stenson đã xin bản tổng phổ của hai nhạc sĩ để đưa lên trang web chuyên về hợp xướng.

Ở cánh gà đợi đến lượt thi, 80 ca sĩ công nhân có dịp giao lưu với các đội quốc tế. Họ hơi run nhưng cũng đầy tự hào vì “đội mình 2 tuổi thi cùng với đội 15- 20 tuổi nghề”. Ba tháng trước các công nhân mới vỡ bài hát dự thi, trong khi đó các đội từ Phillipne, Indonesia, Malaysia...mang đến các bản hit có thâm niên tại trời Âu - Á.

Giám khảo Jonathan Velasco (Phillipine) bảy tỏ thiện cảm đặc biệt khi biết 100% ca sĩ của 2 đoàn Samsung là công nhân và tất cả đểu không biết đọc nốt nhạc mà vẫn hoàn thành tốt phần thi của mình.

Vào tối trao giải, nhạc trưởng 27 tuổi Lê Quốc Vương hoàn toàn bất ngờ khi tên anh được xướng lên trong giải “Nhạc trưởng xuất sắc nhất”. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có được giải thưởng danh giá trong hành trình 10 năm tham gia thi  quốc tế. Vui sướng nhưng đầy thắc mắc, cuối buổi nhạc sĩ trẻ đi tìm ban giám khảo để hỏi “vì sao tôi được chọn trong 32 nhạc trưởng, trong đó có nhiều người rất giỏi?”. Đại diện ban giám khảo đã đưa ra những lý do sau: thứ nhất, sau khi được tư vấn góp ý ở buổi nghe thử, dàn hợp xướng Bắc Ninh đã chỉnh sửa ,có hiệu ứng khác hẳn ở phần thi chính thức, chứng tỏ nhạc trưởng có khả năng thuyết phục và truyền ảnh hưởng đến các ca sĩ; thứ hai, Quốc Vương còn rất trẻ đã tự sáng tác và phối 2 trong 3 bài hát dự thi.

Lê Quốc Vương kể từng tham dự hai kỳ thi hợp xướng quốc tế trước nhưng với vai trò ca sĩ. Trước đó Quốc Vương tốt nghiệp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương,  khi học thạc sĩ anh mới làm quen với bộ môn chỉ huy dàn nhạc, dưới sự hướng dẫn của thày giáo, nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa.  Ra trường nghệ sĩ trẻ chơi piano kiếm sống nhưng vẫn dành tình yêu đặc biệt với hợp xướng. Cách đây hơn 2 tháng, anh nhận lời làm nhạc trưởng cho dàn hợp xướng của công nhân Samsung Bắc Ninh tham gia cuộc thi quốc tế tại Hội An. Từ 50.000 công nhân, nhạc trưởng chọn ra 40 người, “hầu như không có giọng và họ cũng chẳng thích tham gia thể loại hát mà họ chẳng hiểu là gì”. Do ban giám đốc vẫn tính công những giờ họ tập hát  nên quân số vẫn đủ.

Hợp xướng là cùng vui sướng ảnh 1 Nhạc trưởng Lê Quốc Vương (bìa phải) trò chuyện cùng giám khảo sau lễ trao giải.

Khó nhất là lúc vỡ bài và vận hành  hát 4 bè. Hôm nay nhớ, mai họ lại quên, chỉnh sửa rất vất vả, nhạc trưởng chia sẻ. Hầu như không ai biết ngoại ngữ nên lúc tập hát bài tiếng Anh và tiếng Hàn, chỉ huy phải phiên âm thành tiếng Việt cho các ca sĩ dễ nhớ. Nhạc trưởng tìm mãi mới ra bài tiếng Anh có ít từ, chủ yếu lặp đi lặp lại điệp khúc “Sing because i’m happy”.

Trong cùng buổi tối, phần thi của các ca sĩ công nhân Samsung Thái Nguyên và nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa cũng gây ấn tượng tốt với bài “Chiếc khăn piêu” nhưng học trò Lê Quốc Vương vẫn giành giải cao nhất về chỉ huy, bỏ lại phía sau thầy của mình và 30 nhạc trưởng khác.

Hợp xướng giống như thiền

Thạc sĩ, giám đốc nghệ thuật và giám khảo Đặng Châu Anh cho biết sau 5 lần tham gia chấm giải các cuộc thi hợp xướng (do Hiệp hội Interkultur của Cộng hòa Liên Bang Đức phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An tổ chức), chị thấy khán giả Việt đã quan tâm hơn hẳn với môn nghệ thuật này.

Ở những cuộc thi đầu tiên hầu như không có khán giả, chỉ các thí sinh xem nhau. Nhiều người vẫn nghĩ hợp xướng là hát đồng ca tập thể  mang không khí  cổ điển. Tới gần đây được nghe các bản phối pha phong cách jazz, hip hop, rock nhiều khán giả người lớn mới cho con tham gia bộ môn này.

Ở vị trí  giám đốc Trung tâm nghệ thuật Sol Art, Th.s Đặng Châu Anh nhận thấy không chỉ học sinh mà cả các phụ huynh cũng cảm nhận vẻ đẹp và hiệu ứng tích cực của hợp xướng đến thành viên tham gia. “Ngôn ngữ hợp xướng giáo dục cho học sinh tinh thần kết nối, tính kỷ luật, khả năng tiết chế và thẩm mỹ âm nhạc”. Các nhà nghiên cứu giáo dục trên thế giới cũng đã chứng minh, trẻ em muốn phát triển và hội nhập cần sở hữu những kỹ năng nói trên. Mọi người có thái độ sống văn minh hơn sau khi làm quen với hợp xướng.

Hát hợp xướng cũng là thiền, Th.s Đặng Châu Anh gọi bộ môn này là hợp “sướng” bởi tất cả “cùng sướng”. Nhiều phụ huynh còn phân biệt rõ tác động học hát kiểu showbiz và hát hợp xướng với con của họ. Khi hát solo đứa trẻ cố gắng thể hiện cái “tôi”, cố nổi trội, làm người khác hài lòng. Hát hợp xướng thì ca sĩ dìm bớt cái “tôi” , dùng tai để hát và thưởng thức sự hòa nhịp của mình với tập thể. Họ hát để bản thân mình thư thái.

Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa và Lê Quốc Vương có nhận xét trùng hợp rằng các ca sĩ công nhân càng tập hát càng say. Trước đây họ ngại bỏ làm đi hát vì lo giảm thu nhập, nay họ sẵn sàng  đi biểu diễn các sự kiện văn hóa hoặc mục đích từ thiện.

Hội thi Hợp xướng quốc tế Hội An lần thứ 5 với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sỹ, diễn viên của 34 Đoàn hợp xướng đến từ 10 quốc gia. Hội thi là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật và tiềm năng du lịch của Hội An, Quảng Nam đến với du khách trong nước và quốc tế.

MỚI - NÓNG